Giáo dục đóng vai trò quyết định để tạo phồn thịnh cho Việt Nam
Bình luận - Ngày đăng : 00:04, 12/10/2011
![]() |
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam hôm 11/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký tuyên bố chung Hà Nội, nâng tầm quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược.
![]() |
Bà Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi họp báo ký kết các văn bản tại Hà Nội, ngày 11/10/2011. Ảnh: Reuters |
Ý nghĩa việc nâng tầm quan hệ, theo Thủ tướng Merkel, là “đặt mối quan hệ của hai bên trên cơ sở vững chắc hơn nữa, và cũng mở rộng thêm các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên”.
Trong buổi gặp báo chí trong và ngoài nước chiều 11/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lý giải việc nâng tầm quan hệ nhằm “đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, và đóng góp cho hoà bình hợp tác phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”.
Cũng tại buổi gặp này, Thủ tướng Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, hai bên ưu tiên thúc đẩy các dự án tàu điện ngầm ở TP.HCM, dự án Ngôi nhà Đức tại TP.HCM, cũng như đưa đại học Việt – Đức trở thành cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học hàng đầu trong khu vực, và đặc biệt là xây dựng trung tâm đào tạo nghề xuất sắc ở miền Bắc.
Thủ tướng Đức cho biết, Đức sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề, tiếp tục hỗ trợ ODA cho các dự án giáo dục. Đồng thời, Đức cũng sẽ tăng số lượng học bổng và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam theo học tại Đức. Hiện có khoảng 4.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong khi thương mại hai chiều Việt – Đức năm 2010 đạt 6 tỉ USD và theo số liệu của Việt Nam là hơn 5 tỉ USD, thì con số của Việt Nam với Mỹ là 20 tỉ USD, với Trung Quốc là 30 tỉ USD. Do đó, tiềm năng tăng cường hơn nữa thương mại giữa hai nước là hoàn toàn khả thi.
Theo kế hoạch, ngày hôm nay 12/10, bà Angela Merkel sẽ vào TP.HCM gặp chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, dự khai mạc diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đức tại khách sạn New World, gặp gỡ đại diện giới kinh tế Đức và hiệp hội Doanh nghiệp Đức.
Các nội dung chính của Tuyên bố Hà Nội: Hai bên đã nhất trí thành lập nhóm điều hành chiến lược Việt Nam và Đức do lãnh đạo bộ Ngoại giao hai nước đồng chủ trì, có sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan, nhằm thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác chiến lược một cách hiệu quả, thiết thực. Việt Nam và Đức cũng cam kết ủng hộ mạnh mẽ, tạo những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh tại thị trường của nhau. Đặc biệt là thành lập cơ chế đối thoại chiến lược về kinh tế để trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác cũng như trao đổi kinh nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô. Đức đã cam kết tiếp tục ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam trong các năm tới, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nghề và y tế. Riêng trong chuyến thăm này, Chính phủ Đức đã cam kết cung cấp hơn 400 triệu USD viện trợ phát triển và tín dụng ưu đãi cho các dự án tại Việt Nam. Hai bên đánh giá cao vai trò cầu nối hữu nghị của hơn 100.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở Đức, và một số tương tự đã từng học tập, lao động ở Đức. |