Chiến thuật “Máy hút bụi”
Quốc tế - Ngày đăng : 04:14, 14/10/2011
Hầu hết các quốc gia công nghệ cao như Mỹ, Anh, Nga rồi đến Pháp và Đức đều lên tiếng cảnh báo về các hoạt động tình báo từ Bắc Kinh - một mô hình tình báo “máy hút bụi”, tung người moi móc mọi thông tin về khoa học, kỹ thuật, quân sự và kinh tế...
Mức độ quá quắt
Quân đội TQ do nhu cầu mở rộng nên nôn nóng tìm kiếm các bí quyết quân sự nước ngoài. |
Phát biểu trong một phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ về những nguy cơ trên mạng internet, Chủ tịch Tiểu ban tình báo, Mike Roger, tuyên bố: “Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại ồ ạt nhằm vào tất cả chúng ta, và chúng ta phải cùng nhau gây áp lực buộc họ phải dừng lại”.
Hạ nghị sĩ Mỹ cũng khẳng định, các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc (TQ) đã lên tới mức độ quá quắt, đến mức này thì Hoa Kỳ và các đồng minh ở châu Âu cũng như châu Á phải có trách nhiệm đấu tranh bằng các biện pháp ngoại giao hoặc kinh tế để yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành động này.
Trong khi đó, Giám đốc FBI Robert Mueller chỉ ra rằng, TQ còn có khả năng gián điệp kinh tế qua mạng, nhắm đến các dữ liệu về kinh tế, thương mại.
“Từ năm 2006, chúng tôi đã có nhiều vụ điều tra, buộc tội một số cá nhân liên quan đến TQ với nhiệm vụ gián điệp kinh tế”, ông Mueller nói.
Chẳng hạn, mới đây đã xuất hiện nhiều thông tin về chiếc máy bay tàng hình thế hệ mới của TQ được thiết kế và chế tạo sau khi Bắc Kinh săn lùng được những mảnh vỡ của chiếc máy bay F-117 của Mỹ bị bắn rơi tại Serbia vào năm 1999. Hay trường hợp của Google đã bị gián điệp tin học TQ xâm nhập và lấy cắp những thông tin quý giá.
Các hoạt động tình báo của TQ có quy mô toàn cầu, chủ yếu nhắm đến các mục tiêu kinh tế. Thậm chí, Bắc Kinh không giấu giếm việc quốc gia này đang mở hàng loạt trường tình báo kể từ đầu năm nay trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác huấn luyện và tuyển dụng nhân viên tình báo.
Tuần trước, Trường Tình báo Quốc gia thứ 8 đã được khai trương trong khuôn viên Đại học Hồ Nam ở thành phố Trường Sa, miền trung TQ. Kể từ tháng 1, hàng loạt ngôi trường tương tự đã được mở bên trong các trường đại học ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An, Thanh Đảo và Cáp Nhĩ Tân.
Các ngôi trường mới nhằm biến đổi và hiện đại hóa các dịch vụ tình báo của TQ, đào tạo các gián điệp được huấn luyện về các phương pháp thu thập thông tin và phân tích mới nhất. Mỗi ngôi trường sẽ tuyển khoảng 30 - 50 học viên mỗi năm trong tiến trình tuyển chọn khắt khe.
Động thái này diễn ra giữa những lo ngại của phương Tây về quy mô và bề rộng của hoạt động thu nhập thông tin tình báo của TQ. Cơ quan tình báo MI5 của Anh từng nói, chính phủ TQ tạo ra “một trong những mối đe dọa tình báo nghiêm trọng nhất với Anh”.
Cơ quan Mật vụ Pháp về hoạt động tình báo kinh tế TQ chỉ là một lời khẳng định cho một thực tế mà mọi người đã biết từ lâu. Pháp đang phải giải quyết vụ bê bối cũng mới xảy ra tại Hãng xe hơi Renault của Pháp, khi 3 quan chức quản trị hàng đầu của công ty này đang bị điều tra vì những cáo buộc đã chuyển giao nhiều bí mật công nghiệp và thương mại cho TQ.
Cá hấp đá
Cơ quan Mật vụ Pháp trong báo cáo mới đây đã mô tả tỉ mỉ nhiều phương pháp khai thác thông tin tình báo kinh tế mà người TQ đang sử dụng. Một trong số này được họ mệnh danh là “kỹ thuật cá hấp đá” hay “kỹ thuật đĩa hút máu”.
Đó là việc một cơ quan nào đó tại TQ sẽ đứng ra tổ chức một gói thầu quốc tế với các điều kiện hấp dẫn thu hút sự chú ý của nhiều đối tác nước ngoài.
Mục đích chính của những dự án kiểu này là chỉ để thu hút các công ty từ những quốc gia phát triển. Đến khi các nhà tổ chức tại TQ cảm thấy đã có được trong tay những thông tin cần thiết, tất cả các đối tác được thông báo gói thầu đã bị bãi bỏ hay trì hoãn.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm tương đương của TQ được chế tạo trên cơ sở những thông tin đã thu nhận được.
Một ví dụ điển hình là gói thầu cung cấp tàu cao tốc cho TQ, có sự tham gia chạy đua của hai nhà sản xuất TGV của Pháp và Intercity-Express của Đức.
Gói thầu trên đã bất ngờ bị bãi bỏ, nhưng sau đó người TQ đã cho xuất xưởng loại tàu cao tốc CRH của riêng mình với nhiều đặc điểm và tính năng tương tự như tàu của cả TGV lẫn Intercity-Express.
Nhà phân tích chính trị Nga Oleg Glazunov, người cách đây vài năm đã tổng kết thông tin về tình báo TQ hiện đại, cho rằng, TQ có cơ quan tình báo đông đảo nhất, hoạt động trên nguyên tắc thu hút sự hợp tác của tất cả cộng đồng TQ cho dù họ sống ở bất cứ nơi nào. Lực lượng đặc nhiệm TQ tuân thủ chiến lược “gián điệp toàn bộ”.
Liên quan đến các lo ngại của Nga về gián điệp TQ là tiết lộ gây chấn động gần đây cho thấy TQ có hoạt động gián điệp, thu thập dữ liệu về hệ thống tên lửa S-300.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã cảnh báo, mối quan hệ về buôn bán Trung- Nga đang có nhiều rào cản trước mặt. Trước đây, từ năm 1991 - 2005, TQ chủ yếu nhập đến 90% vũ khí từ Nga, nhưng vài năm trở lại đây con số này đã bị giảm đáng kể.
Việc này có nhiều nguyên nhân, một phần do vũ khí của Nga dường như không đáp ứng được nhu cầu phát triển của TQ, phần khác là do TQ đã tự mình sản xuất được khá nhiều vũ khí mới mà trong đó vũ khí Nga là đối tượng chính để quân đội TQ sao chép.
Ông Andrei Masalovich, chuyên gia về gián điệp internet, cho biết: “Lịch sử hoạt động gián điệp của TQ ở Nga không giới hạn trong một loại vũ khí.
Đối với gián điệp TQ, một trong những ưu tiên là sao chép các loại vũ khí thành công nhất của Nga - bắt đầu từ Su-33 và kết thúc bằng tên lửa và hàng không mẫu hạm. Đó là chiến lược có chủ ý của một nước lớn - chiếm lĩnh được tất cả những thứ mong muốn bằng đủ mọi cách rồi đưa vào sản xuất trong nước”.