Xe tải nối đuôi nhau chở heo sang Trung Quốc
Trong nước - Ngày đăng : 00:19, 25/10/2011
Mỗi ký heo hơi tại khu vực các tỉnh phía Nam đang thấp hơn so với mức giá mà giới thương nhân Trung Quốc mua tại cửa khẩu Móng Cái ít nhất 10.000 đồng. Hàng ngày, có hàng chục xe tải len lỏi vào tận các trang trại nuôi heo ở khu vực miền Đông Nam bộ chở heo ra cửa khẩu phía Bắc bán.
>> Trung Quốc: tử hình kẻ chủ mưu vụ thịt heo siêu nạc
>> Nguy cơ khan hiếm thịt heo vào cuối năm
>> Giá thịt heo đã tăng trên 70%
>> “Khủng hoảng”… thịt heo
>> Nhập khẩu thịt heo và sự bất đồng của cơ quan quản lý
Heo được mua gom ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai xuất sang Trung Quốc. |
10 giờ sáng một ngày cuối tháng 10, tiếng heo kêu inh ỏi trên khắp các con đường bêtông nông thôn ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Dũng, một thương lái thâm niên đang lớn giọng chỉ đạo bốn thanh niên lực lưỡng kéo từng con heo trên chiếc công nông chuyển sang chiếc xe tải biển kiểm soát 78K… Hơn một tháng nay, công việc của Dũng khá bận bịu vì ngày nào cũng đóng heo cho hàng chục xe tải.
Ở Gia Kiệm, nơi có đàn heo tập trung lớn nhất khu vực Đồng Nai, ngoài Dũng ra còn có hàng chục người khác gom heo từ các trại để bán cho chủ hàng từ Móng Cái vào mua. Buổi sáng, họ vào các trại thăm heo, mua đồng giá theo đàn, sau đó họ dùng xe công nông chở về nhà phân ra từng loại. Loại ngon thì bán lại cho cánh lái buôn đưa về TP.HCM giết mổ, còn loại xấu sẽ bán cho chủ hàng ngoài Móng Cái đưa sang Trung Quốc. “Nhu cầu ăn hàng của Trung Quốc rất tạp nham, cứ heo to, heo mỡ nhiều là ăn nên mua bán rất dễ chịu”, Dũng nói.
Ông Phúc, một chủ hàng từ Móng Cái đang dùng vòi xịt tắm cho đàn heo trên xe tải. Chiếc xe tải biển số 78K… được ông thuê lại của một chủ xe ngoài miền Trung với giá mỗi chuyến 63 triệu đồng. Xe cải tạo thành ba tầng, mỗi tầng chứa khoảng 50 con heo. Những chủ hàng như ông thường phải nhờ thương lái địa phương gom heo. Giá sang tay thường cao hơn 4.000 – 5.000 đồng/kg. Hơn một tháng nay, Trung Quốc có nhu cầu nhiều nên các chủ hàng phải túc trực gom heo cho kịp chuyến. Ông Phúc có bốn xe tải, mỗi chuyến xe chở trung bình 140 – 160 con heo. Cứ khoảng hai ngày ông gom được một xe heo. Giá mua lại của thương lái địa phương là 46.000 đồng/kg, chở ra Móng Cái sang lại cho thương nhân Trung Quốc 56.000 đồng, trừ chi phí còn lời 5 – 7 triệu mỗi chuyến.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, cục Thú y (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) thống kê trung bình mỗi ngày có 1.600 con heo xuất sang Trung Quốc qua biên giới tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, tương đương khoảng 135 tấn thịt heo hơi. Heo xuất sang Trung Quốc chủ yếu được mua từ Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương... và các tỉnh phía Nam. Trong tháng 9/2011, cục này cũng thống kê có khoảng 4.000 tấn thịt heo hơi từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc. |
Tại khu vực Gia Kiệm, ngoài ông Phúc còn có ông Cường, anh em ông Hải, ông Long, ông Việt… là những chủ hàng từ Móng Cải vào gom heo, mỗi người đang sở hữu bốn, năm xe tải. Trung bình mỗi ngày, chỉ riêng tại huyện Thống Nhất, các chủ hàng tính toán có không dưới 2.000 con heo được thu gom để bán sang Trung Quốc.
Theo ông Cường, công việc gom heo tại các địa phương ở Đồng Nai khá trôi chảy. Chủ hàng chỉ cần gọi điện cho thương lái đặt hàng chiều hôm trước, hôm sau là có heo. Thương lái cũng sẽ lo luôn giấy kiểm dịch thú y khi xuất trại, xuất tỉnh. Ra đến cửa khẩu, heo được chích ngừa, kiểm tra thú y lại một lần nữa mới được xuất sang bên kia biên giới.
Sau hơn hai tuần giảm giá tính từ đầu tháng 10/2011, giá heo hơi tại các tỉnh phía Nam tăng nhẹ trở lại. So với hồi giữa tháng 10, giá heo hơi bán sang Trung Quốc tăng thêm 1.000 đồng, lên 46.000 – 47.000 đồng/kg, còn loại heo ngon tiêu thụ nội địa tăng lên 50.000 – 51.000 đồng. Hiện nay, ở khu vực miền Đông, hầu hết heo trọng lượng 80 – 100kg.
Ông Cường cho biết, hiện nay đàn heo ở huyện Thống Nhất giảm nhiều so với hồi đầu tháng 10/2011. Để có đủ hàng, ông Cường và nhiều chủ hàng khác bắt đầu phải chạy sang Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí là về các vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long mua.