Hàng rào “mềm” chặn chuyển dịch FDI “bẩn”
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 09:01, 13/07/2011
![]() |
Theo ông Chas Roy Chowdhury, Việt Nam cần có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp (DN) cải tiến công nghệ giảm ô nhiễm môi trường, tạo hàng rào “mềm” ngăn chặn chuyển dịch FDI “bẩn”.
* Thưa ông, tại sao phải thu thuế bảo vệ môi trường và liệu tiền thuế thu được có làm cho môi trường tốt hơn không?
- Minh bạch chính là chìa khóa cho vấn đề này. Chẳng hạn, khi mua sản phẩm xăng dầu, người tiêu dùng và DN chịu thuế môi trường đều muốn biết khoản tiền thuế đó được chi như thế nào, được quay lại đầu tư vào giao thông hay đầu tư công nghệ chế tạo ô tô mới có khả năng giảm khí thải ra môi trường...?
Về lý thuyết, mức thuế tối ưu được thiết lập ở thiệt hại biên về môi trường bằng lợi ích biên về kinh tế. Chẳng hạn, thiệt hại biên về môi trường bằng 50 tỷ USD đối với ô nhiễm do xe cộ có thể yêu cầu mức thuế là 1USD/lít nhiên liệu.
Nhưng ở đây có sự nhạy cảm chính trị và mối quan tâm của người tiêu dùng trong việc tăng mức thuế và tăng giá nhiên liệu.
Ngoài ra, trong khi có thể làm tăng phúc lợi xã hội bằng cách giảm lượng khí thải CO2, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm. Đây là điều mà xã hội không dễ dàng chấp nhận, người tiêu dùng dễ phản kháng do không hiểu thuế nhằm mục đích gì.
* Như vậy, có thể dùng thuế như một công cụ giảm ô nhiễm môi trường?
- Trong chính sách thuế, chính phủ, các chuyên gia về chính sách cần phải dung hòa giữa mục tiêu tăng nguồn thu và bảo vệ môi trường. Việc đánh thuế vào các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường sẽ khuyến khích DN đầu tư đổi mới công nghệ, giảm tác động đến môi trường. Mặt khác, thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu sẽ tác động, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Gần đây, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm sạch thay thế để tránh bị đánh thuế. Chẳng hạn, thay vì sử dụng túi nilon, họ chuyển sang dùng túi giấy.
* Nhưng áp thuế bảo vệ môi trường, tổng mức thuế DN phải nộp sẽ tăng lên?
- Nhìn chung, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế thay thế. Tại châu Âu, chính phủ các nước tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng lại giảm các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN... Như vậy, tổng mức thuế không đổi, bởi đây chỉ là biện pháp chuyển dịch cơ cấu thuế.
* Theo ông, chính sách thuế của Việt Nam phải được thực thi như thế nào?
- Hiện, Chính phủ Anh muốn dùng thị trường để giải quyết vấn đề môi trường. Giá cổ phiếu của DN trên thị trường chứng khoán sẽ giảm nếu DN không áp dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc không chứng minh được việc đã áp dụng các biện pháp khác nhau để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Với Việt Nam, muốn bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, chính sách thuế môi trường phải minh bạch, rõ ràng và nhất quán. Trước hết, cần xây dựng nhận thức về sự cần thiết của thuế bảo vệ môi trường - niềm tin công chúng vào loại thuế này đóng vai trò quan trọng.
Việt Nam cần có cơ chế thúc đẩy DN cải tiến công nghệ giảm ô nhiễm môi trường và tạo hàng rào “mềm” ngăn chặn tình trạng chuyển dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “bẩn”. Tức là, các nhà đầu tư, DN sản xuất chuyển các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm từ các nước có quy định chặt chẽ về ô nhiễm môi trường sang các nước có quy định lỏng lẻo.
* Xin cảm ơn ông!
* Luật Thuế bảo vệ môi trường Việt Nam chính thức có hiệu lực từ 1/1/2012. Theo đó, 8 nhóm hàng hóa chịu điều chỉnh của Luật này, cụ thể: xăng dầu, mỡ nhờn, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông, các loại thuốc diệt cỏ, trừ mối, khử trùng kho, bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng. * Từ 1/1/2012, mức phí bảo vệ môi trường của xăng sẽ từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, phí dầu diezel từ 500 - 2.000 đồng/lít. Hiện, mức phí bảo vệ môi trường của xăng là 1000 đồng/lít, dầu diezel 500 đồng/lít, theo quy định của Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10. |