Nông dân miền Tây đổ xô trồng khoai lang
Trong nước - Ngày đăng : 08:38, 19/09/2011
“Cây khoai lang đã giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Bình Tân thoát nghèo vươn lên khá giả. Tuy vậy, bà con cũng không nên chạy đua tăng diện tích vì đầu ra vẫn còn là một “ẩn số”, chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Võ Văn Theo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết.
Phân loại khoai lang tại vựa của bà Phan Thị Thu Vân, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long để giao cho đầu mối xuất khẩu - Ảnh: Trung Chánh. |
Không riêng gì ở huyện Bình Tân của Vĩnh Long, nhiều diện tích canh tác cây lúa ở Đồng Tháp, Cần Thơ cũng bắt đầu chuyển sang trồng khoai lang, bởi lợi nhuận mang lại từ loại cây trồng này là rất cao.
Giá bán cao, lợi nhuận khủng
Với giá bán khá hấp dẫn, 1 triệu đồng/tạ (tạ 60 kg) đối với khoai lang tím Nhật, sau khi trừ đi các khoản chi phí gồm công chăm sóc, phân bón, cây giống… ,mỗi héc ta bà con nông dân bỏ túi 200-250 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Kiệt, ngụ xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long vừa thu hoạch xong 2 héc ta khoai tím Nhật vui mừng nói: “Trúng lắm chú ơi! Không chỉ tôi, bà con nông dân trồng khoai nơi đây có nằm mơ cũng không ngờ giá khoai cao như thế này (900.000-1.000.000 đồng/tạ)”.
Hiện thương lái mua khoai đến tại ruộng của bà con nông dân cân với giá 900.000 -1.000.000 đồng/tạ đối với khoai tím Nhật. Các loại khoai trắng, sữa, đỏ cũng tăng giá khá mạnh, từ 50.000-150.000 đồng/tạ so với mức giá hồi cuối tháng 8.
Lý giải về nguyên nhân giá khoai tăng mạnh, bà Phan Thị Thu Vân, chủ vựa khoai tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết, giá khoai tăng cao, đặc biệt với giống khoai tím Nhật là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng cao, trong khi nguồn cung lại ít. Cầu vượt cung nên kéo giá khoai tăng mạnh.
Coi chừng khủng hoảng thừa
Với việc giá khoai lang tăng cao kỷ lục, nhiều hộ nông dân ở vùng lũ Vĩnh Long, Đồng Tháp đã mạnh dạn sang Cần Thơ thuê đất trồng khoai.
Ông Nguyễn Thành Dũng, ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết, gần đây khi giá khoai tăng cao, nhiều hộ nông dân đã sang thành phố Cần Thơ thuê đất trồng khoai lang kiếm lời.
Không chỉ vậy, cũng theo ông Dũng, nếu trước đây người dân trồng khoai lang ở huyện Bình Tân luân canh “lúa - khoai hoặc khoai - lúa”, thì nay có nhiều diện tích canh tác đã chuyển hẳn sang chuyên canh khoai lang.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, hiện có khoảng 120 héc ta đất canh tác lúa của huyện được người dân từ những địa phương khác như Vĩnh Long, Đồng Tháp sang thuê và trồng khoai lang tím Nhật.
Ông Võ Văn Theo, trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết, kế hoạch phát triển vùng trồng khoai của huyện đến năm 2015 đạt 5.200 héc ta. Riêng trong niên vụ 2011-2012, huyện sẽ mở rộng diện tích lên 200-300 héc ta sang các xã Tân Lược, Tân Hưng của huyện Bình Tân.
Ông Theo cho biết thêm: “Giá khoai lang từ đầu vụ đến nay luôn đứng ở mức cao, đặc biệt từ đầu tháng 9 đến nay, khoai lang tím Nhật đã lên mức giá 1 triệu đồng/tạ (tạ 60 kg), cao nhất từ trước đến này. Điều này sẽ kích thích người dân mở rộng diện tích trong niên vụ mới, làm diện tích tăng đột ngột”.
Tuy nhiên, vấn đề ngành nông nghiệp Vĩnh Long băn khoăn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ khoai lang chưa thật sự ổn định, phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” nữa chắc chắc sẽ “dội chợ”, rớt giá thê thảm.
Ông Theo cho biết: “Cây khoai lang đã giúp cho nhiều hộ nông dân ở Bình Tân thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tuy vậy, bà con nông dân cũng không nên chạy đua tăng diện tích vì đầu ra vẫn còn là một ẩn số”.
“Việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi nói chung cũng như chuyển sang canh tác cây khoai lang nói riêng cũng cần có một lộ trình, không nên hấp tấp để rồi lãnh đủ”, ông Theo cảnh báo.