Ưu thế hàng Việt

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:45, 13/01/2012

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã có những hiệu quả rõ rệt. Sau hơn 2 năm triển khai, số người kinh doanh và sử dụng hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ. Nhiều chương trình thiết thực hơn đã được chuẩn bị để triển khai ngày càng sâu rộng đến người tiêu dùng cả nước.
Ưu thế hàng Việt

Hàng Việt đã được người tiêu dùng yêu thích

Từ vận động sang tự nguyện

Tại buổi lễ sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày 5/1, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động tại TP.HCM, cho biết, theo điều tra mới nhất, sau một năm phát động, có 59% người được hỏi đã trả lời là quyết định dùng hàng Việt (trước đây tỷ lệ này chỉ 23%).

Tại các siêu thị, các chợ đầu mối và các chợ truyền thống ở TP.HCM, hàng Việt được bày bán chiếm tỷ lệ 85 - 95%, chủng loại phong phú, đa dạng...

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.opMart, bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, số lượng hàng sản xuất trong nước của 5 ngành hàng chủ lực của Co.opMart đã chiếm hơn 90%.

Hiện Co.opMart đang phấn đấu để hướng đến siêu thị chỉ bán hàng Việt. Ở hệ thống siêu thị Big C, từ 3 năm nay, người tiêu dùng đã tăng sử dụng hàng nội đối với một số mặt hàng trước đây hàng ngoại được ưa chuộng như đồ gia dụng, sữa, vải sợi... Nhiều ngành hàng như vải sợi, thực phẩm tươi sống, đông lạnh... hàng Việt chiếm gần như tuyệt đối.

Ở hệ thống phân phối truyền thống, số lượng hàng Việt được lựa chọn cũng tăng lên mạnh mẽ. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức khẳng định, hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế tại chợ, trong khi tỷ lệ hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc (TQ) giảm mạnh.

Theo bà Thanh Hà, trước khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động, tỷ lệ hàng ngoại chiếm khoảng 30% trong tổng lượng hàng nhập chợ hằng đêm với khoảng 2.500 - 3.000 tấn, thì nay lượng rau TQ nhập chợ hiện chỉ chiếm 10 - 15%.

Gần đây, ý thức người bán hàng cũng như người mua về hàng nội đã được nâng lên rõ rệt. Nếu trước đây người bán nói sai nguồn gốc hàng ngoại hay cho “hàng TQ gắn mác nội” để bán hàng thì nay không còn tình trạng này nữa. Thay vào đó, thương nhân nói rất rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ hàng, thậm chí còn tư vấn người mua nên dùng hàng nội.

Không chỉ thế, Công ty Quản lý chợ và thương nhân đã hoàn thành việc đăng ký xây dựng thương hiệu tập thể và thương hiệu chợ Thủ Đức với tiêu chí rất cụ thể: sản phẩm đóng bao bì phải là hàng loại 1.

Bước đầu, đã có 35 hộ kinh doanh đăng ký thương hiệu Agrothuduc Market và cách làm này đã mang lại thành công cho tiểu thương trong việc cung ứng sản phẩm...

Theo ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm qua tiếp tục thực hiện với tinh thần năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị của thành phố.

Các cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể từ thành phố đến cơ sở tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch đề ra vào từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức, nội dung phong phú đa dạng đã và đang mang đến hiệu quả thiết thực.

Một mặt, chương trình đã giúp cho doanh nghiệp (DN) có cơ hội củng cố và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, mở rộng thị trong nước, từng bước.

Vươn ra các nước khu vực và trên thế giới. Mặt khác, chương trình cũng đã giúp người tiêu dùng ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm hàng nội khi mua sắm sinh hoạt gia đình...

Mở dòng chảy cho hàng Việt

Dù hàng Việt đã được người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ nhưng các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.

- Có 59% người được hỏi đã trả lời là quyết định dùng hàng Việt so với tỷ lệ trước đây là 23%.

- Tại các siêu thị, các chợ đầu mối và các chợ truyền thống ở TP.HCM, hàng Việt được bày bán chiếm tỷ lệ 85 - 95%, chủng loại phong phú, đa dạng... Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.opMart, số lượng hàng sản xuất trong nước đã chiếm hơn 90%.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP.HCM)

Phát biểu tại lễ tổng kết “Hoạt động năm 2011 và công bố chương trình năm 2012 của Hội Doanh nghiệp HVNCLC” diễn ra ngày 6/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong năm 2012, sẽ có nhiều chính sách quản lý thay đổi theo xu hướng hoàn thiện các quy định hơn nhằm khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, giúp dòng chảy hàng Việt lưu thông mạnh mẽ.

Ở góc độ của một tổ chức hỗ trợ DN, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC (Hội), cho biết, đẩy mạnh kết nối và mở rộng phòng tuyến cho hàng Việt là chủ đề xuyên suốt trong các chương trình hoạt động của Hội trong năm 2012.

Trong năm nay, ngoài việc tiếp tục các chuyến bán hàng về nông thôn, Hội sẽ đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, xúc tiến mở rộng thị trường lân cận và thị trường TQ.

Đánh dấu cho cột mốc xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong năm 2012, sang ngày 6/1, Hội cũng đã ký kết với Sở Công Thương năm tỉnh miền Đông Nam bộ về phát triển hệ thống phân phối tiêu thụ hàng Việt, ký kết xây dựng điểm bán hàng Việt tại vùng sâu miền Tây và ký kết với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Cần Thơ.

Ở góc độ DN, bà Hạnh Thu cho biết, năm 2011, Saigon Co.op đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động với doanh số gần 50 tỷ đồng đến các tỉnh vùng sâu vùng xa. Năm 2012, Saigon Co.op cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá hàng Việt qua các chuyến hàng lưu động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các KCX - KCN.

Dự kiến, trong năm này, Saigon Co.op sẽ khai trương từ 9 đến 10 siêu thị Co.opMart và mở thêm mô hình kinh doanh mới như chợ hiện đại vừa kết hợp bán buôn với bán lẻ.

Cùng với việc mở rộng, Saigon Co.op cũng sẽ tái đầu tư, cải tiến hệ thống Co.opMart, đổi mới không gian mua sắm để tạo sự mới lạ cho khách hàng. Kênh HTV Co.op vừa được phát sóng cũng sẽ được làm mới, kết hợp đẩy mạnh kinh doanh thương mại điện tử nhằm đa dạng hình thức mua sắm.

Cùng mục đích này, ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Đại Đồng Tiến (một trong những DN được tuyên dương vì có nhiều đóng góp trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”) cũng cho biết sẽ đẩy mạnh nhiều hoạt đông tuyên truyền quảng bá cho hàng Việt.

Bên cạnh việc tham gia tích cực các chương trình bán hàng về nông thôn, thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng nội địa..., Đại Đồng Tiến sẽ xây dựng nhà máy mới để sản xuất những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, hoàn thiện hệ thống phân phối và xúc tiến đưa sản phẩm ra các nước lân cận như TQ, Thái Lan.

HỒNG NGA