Gấu ăn trăng

Quốc tế - Ngày đăng : 04:50, 20/12/2011

Sự vươn vai của người khổng lồ không khỏi tạo ra những va chạm với phần còn lại của thế giới. Sân chơi WTO tỏ ra quá chật hẹp so với những tham vọng của Trung Quốc...
Gấu ăn trăng

Sự vươn vai của người khổng lồ không khỏi tạo ra những va chạm với phần còn lại của thế giới. Sân chơi WTO tỏ ra quá chật hẹp so với những tham vọng của Trung Quốc (TQ)...

Chuyển sang giai đoạn tiêu cực

Một thập niên trong vai trò thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đem lại sự phát triển thần kỳ có tính chất thay đổi lịch sử đối với TQ. TQ trở thành nơi đầu tư số 1 thế giới và đầu tư ra nước ngoài gần như tăng gấp đôi mỗi hai năm kể từ năm 2002.

Những công ty TQ ngày càng nổi bật, với 54 công ty được liệt kê trong danh sách 500 công ty lớn nhất trên thế giới của tạp chí Fortune, so với 12 công ty khi TQ gia nhập WTO.

Chặng đường 10 năm đủ để TQ trở thành chủ nợ lớn nhất của các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhờ 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Theo đánh giá chung, TQ đã áp dụng hai chiến thuật để thành công: Một mặt thâu tóm kỹ thuật của phương Tây, dùng nguồn nhân lực dồi dào của mình để xâm nhập thị trường quốc tế. Mặt khác tạo ra những hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường nội địa trước sức cạnh tranh của tư bản Âu - Mỹ.

Theo Đại học California, các công ty nước ngoài cũng có giai đoạn phát triển thịnh vượng khi đầu tư vào TQ. Chẳng hạn, Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài gặt trả về là 13,5% ở TQ, so với 9,7% trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa TQ và nhiều quốc gia khác lại đang chuyển từ tích cực sang tiêu cực. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 61% người Mỹ cho rằng tăng trưởng kinh tế gần đây của TQ đã tác động xấu đến nước Mỹ; chỉ 15% nghĩ là tốt. Điều này phần nào phản ánh chế độ tiền tệ gây tranh cãi của TQ.

Giới làm chính sách của Bắc Kinh đã nới lỏng hơn 7.000 thuế quan, hạn ngạch và các rào cản thương mại khác. Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại WTO Michael Punke cho biết, trong vòng 5 năm qua, nhiều tranh chấp mậu dịch với TQ phát sinh từ chính sách bảo hộ mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh. Trong đó, việc hạ giá đồng nhân dân tệ từ lâu được xem như là một trở ngại cho tự do mậu dịch.

Trong 10 năm qua, tổng sản phẩm nội địa TQ tăng lên gấp bốn lần và kim ngạch xuất khẩu được nhân lên gấp năm lần. Sự thành công vượt bậc của TQ cũng đã làm thay đổi cục diện kinh tế của thế giới, khiến các chuyên gia nói đến giai đoạn “phi công nghệ hóa” của các nước công nghiệp phát triển.

Hàng nhập khẩu “made in China” đã tạo nên một cuộc cách mạng giá rẻ khắp toàn cầu, đã giúp người tiêu dùng toàn cầu thoải mái mua sắm, tận hưởng các tiện tích từ quần áo đến đồ gia dụng, từ đồ chơi cho trẻ nhỏ đến đồ điện tử. Nhờ có hàng rẻ nhập từ TQ, một hộ gia đình ở Hoa Kỳ có thể tiết kiệm thêm được 600USD/năm.

Tấn công chủ nghĩa bảo hộ Bắc Kinh

Với WTO, hàng TQ tràn ngập thế giới nhưng Bắc Kinh vẫn bảo vệ chặt chẽ thị trường rộng lớn của mình trước cạnh tranh của các nước phát triển phương Tây.

Doanh nghiệp nước ngoài đang mất lợi thế thương mại trong một thị trường sinh lợi ít hơn tại TQ. Họ cũng phải đối mặt với cạnh tranh từ các địa phương tại các thị trường mà không có đối thủ như trước đây tồn tại.

Thanh toán điện tử là một ví dụ. Thẻ thanh toán đầu tiên của TQ được MasterCard phát hành vào năm 1986. Nhưng ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương TQ đã thiết lập China UnionPay, đồng thời tạo cho công ty này ưu thế độc quyền tiền tệ thanh toán trong hệ thống ngân hàng địa phương.

Chính sách này khiến các công ty nước ngoài như MasterCard dễ dàng thua trong thị trường thanh toán đã lên tới 1,6 ngàn tỷ USD.

Nền kinh tế của TQ đã phát triển nhanh hơn bất cứ ai hy vọng. Tuy nhiên, triết lý kinh tế thì không. Ông Long Vĩnh Đồ, người dẫn đầu đoàn TQ trong các đàm phán với WTO, gần đây đã lo ngại phát biểu:

“TQ đã đi quá xa các nguyên tắc của WTO”. Để hiện đại hóa nền kinh tế, nước này vẫn trung thành với chính sách công nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, và một “kỹ thuật dân tộc” để bảo vệ và thúc đẩy công nghệ nội địa. Nhiều công ty nước ngoài cảm thấy họ không phải cạnh tranh với các công ty Hoa lục, mà là với Chính phủ TQ.

Kể từ khi gia nhập WTO, trong 10 năm qua, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TQ đã được nhân lên gấp bốn lần. TQ đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu của thế giới. Tuy nhiên, với dân số gần 1,5 tỷ người và được mệnh danh là xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới, TQ hiện đứng hàng thứ nhì trong số những quốc gia nhập khẩu nhiều nhất hành tinh. Ngày nay, TQ chiếm đến 10,4% trao đổi mậu dịch toàn cầu.

Chính quyền trung ương và địa phương sở hữu hơn 100.000 công ty và ủng hộ ngầm một số lượng tương đương.

Năm 2010, đại lục đã trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới với 14 triệu chiếc xe lưu hành, nhưng cánh cổng của thị trường nội địa nước này vẫn thường đóng chặt.

Cụ thể là nếu một chiếc xe hơi Mỹ bán ra trên thị trường Hoa Kỳ với giá 27.500USD, thì khi xuất khẩu qua TQ sẽ được bán với giá 85.000USD.

Điều này giải thích vì sao tập đoàn Chrysler của Mỹ đến giờ vẫn chỉ bán được khoảng 2.500 chiếc xe/năm tại thị trường tiềm năng nhất này.

Theo quy định của WTO, các công ty nước ngoài không cần phải chuyển giao công nghệ khi tham gia thị trường TQ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư tại TQ đều phàn nàn là họ đang phải chịu một áp lực không chính thức phải chuyển giao công nghệ cho TQ.

TQ áp dụng chính sách này để thúc đẩy phát triển các công ty nội địa bằng cách thực thi các tiêu chuẩn công nghệ riêng, chẳng hạn như đối với điện thoại di động 3G. T

Q ngày nay không chỉ đơn thuần là “xưởng sản xuất của thế giới” với nhân công rẻ mạt. Mạng lưới công nghiệp TQ đã được nâng cấp nhờ được chuyển giao kỹ thuật trong nhiều ngành công nghệ mũi nhọn, từ viễn thông đến sản xuất xe hơi, công nghiệp chế tạo máy bay và thậm chí là cả công nghiệp hàng không không gian.

Mười năm gia nhập WTO nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực mà giới đầu tư nước ngoài khó chen chân vào thị trường TQ. Trong số đó phải kể đến thị trường xe hơi, ngành tài chính ngân hàng, công nghệ hàng không, viễn thông, xây dựng hay điện toán.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các chính sách và kinh doanh TQ tại đại học Ấn Độ Scott Kennedy, cho biết, ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo TQ không phải là tự do hóa nền kinh tế, mà là thúc đẩy năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chuỗi giá trị công nghiệp trong nước.

Chính vì vậy, thập niên qua được đánh dấu bằng rất nhiều những bất đồng với các đối tác thương mại của Bắc Kinh, trải rộng trên mọi thị trường, từ dệt may, da giày, thủy sản đến bản quyền, sở hữu trí tuệ...

Các cuộc đàm phán không đem lại kết quả khiến các đối tác thương mại của TQ tức giận và kiện TQ lên Ủy ban Giải quyết các tranh chấp WTO.

Thậm chí, nhiều quốc gia lên tiếng về khả năng “có nên cho phép một nước không theo kinh tế thị trường gia nhập WTO hay không”, ám chỉ việc tước quyền thành viên WTO của TQ.

“Tuy nhiên, WTO khó có thể gọi là một tổ chức thương mại thế giới nếu không có TQ. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi các quy tắc của TQ, hoặc thay đổi các quy tắc toàn cầu để hài hòa với TQ”, GS. Lim, Đại học Hồng Kông, phân tích.

LAM HỒNG