Rủi ro của mọi rủi ro là yếu tố con người

Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 05:47, 01/07/2011

Để quản trị doanh nghiệp, cần xây dựng một HĐQT hoạt động hiệu quả, vì điều này ảnh hưởng không ít đến sự thành, bại của doanh nghiệp.
Rủi ro của mọi rủi ro là yếu tố con người

Để quản trị doanh nghiệp (DN), cần xây dựng một HĐQT hoạt động hiệu quả, vì điều này ảnh hưởng không ít đến sự thành, bại của DN. Các thành viên HĐQT phải là những người có uy tín, có khả năng đảm đương công việc và phải được phân quyền, phân việc rõ ràng để tránh chồng chéo nhiệm vụ. Trong HĐQT nên có quản trị viên độc lập để tăng tính minh bạch.

Đối với DN có quy mô lớn, một cá nhân không nên vừa là chủ tịch HĐQT, vừa là tổng giám đốc. Trái lại, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc để tránh sự trùng lặp giữa cơ quan hành pháp và lập pháp.

Để quản trị tốt, DN cần quan tâm đầu tiên đến yếu tố con người. Rủi ro của mọi rủi ro chính là con người, vì con người là tài sản quý giá của tổ chức, nhưng không thuộc quyền sở hữu của tổ chức. Nên xây dựng một môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp cùng một chính sách thu hút và duy trì nhân sự tối ưu, được điều chỉnh phù hợp qua các thời kỳ.

Song song đó, cần cố gắng duy trì chế độ thu nhập bình quân của nhân viên luôn nằm trong nhóm dẫn đầu các DN cùng ngành. Đối với quản lý cấp trung trở lên, có thể yêu cầu họ nghỉ phép thường niên liên tục từ 12 - 15 ngày để có điều kiện tái tạo sức lao động.

Cùng với chính sách thu hút nguồn nhân lực và chế độ đãi ngộ phù hợp trong từng thời kỳ, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được triển khai đồng bộ đến các cấp, từ cán bộ cấp cao, quản lý cấp trung đến các chuyên viên, nhân viên và các cấp kiểm soát trung gian khác.

Nội dung đào tạo nên mở rộng dần về phạm vi, từ các kỹ năng mềm đến các kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh mời các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước giảng dạy, DN hãy phát triển công tác đào tạo thông qua đội ngũ giảng viên nội bộ và các lãnh đạo cấp cao giàu kinh nghiệm của mình.

Song song với những điều đã đề cập, khả năng tự rèn luyện của mỗi nhà lãnh đạo cũng nên được trau dồi thường xuyên vì đây là tiền đề tạo nên sự vững chắc để quản trị và giám sát mọi việc. Theo tôi, người lãnh đạo giỏi phải là người vừa có tố chất kinh doanh, vừa có năng lực quản trị; phải là hạt nhân của những người tài và là người thầy tài ba trong công tác tự đào tạo.

Nếu nhà lãnh đạo luôn rèn luyện kỹ năng hùng biện và nghệ thuật truyền lửa đến toàn thể cán bộ, nhân viên, thì sẽ khơi gợi được tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành của nhân viên đối với tổ chức. Đỉnh cao của một doanh nhân phải là một nhà quản trị giỏi, tạo ra được giá trị gia tăng cho xã hội, khách hàng, cán bộ, nhân viên và nhà đầu tư.