TP.HCM: cử tri vẫn bức xúc vấn đề tham nhũng
Du lịch - Ngày đăng : 05:22, 13/07/2011
Ngày 12/7, UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ trình bày tại kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM khóa VIII ngày 13 và 14/7. Theo đó, một số vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng (PCTN) và tình hình kiểm soát giá cả được cử tri hết sức quan tâm.
Xử lý nghiêm việc chạy chức chạy quyền
Người dân một số nơi chưa có điều kiện tiếp cận được chương trình bán hàng bình ổn giá, vì các chương trình này chủ yếu chỉ thực hiện ở một số siêu thị, trung tâm lớn. Ảnh: L.Q.N |
Cử tri TP.HCM cho rằng thành phố cần tích cực trong công tác PCTN, tăng cường sự lãnh đạo của đảng trên lĩnh vực này. Kiến nghị cơ quan thanh tra và cơ quan PCTN phải là cơ quan độc lập, có thể trực thuộc Quốc hội, HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất. Cử tri cũng kiến nghị xử lý nghiêm việc chạy chức, chạy quyền, tham ô, lãng phí.
Trả lời vấn đề này, UBND TP.HCM cho rằng, công tác PCTN trong những năm qua còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp... Bên cạnh đó, tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ. Hoạt động của Ban chỉ đạo PCTN tham nhũng các cấp và các đơn vị chuyên trách về PCNT còn hạn chế.
UBND TP.HCM cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN, thành phố tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong PCTN. Đồng thời xem xét kiến nghị Trung ương chỉ đạo, thực hiện thí điểm mô hình Trưởng ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh là Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch HĐND.
Cần có giải pháp kiểm soát giá cả
Cử tri cũng đề nghị UBND thành phố cần có giải pháp để kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu nhằm giải quyết tình trạng lạm phát như hiện nay. Đặc biệt, cử tri cho rằng, người dân một số nơi chưa có điều kiện tiếp cận được chương trình bán hàng bình ổn giá, vì các chương trình này chủ yếu chỉ thực hiện ở một số siêu thị, trung tâm lớn. Cần đưa chương trình này đến tất cả các chợ trên địa bàn thành phố, nhất là những vùng sâu, vùng xa để mọi người dân đều được hưởng chính sách bình ổn giá.
UBND TP.HCM cho biết, thành phố là địa phương triển khai chương trình bình ổn giá đầu tiên trên cả nước, từ Tết năm 2002. Đến năm 2011, chương trình được thực hiện đối với bốn nhóm mặt hàng như: lương thực thực phẩm; nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai trường năm học 2011 - 2012 từ tháng 5/2011 (cặp, túi xách, tập vở và đồng phục học sinh); nhóm mặt hàng dược phẩm thiết yếu sản xuất trong nước điều trị các bệnh thông thường; nhóm mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và người cao tuổi.
Đến nay thành phố đã có gần 3.500 điểm bán hàng bình ổn của 37 doanh nghiệp tham gia chương trình. 21 doanh nghiệp lương thực thực phẩm với 2.498 điểm bán; 10 doanh nghiệp phục vụ mùa khai giảng với 362 điểm bán; 4 doanh nghiệp dược phẩm và 325 nhà thuốc (99 nhà thuốc bệnh viện, tỉ lệ 100%; 111 nhà thuốc doanh nghiệp, tỉ lệ 100%; 115 nhà thuốc tư nhân) đạt chuẩn GPP tham gia và hai doanh nghiệp sữa với 302 điểm bán.
Những nơi không bố trí được điểm, chương trình thường tổ chức các chuyến hàng lưu động tại các vùng sâu, vùng xa, khu đông dân cư, KCN - KCX và tiến tới phát triển các điểm bán ở những địa bàn này.