Xông đất doanh nghiệp

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:56, 07/02/2012

Trong suy thoái kinh tế năm 2011, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá biến động, tiêu thụ hàng hóa khó khăn dẫn đến phải cắt giảm đầu tư... Cho nên, năm 2012 sẽ là một năm đầy thử thách, đòi hỏi DN phải thực sự có những thay đổi căn bản về chiến lược kinh doanh, sản xuất và quản trị. Với những thay đổi này, không chỉ đặt ra hy vọng về một năm mới sáng sủa hơn, nhiều DN cũng đã gặt hái được những kết quả lạc quan đầu tiên.
Xông đất doanh nghiệp

Trong suy thoái kinh tế năm 2011, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá biến động, tiêu thụ hàng hóa khó khăn dẫn đến phải cắt giảm đầu tư... Cho nên, năm 2012 sẽ là một năm đầy thử thách, đòi hỏi DN phải thực sự có những thay đổi căn bản về chiến lược kinh doanh, sản xuất và quản trị. Với những thay đổi này, không chỉ đặt ra hy vọng về một năm mới sáng sủa hơn, nhiều DN cũng đã gặt hái được những kết quả lạc quan đầu tiên.

Bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước: Tinh giản bộ máy, tinh chất sản phẩm

Trong năm 2012 này, DN tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức thật sự và đây cũng là cuộc “thử sức bền”. Và chúng tôi cũng đã sẵn sàng để đối diện với những khó khăn bằng biện pháp riêng.Ngay từ đầu năm 2011, giá nguyên liệu đầu vào đều tăng từ nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển, xăng dầu, giá ngoại tệ cho đến lương công nhân...

Trong điều kiện khó khăn, chúng tôi không sản xuất đại trà nữa mà sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Trong điều kiện người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu thì chúng tôi phải tìm cách để đa dạng hóa mặt hàng.

Chẳng hạn như trước đây chỉ có sơ-mi, vest, thì nay thêm quần jean, áo thun, áo body và các phụ kiện đính kèm theo như giày, túi xách.

Bây giờ người tiêu dùng tính đến chuyện ăn chắc mặc bền, nên chúng tôi phải thay đổi, chọn những chất liệu vải phải tốt hơn, dùng các loại cotton chống nhăn để bớt ủi mà như vậy sẽ đỡ tốn điện.

Với những khách hàng đặt may đồng phục, chúng tôi thực hiện những hợp đồng ngắn để có thể điều chỉnh giá theo thời giá.

Mặt khác, công ty cũng cơ cấu lại tổ chức, tinh gọn bộ máy sản xuất theo kiểu thay vì tuyển thêm người mới thì cho nhân viên nhận thêm việc và điều chỉnh lương.

Thiếu hụt nhân sự, chúng tôi phải nhập máy móc tự động để bù vào. Chúng tôi quyết phải tăng năng suất để bù đắp cho sự biến động nhân sự đầu năm, tiết giảm chi phí...

Hiện nay, An Phước có hệ thống 82 cửa hàng với gần 800 nhân viên. Với tình hình này, chúng tôi không mở thêm cửa hàng chỉ cũng cố lại hệ thống thôi. Với những mặt bằng đẹp sẽ tiếp tục thuê và dẹp dần những mặt bằng không đẹp, không hiệu quả. Ưu tiên trong năm mới này vẫn là đảm bảo doanh thu tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Ngô Thị Ái Linh - Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA: Đầu tư tổng thể hơn

Năm 2011, ngành sơn chịu tác động lớn bởi sự sụt giảm của thị trường. Theo các nhà phân phối, nhiều hãng sơn tại Việt Nam sụt giảm tới 50% doanh số.

Tuy nhiên, năm vừa rồi, tại thị trường TP.HCM, doanh số của Kova đã tăng tới 20%. Kết quả này không do thị trường tăng trưởng, mà chúng tôi cho ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới và chất lượng, nên vào được nhiều dự án công trình lớn.

Năm 2012, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ đầu tư một cách tổng thể hơn. Sản phẩm sơn Nano sau một thời gian nghiên cứu, đã chính thức được triển khai. Sau khi thử nghiệm thành công, Kova đã đặt phía Mỹ sản xuất nguyên liệu riêng.

Dự kiến, Kova sẽ cho ra sản phẩm vào tháng 3 hoặc tháng 4. Đây là sản phẩm cực tốt nhưng do giá thành sản xuất cao, trong lúc tình hình kinh tế còn khá khó khăn, nên dự báo sẽ có nhiều trở ngại khi chào thị trường. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có những đối tượng khách hàng riêng, vì năm trước đã có khá nhiều khách hàng hỏi mua.

Xuất khẩu chỉ chiếm 5% doanh thu của Kova, nhưng chúng tôi muốn tăng lên 20%. Chính những chủ khách sạn lớn tại Lào sau 7 năm sử dụng sơn Kova, đã tự động qua Việt Nam xin nhập hàng về bán.

Nhưng thị trường chúng tôi tự hào nhất là Singapore. Hiện Singaopre dùng sơn Kova cho 2 sân bay chính. Riêng chung cư, chúng tôi đã vào được 6 khu, mỗi khu 600 căn, rồi trường học của Mỹ xây tại Singapore, trung tâm thương mại... Hiện trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất sang Singapore 5 - 6 container, mỗi container trị giá khoảng 30.000 – 50.000USD.

Với thị trường đang mở rộng, hiện Kova có 5 nhà máy tại Campuchia, TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi cũng vừa mua lại một nhà máy tại Hà Nội và dự tính mở một nhà máy nhỏ tại Singapore sử dụng công nghệ tự động, sản xuất sản lượng vừa đủ cho thị trường tại đây.

Ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Robot: Tăng đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm

Tuy năm 2011diễn biến có nhiều bất ngờ nhưng chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị và từng bước thực hiện kế hoạch chủ động trong năm 2012 này. Định hướng sắp tới là không đặt trọng tâm vào một sản phẩm nào mà tập trung phát triển các sản phẩm của ngành điện (điện dân dụng lẫn công nghiệp), tạo nên một chuỗi sản phẩm có liên quan.

Chính vì vậy, chúng tôi sẽ phát triển đồng bộ các kênh phân phối, từ đại lý bán lẻ lẫn các khách hàng lớn (từ các công trình nhà ở, công nghiệp).

Phân phối ngành điện dù là đại lý lớn, nhỏ hay khách hàng lớn là rất giống nhau, khách hàng phải mua trực tiếp từ DN sản xuất hoặc đại lý, vấn đề là DN cần phải xây dựng được thương hiệu và giá cả cạnh tranh. Bài toán giữa lợi ích: người tiêu dùng – nhà sản xuất và phân phối phải cân nhắc kỹ.

Trong năm 2012, Robot sẽ khởi công xây dựng một nhà máy mới, bên cạnh nhà máy trên đường Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh, TP.HCM), với chi phí xây dựng gần 100 tỷ đồng (chưa kể khoản đầu tư vào đất và dây chuyền) để sản xuất dây cáp, thiết bị điện...

Đồng thời, Robot sẽ cho ra đời bóng đèn tiết kiệm điện. Ngoài ra, chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng cao ốc tại trụ sở cũ (Điện Biên Phủ, quận 3) để làm trụ sở văn phòng của công ty và là trung tâm để phân phối các sản phẩm điện.

Với công ty Robot chúng tôi rất tự tin rằng năm 2012 này không những vượt qua khó khăn chung mà còn có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Trong kỳ Đại hội Doanh nhân trẻ toàn quốc vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã chỉ đạo, nhắn nhủ doanh nhân nhiều định hướng mà chúng tôi rất tâm đắc. Với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao dành cho đội ngũ doanh nhân, tôi tin là chúng ta sẽ nhanh chóng khắc phục được khó khăn.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Công ty liên doanh Scansia Pacific, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa): Cắt giảm chi phí tối đa

Điều khiến DN lo lắng và trông chờ nhất hiện nay là các biện pháp kìm chế lạm phát của Chính phủ. Nhiều DN thành viên Hawa cho biết, nếu giá sản xuất không tăng trong thời gian tới thì chắc chắn họ tìm được đơn hàng.

Rất tiếc, lạm phát tại Việt Nam vẫn đang là gánh nặng khiến DN không dám tính toán đường dài trong năm 2012. Đặc biệt, với những DN xuất khẩu, việc tính đường dài, tìm đơn hàng cho kế hoạch sản xuất dài hơi càng khó khăn hơn. Bởi giá USD không tăng nhưng tất cả các chi phí sản xuất đều có khả năng tăng nhanh trong thời gian tới, nhận đơn hàng trong thời gian này có nguy cơ lỗ vốn.

Bên cạnh đó, ngành khai thác và chế biến gỗ lại là một lĩnh vực khác biệt, cần sự ổn định về giá và thị trường. Với những diễn tiến như hiện tại và những nguy cơ xung đột chính trị trên thế giới như hiện nay, rất khó để nói về tương lai của ngành.

Bản thân Scansia Pacific cũng chỉ tìm được đơn đặt hàng từ đây đến tháng 5, tháng 6, chưa thể tiến xa hơn. Chúng tôi phải tìm cách tiết kiệm hết sức, cố gắng giảm chi phí sản xuất đến mức tối đa và tăng năng suất để có thể tồn tại trong thời gian này. Đây cũng là cách thức mà khá nhiều DN đang áp dụng, dù không dễ dàng thực hiện.

Các hội ngành nghề tại Việt Nam, điển hình như HAWA cũng đang tiến hành các khóa tập huấn sản xuất tiết kiệm, nâng cao năng lực quản lý sản xuất... cho chủ DN cũng vì hướng đến điều này.

Một thực tế cũng đáng lưu ý là nguồn tài trợ cho những chuyến tham quan, triển lãm, tìm kiếm thị trường cho DN từ Chính phủ cũng đang bị cắt giảm, DN không thể đầu tư nhiều vào những chuyến đi như thời gian trước nên thị trường cũng có thể không được mở rộng nhiều.

Đáng mừng là ngành vẫn có một cơ hội lớn từ phía đơn đặt hàng từ Trung Quốc ngày càng nhiều hơn. Dự báo, trong năm 2012, lượng đơn đặt hàng từ khách hàng làng giềng này vẫn còn hứa hẹn tốt đẹp. Thế nhưng, mức độ ổn định của thị trường mới này cũng còn là ẩn số nên DN trong ngành cần thận trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC: Tận dụng cơ hội để đầu tư

Theo quan điểm của tôi, năm nay, Chính phủ sẽ có những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định hơn. Vì vậy, tăng trưởng của nền kinh tế cũng như ngành thép vẫn được duy trì. Ưu tiên của SMC trong năm mới này vẫn là đảm bảo doanh thu, thị phần nhưng theo hướng linh hoạt.

Nói như thế vì trong năm 2011, SMC đã hoàn thiện quy trình đánh giá tín dụng với khách hàng nhằm kiểm soát tốt dòng tiền cũng như thu hồi nợ và năm nay sẽ tiếp tục sử dụng triệt để theo tiêu chí: bán hàng là quan trọng, thu hồi nợ là quyết định.

Thế nên, năm nay, SMC giảm bớt phân phối thép xây dựng xuống còn 400.000 tấn (năm ngoái hơn 412.000 tấn) trong tổng số 600.000 tấn theo kế hoạch.

Đồng thời, chúng tôi gia tăng tỷ lệ phân phối thép dẹt lên khoảng 200.000 tấn vì đây là những sản phẩm có tỷ suất sinh lời tốt, xã hội vẫn có nhu cầu, chẳng hạn trong ngành sản xuất ô tô, xe máy. Khoảng giữa năm nay, SMC sẽ khai trương một nhà máy cơ khí thép để tiếp tục đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm bao gồm thép cán nóng, cán nguội, thép lá...

Việc đầu tư trong thời điểm hiện nay rõ ràng là một thách thức nhưng nếu có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị nguồn lực hợp lý thì nên tận dụng để nắm bắt cơ hội. Bên cạnh đó, SMC tiếp tục đảm bảo lương, thưởng cũng như điều kiện làm việc cho nhân viên đồng thời củng cố văn hóa DN thật vững vàng để tạo ra sự yên tâm trong công việc.

Theo quan điểm của tôi, khó khăn tất nhiên phải tiết kiệm, cắt giảm, nhưng cắt giảm những khoản lớn, đáng giá chẳng hạn như vay nợ, chúng tôi đã nỗ lực giảm triệt để, còn những khoản điện, nước, lương nếu cắt quá tay sẽ phản tác dụng, năng suất lao động giảm, chính DN sẽ bị ảnh hưởng.

Nhóm Phóng Viên