Nam Sudan là thành viên thứ 193 của Liên Hiệp Quốc
Bình luận - Ngày đăng : 04:32, 15/07/2011
![]() |
Nam Sudan đã trở thành quốc gia trẻ nhất của thế giới, bỏ lại sau lưng cuộc nội chiến kéo dài 2 thập niên với hơn 2 triệu sinh mạng. Cái giá của hòa bình liệu có tương xứng với tương lai của quốc gia non trẻ này?
Quốc gia thứ 193
![]() |
Hàng ngàn người dân ở thành phố Juba đã xuống đường nhảy múa mừng sự kiện Nam Sudan chính thức trở thành quốc gia độc lập kể từ ngày 9/7. Tổng thống Nam Sudan, ông Salva Kiir, cũng đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức sau khi ký vào bản tân hiến pháp chuyển tiếp của quốc gia.
Có ít nhất 15 quốc gia đã công nhận Cộng hòa Nam Sudan, trong đó có những nước lớn như Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc. Từ Mỹ, Tổng thống Barack Obama tuyên bố “hãnh diện” được đặt quan hệ ngoại giao với Nam Sudan. Ông Obama nói, độc lập của Nam Sudan là một “thành tựu lịch sử” và chứng tỏ rằng “có thể có ánh sáng của một ngày mới” sau chiến tranh.
Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, Nam Sudan có thể trở thành thành viên chính thức thứ 193 của LHQ trong thời gian sớm nhất.
Là quốc gia trẻ nhất, Nam Sudan cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất trên hành tinh này. Năm 1956, Sudan giành được độc lập nhưng chia rẽ vẫn âm ỉ, từ đó dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài 22 năm không liên tục giữa hai miền (từ 1955 - 2005), với 2 triệu người chết.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn, bất đồng là việc các nhóm vũ trang Darfur (miền Tây Sudan) nổi dậy chống chính phủ vào đầu năm 2003, với lý do chính phủ không quan tâm tới Darfur.
Cuộc nổi dậy này dẫn tới một thảm họa nhân đạo khủng khiếp, làm 180 nghìn người ở đây tử vong và khoảng 2 triệu người phải rời bỏ quê hương tìm đường tị nạn phương xa.
Dư luận quốc tế đã bắt đầu nói tới một cuộc diệt chủng ở Darfur, buộc LHQ cũng phải ra tay tham gia điều tra. Cho đến tháng 1/2005, hai miền Sudan đã ký kết hiệp định hòa bình và thừa nhận miền Nam được trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.
Các nhà bình luận cho rằng, nguyên nhân của cuộc xung đột có tính nội chiến này không phải là do nền độc lập của Nam Sudan, mà là tranh giành dầu hỏa, trong đó có sự can thiệp mạnh của Hoa Kỳ.
Theo Global Research (GR), dầu mỏ và nguyên liệu thô là mối quan tâm của Hoa Kỳ tại châu Phi, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các cuộc xung đột tại đây.
Dưới nhiều hình thức, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã tài trợ và huấn luyện quân sự cho các lực lượng nổi dậy ở Darfur, trong đó có Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA).
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng mở các khóa huấn luyện quân sự cho sĩ quan châu Phi. Trường Giáo dục Quân sự quốc tế (IMET) của Hoa Kỳ đã đào tạo nhiều sĩ quan quân sự đến từ Chad, Ethiopia, Eritrea, Cameroon và Cộng hòa Trung Phi, những nước giáp biên giới Sudan. Viện trợ phát triển của Hoa Kỳ cho khu vực hạ Sahara, bao gồm Chad, bị cắt giảm nhưng viện trợ quân sự lại có xu hướng gia tăng.
Dầu mỏ: Họa trong phúc
Trước khi hình thành quốc gia Nam Sudan, hầu hết các nhà quan sát đều lo ngại Nam Sudan “không đủ điều kiện cơ bản để trở thành quốc gia”.
Dù giàu có về dầu mỏ nhưng thủ đô Juba chỉ có vài chục kilômét đường tráng nhựa, và hầu hết người dân trong nước mù chữ nên cử tri đi bầu với hai ký hiệu trên phiếu bầu: một tay có nghĩa là “độc lập”, hoặc hai bàn tay siết chặt lấy nhau có nghĩa “vẫn là một đất nước”.
Nam Sudan mới bước chân vào thế giới với tiềm năng kinh tế to lớn, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc mưu tìm hòa bình và thịnh vượng.
Quốc gia mới này có trữ lượng dầu mỏ dồi dào làm cho nước Sudan thống nhất trước đây từng là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn hàng thứ ba tại tiểu vùng Sahara châu Phi.
Nước Cộng hòa Nam Sudan có diện tích 589.745km², chiếm khoảng 24% diện tích nước Sudan cũ, bao gồm thủ đô là Juba và ba thành phố chính là Rumbeck, Malakal, Wau. Dân số khoảng hơn 8,5 triệu dân. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của chính phủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng tiếng Ả rập cũng khá phổ biến. Về mặt tôn giáo, dân Nam Sudan chủ yếu là Công giáo, một số ít là Hồi giáo. Về mặt kinh tế, Nam Sudan sở hữu một trữ lượng dầu hỏa dồi dào, tương đương 6,7 tỷ thùng và có nhiều mỏ khoáng sản quan trọng như uranium. |
Sudan sản xuất mỗi ngày 0,5 triệu thùng dầu, mang lại nguồn thu ngoại tệ không nhỏ, trong đó 75% sản lượng khai thác ở khu vực giáp ranh hai miền và ở miền Nam.
Tách ra khỏi Sudan, miền Nam có thể nâng cao đời sống kinh tế từ dầu hỏa, nhưng lại không có đường ra biển và mọi ống dẫn dầu đều nằm ở miền Bắc.
Như vậy, Nam Sudan muốn tiếp tục xuất khẩu dầu sẽ buộc phải thương lượng với miền Bắc.
Một thách thức đối với miền nam sau khi tách khỏi Sudan là hình thành một thực thể thống nhất quốc gia trong bối cảnh hậu quả của nội chiến để lại còn nặng nề và khoảng 60 bộ tộc với từng ấy tiếng nói khác nhau. Trong lịch sử, xung khắc đã từng xảy ra giữa các bộ tộc và trong nội bộ từng bộ tộc.
Đối với miền Bắc Sudan, trước viễn cảnh mất nguồn thu từ dầu hỏa, Tổng thống Umar Hasan Ahmad al-Bashir chủ trương sẽ đa dạng hóa kinh tế miền bắc bằng cách khai thác nông nghiệp.
Các nước Ả rập và châu Á sẽ được quyền khai thác lâu dài đất canh tác ở Sudan. Nhược điểm của chiến lược này là miền bắc có nguy cơ mất an toàn lương thực và không còn giải pháp nào khác ngoài tăng thuế tiêu dùng.