Nguyễn Trí Hiếu: Người lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 00:40, 01/01/2012
Năm 2005 ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ chính thức ra đời với vốn ban đầu là 15 triệu USD.
Ông Nguyễn Trí Hiếu hiện đang là thành viên thường trực HĐQT và Ủy ban quản lý rủi ro của Ngân hàng An Bình. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp |
Bên cạnh bề dày 32 năm trong lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu từng là ông chủ một ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ. Năm 2005 ngân hàng chính thức ra đời có tên gọi First Vietnamese-American Bank với vốn ban đầu là 15 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2009, kinh tế Mỹ khủng hoảng kéo theo sự sụp đổ của nhà băng này.
- Ý tưởng nào khiến ông quyết định thành lập ngân hàng của người Việt đầu tiên trên đất mỹ năm 2005?
- Lúc đó, tôi dự tính tổng GDP của người Việt ở nước ngoài vào khoảng năm 2004 tương đương với trong nước (khoảng 70 tỉ USD). Vào khoảng thời gian đó trong khi, 83 triệu người ở VN làm ra 70 tỉ USD thì 3,5 triệu người ở nước ngoài cũng làm ra con số tương đương. Số tiền lớn như vậy nhưng không có ngân hàng dành riêng cho người Việt trên thế giới ở nước ngoài.
Tôi tự đặt câu hỏi, một số nước như Trung Quốc, Pháp, Do Thái... đều có ngân hàng riêng của công đồng dân cư của họ trên đất Mỹ. Tại sao lại không có một ngân hàng của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ? Trước đó ở rất nhiều nước như: Nga, Anh, Đức, Pháp, Úc... đã có nhiều người Việt Nam có ý định thành lập ngân hàng cho người Việt Nam nhưng không xin được giấy phép.
Tuy nhiên, ở Mỹ và đặc biệt Califonia thì điều này không khó khăn như nhiều nước kể trên. Cuối năm 2003 tôi bắt đầu các công việc để thực hiện ý định của mình và mất khoảng 2,5 năm để ý định đó thành hiện thực. Năm 2005 ngân hàng chính thức ra đời với tên gọi First Vietnamese-American Bank (“FVAB” tiếng Việt là “Đệ Nhất Ngân Hàng Việt Mỹ”-PV).
- Số vốn để thành lập ngân hàng này là bao nhiêu, thưa ông?
- First Vietnamese-American Bank được thành lập với 15 triệu USD với 8 cổ đông sáng lập và gần 1000 cổ đông bao gồm người Mỹ, người Mỹ gốc Việt, người Mỹ gốc Hàn Quốc và người Mỹ gốc Hoa. Các cổ đông sáng lập có một tỉ lệ góp vốn đáng kể trong vốn thành lập.
Ban đầu chúng tôi huy động được 32 triệu USD vì lúc đó nhiều người rất háo hức đầu tư vào một ngân hàng đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi không được phép giữ toàn bộ số tiền trên vì giấy phép chỉ cho phép chúng tôi thành lập ngân hàng với số vốn khởi đầu là 15 triệu USD, chúng tôi phải hoàn lại 17 triệu USD cho các cổ đông và FVAB đã ra đời với số vốn khởi đầu là 15 triệu USD.
- Thưa ông, hoạt động của First Vietnamese-American Bank sau khi ra đời thế nào?
- First Vietnamese-American Bank thành lập năm 2005 và năm 2006 hoạt động của ngân hàng bình thường. Tuy nhiên, thật không may khi năm 2007 – 2008 kinh tế Mỹ khủng hoảng và trở thành suy thoái toàn cầu. Nguyên do bắt nguồn từ thị trường bất động sản (BĐS).
Ngân hàng của tôi cho vay các cá nhân và doanh nghiệp trong địa hạt quận Cam (Orange County) trong đó có cho vay bất động sản. Khi thị trường đi xuống thì nợ khó đòi, nợ xấu và có khả năng mất vốn đã phát sinh. Năm 2009 Hội đồng quản trị đã quyết định bán FVAB cho Green Point Bank ở Los Angeles.
- Sau khi bán FVAB cho Green Point Bank, tại sao ông quyết định quay trở về Việt Nam?
- Thực tế, trong khoảng thời gian 3 năm từ năm 1995 – 1997 tôi đã làm việc tại Việt Nam với tư cách là Phó tổng giám đốc ngân hàng Deutsche Bank (Đức), phụ trách kinh doanh tín dụng và các định chế tài chính. Sau đó vì lý do gia đình tôi đã phải quay lại Mỹ năm 1997 và làm việc cho một ngân hàng Do Thái ở Los Angeles. Đầu năm 2009 một người bạn thân của tôi, TS Lê Xuân Nghĩa, hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khuyên tôi trở về Việt Nam để đóng góp xây dựng ngành ngân hàng Việt Nam.
- Chưa thực hiện được ý định có một ngân hàng riêng của mình ông có dự định sẽ quay lại Mỹ và thử sức lại một lần nữa không?
- Tôi dự định sẽ còn gắn bó 20 năm nữa với ngành ngân hàng. Thời gian còn nhiều cho tôi, tôi chưa nói trước điều gì cả. Trước mắt tôi sẽ hết mình cho công việc hiện tại là thành viên thường trực HĐQT và Ủy ban quản lý rủi ro của Ngân hàng An Bình.
- Gần đây, giám đốc nhiều ngân hàng đều có nhận xét rằng “chưa bao giờ kinh doanh ngân hàng khó như bây giờ”, ông nhận định như thế nàovề điều này?
- Thực ra kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam không khó khăn. Cái khó khăn là chính mình tạo ra, điển hình là nợ xấu, mất thanh khoản, cạnh tranh không lành mạnh...
Luật Ngân hàng đã có khung pháp lý mặc dù chưa đầy đủ, dân chúng có tiền tiết kiệm và đầu tư nước ngoài cũng đổ vào Việt Nam khá nhiều. Trong khi nhu cầu về nhà, tiêu dùng, du lịch… của người dân không ngừng gia tăng. Đồng thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất cũng ngày một nhiều hơn.
Những nhu cầu đó tăng cao khiến vai trò của các ngân hàng là nguồn cung ứng tài chính càng trở nên quan trọng. Nhưng cũng chính vì tận dụng ưu thế kinh doanh mà nhiều ngân hàng đã “vung tay quá trán” và chính tự đẩy mình vào những khó khăn như hiện nay như nợ xấu, mât thanh khoản và mất lợi thế cạnh tranh...
- Nhưng có người thì cho rằng những khó khăn mà các ngân hàng ở Việt Nam đang gặp phải là bắt nguồn từ việc phát triển nóng ngành ngân hàng thời gian qua?
- Đúng thế. Việc tăng trưởng quá nóng trong những năm vừa qua của ngân hàng Việt Nam không nền kinh tế nào có. Tăng trưởng tổng tài sản của nhiều ngân hàng tăng trưởng 100 %, thậm chí là có ngân hàng tăng trưởng 200%. Câu hỏi đặt ra là họ tăng trưởng bằng cách nào? Không loại trừ trường hợp cho vay một cách bừa bãi do luồng tiền vào quá dễ dàng. Trong khi các nhân viên đủ năng lực thẩm định lại hạn chế.