Biên giới thị trường toàn cầu đã rất mờ nhạt
Chân dung - Ngày đăng : 01:00, 28/01/2012
Nhiều người biết đến cái tên Mạc Quang Huy khi anh phát hành cẩm nang Ngân hàng đầu tư thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Quốc tịch Úc nhưng đột nhiên năm 2010, anh lại quyết định trở về Việt Nam đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS).
Đây là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang khó khăn nhất nên nhiều người không khỏi hoài nghi về chuyến trở về của Quang Huy...
Nhưng lần trở về này anh có một suy nghĩ rõ ràng: “Khoảng cách về kiến thức giữa Việt Nam với các nước tiên tiến bây giờ đã không còn lớn, môi trường sống giữa các nước với nhau cũng đã trở nên bằng phẳng hơn”.
Tốt nghiệp đại học Ngân hàng Hà Nội năm 1996 rồi anh có cơ hội được KPMG nhận vào làm cùng với nhiều nhân viên đến từ các khu vực khác nhau như Thái Lan, Malaysia, Singapore...
Chỉ vài năm làm việc tại đây, sự nổi trội của Huy được lãnh đạo KPMG cân nhắc luân chuyển anh sang Anh làm việc.
“Khi thị trường chứng khoán mở cửa, tôi lại muốn làm cho một công ty đầu tư tài chính nên sau đó tôi xin vào làm cho một ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Tôi được tuyển vào Lehman Brothers vì trước đó được làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia lớn.
Tại đây, tôi làm việc trong bộ phận quản lý nguồn vốn, là bộ phận đầu não của các ngân hàng. Vì vậy, tôi đã mở rộng được rất nhiều kiến thức ngoài công việc.
Thậm chí, tôi đã dựng lên được bức tranh toàn cảnh của ngân hàng đầu tư thế giới thông qua quyển sách Ngân hàng đầu tư”, anh kể lại.
Rồi cơ hội lớn hơn tiếp tục mở ra khi anh được Chính phủ Úc cấp thẻ xanh cho nhập quốc tịch Úc. Đó là lúc Lehman Brothers sụp đổ, Tập đoàn Nimora mua lại ngân hàng này. Tuy nhiên, trong khi một loạt nhân viên của tập đòan bị sa thải, Quang Huy vẫn giữ được việc làm tại công ty mới và tiếp tục trụ lại để làm việc ở ngân hàng này.
Gần 3 năm làm việc ở Úc, 3 năm ở Nhật và trước đó 2 năm ở Anh, rồi đến một ngày, anh chợt nhận ra rằng, sự nghiệp của anh vẫn là ở Việt Nam:
“Khi trẻ tuổi, chúng ta thường muốn bay nhảy và trải nghiệm ở các vùng đất xa xôi. Sau trải nghiệm đó, là tâm hướng về nguồn cội.
Mặt khác, xét về sự nghiệp, tôi cho rằng, cơ hội phát triển ở Việt Nam hiện nay rất tốt, và những kinh nghiệm của tôi được cống hiến cho đất nước thì hữu ích hơn rất nhiều”, anh nói.
“Mặc dù kinh tế Việt Nam đang khó khăn với tình trạng lạm phát khá cao, đầu tư công không hiệu quả... Nhưng đối với tôi đây là một cơ hội thực sự hơn là rủi ro. Có lẽ 2,3 năm nữa sẽ là một chu kỳ mới lạc quan hơn rất nhiều”, anh nói thêm về việc quyết định trở về vào thời điểm “nóng” nhất.
Bởi lẽ, theo anh giải thích, khó khăn hiện tại của thị trường cũng là cơ hội để các điểm yếu của mô hình kinh doanh hiện tại được bộc lộ. Như vậy, giải quyết các vấn đề sẽ triệt để hơn.
Cũng như vậy, chuyến trở về trong thời điểm khó khăn sẽ là cơ hội để được chứng tỏ và học hỏi những kinh nghiệm mới mà không phải lúc nào cũng có được.
Khi được hỏi về lựa chọn trở thành công dân nước này hay nước kia, anh trả lời:
“Hiện nay nhiều thanh niên Việt Nam du học và sinh sống ở các nước phương Tây, như Úc, Mỹ, Anh và Canada. Một số người nghĩ đây là những nơi sẽ giúp mình giàu có, hạnh phúc hơn. Một số khác thấy nguy hiểm, xa lạ và không bao giờ hợp với cách sống của người Việt. Ai đúng hơn? Có thể cả hai đúng, hoặc cả hai đều sai.
Nhưng điều quan trọng là phải có gì của riêng ta thì mới phù hợp với cái của người khác. Khi ta không biết ta là ai mà mở cửa đón nhận thì mất luôn cả mình”. “Bạn đừng phải phân vân khi so sánh làm việc ở trong hay ngoài nước vì bây giờ ranh giới giữa các thị trường đã rất mỏng.
Hay nói cách khác, đừng quan tâm đến việc tôi làm việc ở nơi đâu, mà hãy quan tâm đến khả năng đóng góp của tôi. Đối với tôi, đóng góp đó nếu là ở Việt Nam thì sẽ hữu ích hơn rất nhiều, đặc biệt là giá trị tinh thần”, anh tâm sự rất thật.