Sách điện tử và “văn hóa đọc”

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 03:06, 28/06/2011

Vốn là nước phát minh ra giấy, Trung Quốc nay cũng là nước tiêu thụ “sách điện tử” lớn trên thế giới, với 693.000 chiếc trong năm 2009 tăng lên 2,1 triệu chiếc năm 2010.
Sách điện tử và “văn hóa đọc”

Vốn là nước phát minh ra giấy, Trung Quốc nay cũng là nước tiêu thụ “sách điện tử” lớn trên thế giới, với 693.000 chiếc trong năm 2009 tăng lên 2,1 triệu chiếc năm 2010.

Sự ra đời của giấy viết là cuộc cách mạng lớn của “Văn hóa đọc viết”. Nhờ có giấy, con người đã chuyển tải được thông tin và ghi chép thuận lợi nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, sáng tác văn học, đời sống hàng ngày lưu truyền lại cho đời sau. Sự ra đời giấy viết đã thúc đẩy nền công nghiệp in ấn, xuất bản phát triển mạnh mẽ. Các công ty, xưởng in, doanh nghiệp sản xuất giấy và xuất bản phát triển mạnh mẽ.

Nhưng nếu Thái Luân - người Trung Quốc đầu tiên trên thế giới phát minh ra giấy viết vào năm 118 trước Công nguyên – sống dậy, hẳn ông này sẽ phải hết sức kinh ngạc trước sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Ngày nay người ta không cần tới giấy mà vẫn ghi lại sự kiện một cách vô cùng nhanh chóng và một quyển “sách điện tử” có kích thước chỉ bằng nửa tờ giấy học trò lại có thể chứa đựng cả một kho sách đồ sộ hàng chục tấn giấy. Khoa học kỹ thuật phát triển đã đưa lại cuộc cách mạng to lớn về “Văn hóa đọc viết”.

Kể từ khi kỹ thuật nghe nhìn (nhất là truyền hình và phim ảnh) phát triển mạnh, “Văn hóa đọc” hầu như đã bị “Văn hóa nghe nhìn” đẩy lùi vào dĩ vãng. Nhịp sống công nghiệp tất bật, thời gian ngày càng eo hẹp đã biến TV trở thành một công cụ rất thuận tiện cập nhật các thông tin cần thiết kèm theo hình ảnh chuyển tải tới khán giả. Văn hóa nghe nhìn thực sự chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, dân chúng vẫn không thể quên được những cuốn tiểu thuyết, nhưng bài viết sâu sắc, nên các nhà khoa học và giới xuất bản không chịu cam tâm để cho “Văn hóa đọc” bị lụi tàn. Họ đã tìm cách làm cho”Văn hóa đọc” sống lại, không bị mai một, không trở thành dĩ vãng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tin học đã tìm cách đưa các cuốn sách vào trong máy tính cá nhân (PC) để mọi người có thể đọc ngay khi có thời gian rảnh rỗi.

Năm 2007, Công ty điện tử Amazon của Mỹ đã cho ra đời công cụ chuyên dụng gọi là “sách điện tử” có tên “Kindle”. Kindle có kích cỡ không lớn, chỉ bằng quyển sách dày vừa phải, mang theo người rất thuận tiện, nhưng có thể lưu trữ được hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách, tạp chí, tờ báo theo sở thích của từng người. Thậm chí là cả một thư viện cơ động được thu nhỏ vào trong “sách điện tử Kindle” được mang theo người. Đây là bước ngoặt rất lớn và có thể nói là một cuộc đại cách mạng mang tên “Văn hóa đọc điện tử”.

Công ty điện tử Amazon cho biết tính tới cuối tháng 12/2009 họ đã bán ra tới trên 3 triệu sách điện tử “Kindle”. Tiếp theo Amazon, các Công ty điện tử khác trên thế giới như Sony, Fuji, Google, Apple đều lao vào sản xuất và cho ra đời “sách điện tử” ngày một hiện đại hơn. Trong Hội chợ sách thế giới 2009 tổ chức tại Franfurt (Đức) hơn 40% công ty đều quảng cáo rao bán các loại “sách điện tử” kiểu mới vừa có lượng lưu trữ lớn vừa không làm tổn hại tới thị lực như mỏi mắt, suy giảm thị lực, cận thị. Cuộc cách mạng mới trong công nghiệp làm đảo lộn “Văn hóa đọc truyền thống” bằng “Văn hóa đọc điện tử” tạo ra nhiều loại công cụ “sách điện tử” khác nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu đọc của mọi người với lứa tuổi khác nhau ở mọi lúc mọi nơi.

Giờ đây, một quyển sách điện tử chỉ bằng chiếc điện thoại di động nhưng có thể chứa được hàng trăm quyển sách, tạp chí và báo chí. Một quyển sách điện tử Kindle loại trung bình rất gọn nhẹ có thể chứa được hơn 400.000 cuốn sách, 29 loại tạp chí, 30 tờ báo khác nhau. Ngoài ra, người sử dụng có thể mua thêm các cuốn sách mới, tạp chí mới, báo chí theo sở thích từ trên mạng hoặc từ các cửa hàng sách điện tử đưa vào lưu trữ trong kho “sách điện tử” của mình. Cùng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, dự kiến 10 năm tới đây, một cuốn “sách điện tử” có thể chứa được cả một thư viện lớn tới 600.000 cuốn sách. Hiện nay, sách điện tử chỉ bằng máy điện thoại di động nhưng chứa đựng được hàng nghìn cuốn sách, tạp chí, báo chí các loại. Tính năng và chức năng của sách điện tử ngày càng được cải tiến, nâng cao và thực sự đang lấn át các sách truyền thống xuất bản bằng giấy.

Vụ xuất bản khoa học kỹ thuật và Vụ xuất bản kỹ thuật số Trung Quốc cho biết thị trường sách điện tử năm 2010 của Trung Quốc tiêu thụ tới 75 tỉ nhân dân tệ (CNY), khoảng hơn 10 tỉ USD. Chữ Trung Quốc là kiểu chữ tượng hình rất phức tạp, nhưng họ đã số hóa để đưa các cuốn tiểu thuyết.

Các nhà giáo dục Trung Quốc cho rằng hàng năm Chính phủ trợ cấp 1.600 CNY mua sách giáo khoa cho một học sinh phổ thông cơ sở, nhưng do sách điện tử ngày càng phổ biến với giá rẻ hơn 1.600 CNY, nên nhà nước tính tới việc trang bị sách điện tử giáo khoa cho học sinh phổ thông, như vậy vừa tiết kiệm được ngân sách vừa giải tỏa “ba lô sách” đè nặng trên lưng các em nhỏ.

Sách điện tử đã thể hiện tính ưu việt của nó, vì vậy tương lai phát triển của sách điện từ đang ngày càng sáng sủa. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về Văn hóa đọc của con người, đồng thời cũng là “miền đất hứa” với tương lai đầy sáng sủa cho các doanh nghiệp.