Kiều bào - nhịp cầu đưa hàng Việt ra thế giới
Trong nước - Ngày đăng : 06:28, 08/01/2012
Với thế mạnh sinh sống, làm việc tại nhiều nước trên thế giới, kiều bào có điều kiện hiểu và tiếp cận văn hóa bản địa sẽ đưa ra những dự báo, thông tin thị trường để giúp doanh nghiệp VN có chiến lược xuất khẩu phù hợp.
Kiều bào tham gia các hoạt động vui xuân ngày tết trong khuôn khổ chương trình - Ảnh: Thanh Đạm |
Những câu chuyện làm sao đưa thương hiệu Việt đi xa hơn đã được đưa ra cùng chia sẻ tại buổi gặp gỡ kiều bào nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012 chiều 7/1 tại TP.HCM.
Chương trình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài TP.HCM tổ chức. Gần 400 kiều bào, lưu học sinh, người nước ngoài gốc Việt sinh sống, lập nghiệp tại VN đã tham gia.
Ônh Hải Nam, Việt kiều Pháp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN tại Pháp, cho biết tuy mới thành lập hơn một năm nhưng hội đã có gần 200 thành viên, trong năm qua có 45 dự án hợp tác làm ăn hai chiều Việt - Pháp đã được các thành viên thực hiện.
Ông Nam cho biết rất nhiều thành viên của hội là các doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại có ý tưởng xây dựng cầu nối thương hiệu Việt qua kênh kiều bào. Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, y tế, giáo dục thì ẩm thực Việt có cơ hội rất lớn tại Pháp vì rất được ưa chuộng.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chế biến, ông Quách Hưng Tòng, kiều bào Mỹ, cho rằng VN rất có tiềm năng xuất khẩu nông sản và thực phẩm. Điều thuận lợi hiện nay là lượng kiều bào VN đang sinh sống nhiều quốc gia trên thế giới, hàng hóa VN vì thế xuất đi các nước cũng ngày càng phong phú hơn. Người tiêu dùng nhiều nước đã tín nhiệm sản phẩm VN, vấn đề là doanh nghiệp cần giữ vững chất lượng, tạo sự an tâm chất lượng.
Theo ông Tòng, một lợi thế khi hàng Việt phát triển ra thị trường nước ngoài nữa là các nhà phân phối gốc Việt ở nước ngoài làm ăn rất tốt, họ sở hữu nhiều siêu thị nên doanh nghiệp trong nước cần tận dụng kênh phân phối này.
Ở lĩnh vực may mặc, anh Phạm Ngọc Chiến - chủ một cửa hiệu kinh doanh hàng thời trang trên 10 năm tại biên giới ba nước Đức, CH Czech, Áo - chia sẻ hàng dệt may VN xuất đi các nước tuy tốt nhưng không có thương hiệu. Các loại áo jacket, quần kaki… của VN rất được người tiêu dùng trung niên, người lớn tuổi Đông Âu thích vì kiểu dáng trang nhã, thanh lịch nhưng ở phân khúc dành cho trẻ em và thanh thiếu niên lại không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.
Anh Chiến cho rằng để thành công ở thị trường Đông Âu, doanh nghiệp VN cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu người dân bản địa.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết hiện trung tâm đang thực hiện nhiều dự án đẩy mạnh hàng Việt ra nước ngoài, trung tâm cũng có những chuyến khảo sát thị trường mới cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, ở lĩnh vực khá đặc thù là cung cấp bao tay, áo khoác, kim y tế sử dụng trong phòng mổ, anh Hà Ngọc Quế Lâm, Việt kiều Pháp, tổng giám đốc Công ty Viphaco, chia sẻ việc sản xuất các mặt hàng trên tại VN đã giúp nhiều bệnh viện giảm được chi phí do giá rẻ hơn ít nhất 10%. Anh Lâm cho rằng những sản phẩm đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật tiến bộ hoàn toàn có thể phát triển ở VN nếu Nhà nước có sự hỗ trợ kịp thời.
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nhân Việt kiều cũng đưa ra những kiến nghị như Nhà nước quan tâm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thủ tục lưu trú cho kiều bào, cho phép doanh nghiệp Việt kiều đăng ký theo luật đầu tư trong nước…
Theo bà Lương Bạch Vân - Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài TP.HCM, từ năm 2010 hội được thành phố cho phép lập Trung tâm hỗ trợ kiều bào để giới thiệu cho kiều bào gặp các luật sư, luật gia giải đáp những vướng mắc, thủ tục hành chính, ổn định cuộc sống khi về nước.
Bà Vân nhấn mạnh kiều bào đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước, trong năm 2011 nguồn kiều hối từ các nước đổ về VN đạt mức kỷ lục, hơn 9 tỉ USD.