Doanh nghiệp lại xin nhập vàng
Trong nước - Ngày đăng : 08:53, 31/08/2011
Doanh nghiệp lại xin nhập vàng
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã gửi đơn lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin được cấp thêm hạn ngạch nhập vàng, nhằm bổ sung cho nguồn cung trong nước.
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), trong tháng 8 đã nhập hơn 2 tấn vàng, nhưng số này chỉ vừa đủ cho những ngày có giao dịch sôi động như trong các tuần trước. Hiện SJC vẫn tiếp tục xin nhập vàng để tăng nguồn cung, kéo giá vàng trong nước về gần với giá thế giới như mục tiêu đề ra của NHNN.
Tuy vậy, hiện tại nhu cầu vàng cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Giao dịch trong ngày đầu tuần không còn sôi động như trước. Vì vậy, SJC sẽ chọn thời điểm có giá tốt để nhập, không nhất thiết phải nhập ngay bằng mọi giá như các đợt sốt trước.
Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã gửi đơn đề nghị nhập vàng vào cuối tuần trước nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi từ phía NHNN.
Tuy vậy, xin nhập vàng hiện không còn khó khăn như trước, sau khi NNHN cho phép doanh nghiệp nhập theo nhu cầu để tạo sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới. Ngân hàng Sacombank, công ty mẹ của SBJ, cũng đã gửi đơn xin nhập vàng đến NHNN, và đã nhận được hạn ngạch nhập vàng với số lượng khoảng 1 tấn.
H. Nguyên
Xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 9 tỷ USD
Theo Bộ Công thương, với kim ngạch đạt 1,35 tỷ USD trong tháng 8, 8 tháng đầu năm 2011, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 8.954 triệu USD. Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đã ký được đơn hàng xuất khẩu cho hết năm và đang dồn sức để hoàn thành số đơn hàng này cho đối tác.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, trong 4 tháng cuối năm, ngành dệt may được nhận định vẫn có nhiều tín hiệu tốt. Nếu chuẩn bị tốt về sản xuất, cũng như chuẩn bị tốt về nguyên liệu, đáp ứng được các đơn hàng thì việc đạt được 4,2 - 4,3 tỷ USD xuất khẩu sẽ thành hiện thực...
Q. Hà
Giảm giá xăng dầu tác động đến CPI
Quyết định giảm giá 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu của Bộ Tài chính, theo ước tính của NDHMoney, sẽ làm CPI giảm khoảng 0,21%, trong đó tác động giảm trực tiếp khoảng 0,07%.
Tuy nhiên, với quy định lấy ngày 15 hằng tháng là thời điểm chốt giá tính CPI của tháng đó nên đợt tăng giá này tác động trực tiếp vào CPI tháng 9 khoảng -0,04%, phần còn lại sẽ tác động hết vào CPI của tháng 10.
Về phía các tác động gián tiếp, theo tỷ lệ đầu vào của xăng dầu của các loại hàng hóa trong rổ hàng hóa tính CPI thì những nhóm hàng như giao thông, thủy sản có nhiều cơ hội để giảm giá nhất sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu này.
L. Minh
Xây nhà máy bia Việt tại Campuchia
Công ty liên doanh Bia và Nước giải khát Phú Yên sẽ đầutư xây nhà máy bia trị giá 6 triệu USD với một đối tác Campuchia tại Kandal, giáp biên giới với Việt Nam. Công ty Bia và Nước Giải khát Phú Yên sẽ nắm 90% giá trị liên doanh và 10% còn lại thuộc đối tác Campuchia.
Công suất thiết kế nhà máy khoảng 10 - 30 triệu lít bia/năm, cũng như nhiều loại sản phẩm nước giải khát khác. Hiện liên doanh này chưa quyết định tên thương hiệu sản phẩm bia mới, nhưng sẽ chọn một cái tên thật gần gũi với người tiêu dùng Campuchia. Hiện Campuchia có khoảng 10 công ty đầu tư và sản xuất bia cung cấp cho thị trường nội địa.
T. Minh
Vĩnh Long phát hiện rau, quả nhiễm E.coli
Đoàn kiểm tra liên ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã lấy mẫu giám sát 34 loại rau ăn lá, rau ăn quả và sản phẩm rau đã qua sơ chế ở các cơ sở, các chợ, các trung tâm thương mại, các hộ gia đình, các hợp tác xã sản xuất, các cơ sở kinh doanh rau, quả tại 8 huyện, thành phố.
Qua kiểm tra, phân tích về chỉ tiêu vi sinh trên rau ăn sống: 100% mẫu rau lấy tại cơ sở trồng trọt không bị nhiễm E.coli và 100% mẫu rau, quả, không phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng đáng lo ngại là 100% mẫu rau lấy ở chợ đều bị nhiễm E.coli, đặc biệt đây lại là các loại rau ăn sống không qua xử lý nhiệt.
Đối với các mẫu rau sơ chế được lấy từ các chợ (như ngó sen, rau muống, bắp chuối bào...) vẫn còn một số ít mẫu có sử dụng hóa chất tẩy trắng Hypochlorid và bị nhiễm E.Coli với tỷ lệ thấp...
Q. Hùng
Honda xét lại kinh doanh tại Việt Nam
Công ty Honda Việt Nam (HVN) vừa cho biết sẽ “xét lại việc sản xuất, kinh doanh trong tương lai” tại Việt Nam, trong trường hợp bị truy thu thuế 160 triệu USD, tương đương với 3.340 tỷ đồng.
Quyết định truy thu thuế được Cục Hải quan Hà Nội và Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đưa ra sau khi đến công ty này “kiểm tra theo kế hoạch” và được giữ nguyên ngay cả khi Honda đã có công văn phản đối. Số tiền thuế truy thu trên được đưa ra do có sự chênh lệch về thuế cho những lô hàng nhập khẩu linh kiện ôtô nhập khẩu từ 5 năm trở lại đây.
HVN đã gửi công văn lên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, khẳng định quyết định truy thu thuế trên là không đúng và là do cách hiểu luật khác với cách hiểu luật từ trước tới nay. Ngay sau khi nhận được công văn của HVN, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo cụ thể vấn đề này.
Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, HVN đã sản xuất lắp ráp 10 triệu xe máy, hơn 20.000 ô tô, tạo công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động và đóng thuế hơn 20.000 tỷ đồng.
L.Ca