Ngân hàng thay “máu”
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:27, 09/01/2012
Cán bộ lãnh đạo và vốn được xem là hai nguồn lực tối quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Chuẩn bị cho đợt tái cấu trúc mạnh mẽ sắp tới, gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt thay đổi nhân sự cấp cao và chuyển dịch dòng vốn.
Techcombank thay tổng giám đốc với mục đích tiến đến đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Trong ảnh: Giao dịch tại Techcombank TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy |
Ai sẽ làm tổng giám đốc (CEO)? Đây là câu hỏi mà không ít cổ đông và khách hàng của những ngân hàng (NH) chưa chọn được người đảm nhiệm vị trí này đặt ra.
Gian nan tìm CEO
Giữa năm 2011, cả chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc NH NN-PTNT (Agribank) đều được điều chuyển công tác khác.
Nguyên nhân điều chuyển công tác chủ yếu là do Agribank có quá nhiều sai phạm trong hoạt động tín dụng, để tỉ lệ nợ xấu ở mức cao…
Việc chọn lựa nhân sự cho hai chức danh trên không đơn giản. Trước hết, HĐQT Agribank đề xuất, sau đó thông qua NH Nhà nước và Chính phủ sẽ xem xét bổ nhiệm.
Điều này phần nào lý giải vì sao chiếc ghế tổng giám đốc Agribank nay vẫn còn trống chỗ. NH TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) cũng bổ nhiệm tổng giám đốc mới vào tháng 6/2011 nhưng đến tháng 12/2011, vị tổng giám đốc này đã từ nhiệm và hiện vẫn chưa có người đảm trách.
NH Bảo Việt cũng vừa miễn nhiệm tổng giám đốc Phan Đào Vũ vào ngày 7-12-2011 và bổ nhiệm phó tổng giám đốc Nguyễn Hồng Tuấn giữ chức quyền tổng giám đốc. NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa bổ nhiệm ông Simon Morris làm tổng giám đốc mới thay cho ông Nguyễn Đức Vinh.
Hầu hết NH không đưa ra lý do, mục đích thay đổi tổng giám đốc. Theo ông Võ Văn Châu, nguyên tổng giám đốc NH Phương Đông, rất nhiều lý do làm thay đổi nhân sự cao cấp của NH.
Có trường hợp do tổng giám đốc từ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ nhưng cũng có tổng giám đốc chưa hết nhiệm kỳ nhưng vẫn bị HĐQT bãi nhiệm vì điều hành không hiệu quả. Riêng trường hợp đặc biệt, NH Nhà nước có thể yêu cầu HĐQT các NH cách chức nhân sự cấp cao.
Trao đổi với báo giới, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho biết để tiếp tục đẩy mạnh đà phát triển, bên cạnh đội ngũ cán bộ quản lý trong nước, Techcombank cần bổ sung những chuyên gia NH đã được quốc tế công nhận với mục đích tiến đến đạt tiêu chuẩn toàn cầu. “Đó là lý do vì sao HĐQT Techcombank chọn ông Simon Morris làm tổng giám đốc” - ông Anh nói.
Sôi động mua - bán cổ phần
Không chỉ thay đổi nhân sự cấp cao, một số NH còn có những chuyển biến đáng kể về đầu tư vốn cổ phần. Đáng chú ý là ngày 5/1, NH ANZ - cổ đông nước ngoài lớn nhất của NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, mã chứng khoán STB) - quyết định thoái vốn khi bán hơn 103 triệu cổ phiếu STB, tương ứng 9,61% cổ phần của Sacombank để tái cơ cấu đầu tư.
NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã đăng ký mua toàn bộ số cổ phiếu này.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank, NH Nhà nước đã chấp thuận việc NH ANZ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Sacombank cho Eximbank. Sau khi nhận chuyển nhượng, tỉ lệ cổ phần của Eximbank tại Sacombank là 9,73%.
Ông Phước cho biết Eximbank mua cổ phiếu STB là để cơ cấu thêm danh mục đầu tư. Mặt khác, Sacombank có mạng lưới hoạt động rộng lớn, quá trình kinh doanh khá hiệu quả và nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy vậy, không ít NH vẫn giữ nguyên hoặc tăng thêm vốn đầu tư vào NH khác. Cụ thể, Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã hoàn tất việc đầu tư thêm 1.150 tỉ đồng vào NH TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) nhằm tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần của CBA tại VIB từ 15% lên 20%.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT VIB, cho biết qua 2 lần góp vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài, VIB đã thu về 2.550 tỉ đồng thặng dư vốn, nâng vốn chủ sở hữu lên hơn 8.200 tỉ đồng.
Trong khi đó, NH Á Châu (ACB) vẫn giữ nguyên 10% cổ phần tại NH TMCP Đại Á. Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, việc góp vốn vào các NH đã được ACB thực hiện nhiều năm trước nhằm hỗ trợ các NH nhỏ phát triển. “Tất nhiên, khi đầu tư vốn vào NH bạn, các NH đều nhắm đến khả năng sinh lời” – ông Toại nói.