Việt Nam sẽ vào top 5 quốc gia sản xuất hàng hóa
Trong nước - Ngày đăng : 06:51, 22/10/2011
Báo cáo mang tên "HSBC kết nối giao thương" do ngân hàng HSBC công bố ngày 19/10 đã dự báo đến cuối năm 2025, tổng giá trị thương mại của Việt Nam sẽ tăng từ 108,1 tỷ USD lên 282,5 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 144%.
Theo HSBC, mức độ tin cậy của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam vẫn ở ngưỡng lạc quan |
Đến thời điểm đó, Ai Cập, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc là năm nước sản xuất hàng đầu và đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại thế giới đến năm 2025.
Chỉ số tin cậy thương mại HSBC (HSBC Trade Confidence Index - HSBC TCI) trong báo cáo cũng cho thấy mức độ tin cậy của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam vẫn ở ngưỡng lạc quan: 115 điểm so với 116 điểm của nửa đầu năm 2011, xếp thứ bảy trên bảng xếp hạng chỉ số tin cậy thương mại toàn cầu và thứ ba trong khu vực châu Á.
Một báo cáo khác có tên “Chỉ số tin cậy thương mại HSBC” công bố cùng ngày cho thấy 41% phản hồi tại châu Á tin rằng kinh tế thế giới sẽ suy giảm trong vòng sáu tháng tới, nhưng phần lớn (83%) lại kỳ vọng khối lượng thương mại toàn cầu sẽ gia tăng hoặc các hoạt động kinh doanh quốc tế sẽ vẫn giữ nhịp độ ổn định.
Báo cáo này cũng cho hay các doanh nghiệp tại Úc, Singapore, Việt Nam và Trung Quốc đại lục lo ngại về rủi ro thanh toán từ phía người mua và dự định sẽ yêu cầu thanh toán trước hoặc thắt chặt các điều khoản thanh toán đối với nhà cung cấp của họ.
Báo cáo "HSBC kết nối giao thương" cho biết Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Singapore và Hàn Quốc hiện là 5 đối tác giao dịch thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Với tổng giá trị thương mại tăng từ 17,9 tỷ USD lên 53,3 tỷ USD cho đến năm 2025, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam xét về mặt giá trị.
Đồng thời, các tuyến giao thương mới hình thành với Thuỵ Sĩ, Ai Cập, Nam Phi và Ả Rập Xê Út phản ánh lợi thế ngày càng tăng của hàng hoá nguyên liệu thô đối với nền tảng thương mại của Việt Nam, cụ thể là mặt hàng sắt thép với Thuỵ Sĩ và xăng dầu với Ả Rập Xê Út.