10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2011
Trong nước - Ngày đăng : 06:17, 28/12/2011
Năm 2011 dần khép lại, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Báo SGGP lựa chọn 10 sự kiện kinh tế đáng chú ý trong năm 2011.
1- Hoàn thành đường hầm sông Sài Gòn hiện đại nhất Đông Nam Á
Đường hầm sông Sài Gòn đi vào hoạt động, một sự kiện lớn tại TPHCM. Ảnh: THANH TÂM |
Ngày 20/11, TPHCM tổ chức lễ thông xe và đưa vào sử dụng toàn bộ đường hầm sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) và tuyến đại lộ Đông Tây dài gần 22km, nối từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh đến xa lộ Hà Nội quận 2, đi qua 8 quận huyện: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Đại lộ Đông Tây có tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng. Đường hầm sông Sài Gòn được xây dựng với công nghệ tiên tiến, lần đầu thi công ở Việt Nam, dài 1.490m bao gồm 371m hầm dìm, phần còn lại là đường dẫn. Hầm dìm gồm bốn đốt, mỗi đốt dài 92,4m, rộng 33,3m, cao 9m, dày 1,2m bằng bê tông cốt thép, nặng 25.000 tấn. Đây là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á, có 6 làn xe, ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên.
2- Kim ngạch xuất khẩu vượt 96 tỷ USD
Dung lượng thị trường xuất khẩu đã cố định ở mức từ 7,2 đến 9,3 tỷ USD/tháng. Riêng hàng nông lâm thủy hải sản ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2010. Thặng dư toàn ngành đạt 9,2 tỷ USD, góp phần kéo giảm tỷ lệ nhập siêu.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đề đích sớm trong năm 2011. Ảnh: THANH TÂM |
Năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần GDP năm trước đó. Việt Nam đã qua mặt Philippines để giữ vị trí thứ 5 về xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
3- Hợp nhất 3 ngân hàng TMCP trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng
Ngày 6-11, 3 ngân hàng (NH) thương mại cổ phần (TMCP) đầu tiên: Ficombank, TinNghiaBank, Sài Gòn SCB đã được chấp thuận hợp nhất tự nguyện và NH BIDV tham gia toàn diện vào NH mới sau hợp nhất với tư cách đại diện vốn nhà nước. NH sau hợp nhất có tên gọi NH TMCP Sài Gòn (SCB) với vốn điều lệ 10.583 tỷ đồng. Tổng tài sản khoảng 150.000 tỷ đồng. Đây được coi là những hành động dứt khoát đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH.
4- Việt Nam thu hút 6 triệu khách quốc tế
Năm 2011, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đón hơn 6 triệu khách quốc tế. Một trong những sự kiện để du lịch Việt Nam có cơ hội quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới hiệu quả hơn là việc vịnh Hạ Long của Việt Nam được chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Năm 2011, du lịch Việt Nam cũng tiếp đón nhiều ngôi sao, nhân vật nổi tiếng thế giới như gia đình cặp diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie và Brad Pitt đưa các con đến nghỉ mát tại Côn Đảo. Trong những ngày cuối năm, Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook Mark Zuckerberg đã chọn vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến cho kỳ nghỉ cuối năm.
5- Chế tạo và hạ thủy thành công giàn khoan tự nâng 90m nước
Giàn khoan tự nâng 90m nước. Ảnh: G.T. |
Sau 26 tháng thi công, chiều 10-9, giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư và Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu chế tạo đã hạ thủy thành công.
Đây là giàn khoan hiện đại và lớn nhất Việt Nam, trọng lượng gần 12.000 tấn, chiều dài chân đế là 145m và chiều sâu khoan lên đến 6,1km; là tổ hợp khoan tự động, di động nổi trên biển và là giàn khoan tự nâng đầu tiên do Việt Nam chế tạo với tổng mức đầu tư 180 triệu USD.
Với giàn khoan này, Việt Nam đã lọt vào tốp 10 quốc gia có thiết bị giàn khoan lớn và hiện đại trên thế giới.
6- Bán tháo địa ốc
Sau thời gian dài đóng băng, cuối năm 2011, thị trường địa ốc chứng kiến “cơn sóng thần” hạ giá. Việc “đại hạ giá” diễn ra vào cuối tháng 10 khi Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) công bố giảm giá 85 căn hộ. 3 ngày sau đó, Công ty Sài Gòn Mêkông cũng giảm giá bán 20% của 516 căn hộ tại dự án Gold House.
Nói giảm giá từ 21,36 triệu đồng/m² xuống còn 15,5 triệu đồng/m² nhưng nhà ở Sài Gòn lại mở bán tại Hà Nội; bán tháo nhưng lại tổ chức bán đấu giá và bốc thăm, thanh toán toàn bộ ngay sau đó… Kết quả sau hai lần đấu giá, PVL công bố chỉ có 7 người mua! Dự án Gold House cũng công bố giá bán còn 14,4 triệu đồng/m².
Theo nhận định của các chuyên gia, sự kiện bán tháo trên sẽ trở thành làn sóng lan rộng giảm giá, đưa giá nhà về sát với thực tế.
7- Thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng
Chỉ số HNX-Index rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán VN với 58,04 điểm vào ngày 15-12. Thị trường đi xuống dẫn đến thanh khoản sụt giảm, trị giá nhiều cổ phiếu xuống rất thấp. Không ít cổ phiếu đã mất 80-90% giá trị so với đầu năm.
“Cổ phiếu rẻ hơn trà đá” áp đảo trên sàn niêm yết với hàng loạt cổ phiếu nằm dưới mệnh giá và lần đầu tiên xuất hiện cổ phiếu VKP có giá dưới 1.000 đồng. 65 công ty chứng khoán thua lỗ và 71 công ty chứng khoán có lỗ lũy kế. Giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn hơn 20% GDP.
8- Giá vàng đạt đỉnh 49 triệu đồng/lượng
Phiên giao dịch ngày 22-8, giá vàng thế giới lúc mở cửa bất ngờ tăng thêm 40 USD/ounce, vọt lên 1.886,4 USD/ounce (sát ngưỡng 1.900 USD/ounce). Theo đó, trong nước giá vàng SJC cùng thời điểm cũng cán mức 47,89 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Nhưng đến đầu giờ chiều, thị trường lại tiếp tục bất ngờ khi giá vàng miếng SJC trong nước phá mốc 48 triệu đồng/lượng, tiến sát mốc 49 triệu đồng/lượng, tăng đến 1,5 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày. Trước và sau thời điểm này, giá vàng luôn biến động, tăng giảm khó lường.
9- Giá xăng dầu 4 lần tăng giảm
Ngày 24-2, giá xăng dầu trong nước tăng kỷ lục với mức 2.900 đồng mỗi lít, đưa giá xăng A92 lên 19.300 đồng/lít. Tiếp đến, ngày 29-3, giá bán lẻ các loại xăng dầu tăng thêm 2.000 - 2.800 đồng/ lít, đưa xăng A92 từ 19.300 lên 21.300 đồng/lít, lập kỷ lục mới.
Ngày 26-8, Bộ Tài chính có quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó mức giảm 500 đồng/lít được áp dụng với các loại xăng, trong đó A92 còn 20.800 đồng/lít. Ngày 10/10, mặt hàng dầu diesel loại 0,05S giảm 400 đồng/lít, dầu hỏa giảm 300 đồng/lít.
10- Lần đầu tiên TPHCM đóng cửa doanh nghiệp “đen”
Nghị định 117 của Chính phủ về việc xử lý hành vi vi phạm môi trường ra đời từ năm 2009. Theo đó, những doanh nghiệp vi phạm có thể chịu mức phạt tiền lên đến 500 triệu đồng/hành vi và bị buộc tạm ngưng hoạt động. Nhưng từ trước đến nay việc xử lý doanh nghiệp đen chỉ dừng mức phạt tiền.
Tuy nhiên, tháng 9/2011, lần đầu tiên Đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường TPHCM đã thực hiện cưỡng chế, niêm phong máy móc, buộc ngưng hoạt động 4 doanh nghiệp “đen”: cơ sở Phạm Văn Long (quận 12), Công ty TNHH Gia Hưng (quận 12), Công ty TNHH Hoàng Sơn Phát (KCN Lê Minh Xuân) và Công ty TNHH Quốc Siêu (huyện Bình Chánh). Nguyên nhân, các công ty trên đã nhiều lần xử lý khí thải, nước thải chưa đạt tiêu chuẩn.