Nắm người có tóc!
Trong nước - Ngày đăng : 08:09, 23/02/2012
Sau hàng loạt vụ cháy xe do nghi ngờ chất lượng xăng, mới đây Bộ Công Thương khẳng định: các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình. Đồng thời các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát và ràng buộc hợp đồng với các đại lý để hạn chế tình trạng xăng dỏm.Petrolimex đã yêu cầu công ty thành viên tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo chất lượng xăng dầu
Về lâu dài, theo các chuyên gia, cần sửa đổi cái gốc tạo kẽ hở cho xăng dỏm hoành hành là một số điểm bất hợp lý trong Nghị định 84.
Ràng buộc từ hợp đồng
Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu báo cáo quy trình quản lý, kiểm tra chất lượng xăng dầu của từng doanh nghiệp trong hệ thống phân phối và các đại lý.
Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, doanh nghiệp đầu mối phải có ràng buộc trách nhiệm của các bên trong hợp đồng mua bán xăng dầu với các đại lý và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các điều khoản trong hợp đồng của đại lý.
Ông Điền, một đại lý xăng dầu ở Bình Dương, cho biết trong hợp đồng với công ty đầu mối có quy định doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu đến trước khi xăng đổ vào bồn. Sau đó nếu phát hiện hàng không đạt chất lượng, lỗi do đại lý, đại lý phải chịu phạt của cơ quan chức năng và công ty đầu mối cũng sẽ phạt hợp đồng tùy theo số lượng hàng vi phạm.
Tổng giám đốc một đầu mối nhập khẩu xăng dầu tại khu vực phía Nam cho biết, quan điểm của ông là khi phát hiện xăng dầu kém chất lượng, cần rà lại quy trình, bên nào sai phải xử lý thật nghiêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu VN (PV Oil), công ty đầu mối không có quyền kiểm tra, kiểm soát. “Chúng tôi không có chức năng gì để xộc vào cửa hàng người ta yêu cầu lấy mẫu kiểm nghiệm như các cơ quan quản lý thị trường, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cũng không thể kiểm tra chứng từ hóa đơn để biết họ lấy hàng từ những nguồn nào...” - ông Sơn nói. Do không kiểm tra trực tiếp nên vừa qua PV Oil cho nhân viên đóng vai người tiêu dùng đi mua xăng và kiểm nghiệm chất lượng. Khi phát hiện đại lý vi phạm sẽ ngưng cung cấp hàng, cắt hợp đồng.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), cũng đã có văn bản yêu cầu các công ty thành viên phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt ở những khâu dễ phát sinh tiêu cực. Các công ty thành viên của Petrolimex cũng thực hiện ký với các tổng đại lý, đại lý xăng dầu về việc nghiêm túc thực hiện quy định tại nghị định 84, không mua bán xăng dầu trôi nổi, đảm bảo đúng chất lượng...
Không mua hàng trôi nổi
Ông Phan Minh Tân cho rằng việc doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm liên quan nếu để xảy ra tình trạng xăng dỏm được quy định rất rõ trong nghị định 84. Cụ thể, thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các quy định hiện hành về quản lý chất lượng xăng dầu trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý.
Về trách nhiệm của các tổng đại lý, nghị định 84 cũng quy định tổng đại lý có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý trong hệ thống phân phối của mình, liên đới chịu trách nhiệm với các hành vi vi phạm của đại lý trong kinh doanh xăng dầu. Ông Tân cho biết hiện nay Sở Khoa học - công nghệ đã nhận được báo cáo của các doanh nghiệp về quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu trong hệ thống bán hàng. Sở đang kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp trên thực tế có đúng như báo cáo.
Theo các tổng đại lý xăng dầu, một số đại lý lấy hàng từ nhiều nguồn, thậm chí là những tổng đại lý lớn. Hàng vẫn có hóa đơn chứng từ. Để yêu cầu đại lý thực hiện nghiêm chỉnh việc một đại lý chỉ được lấy hàng từ một nguồn, cần có sự liên thông giữa các cơ quan chức năng. Cơ quan thuế khi quyết toán thuế cho doanh nghiệp phải từ chối quyết toán cho các đại lý xăng dầu có hóa đơn chứng từ của nhiều đại lý, chuyển vụ việc qua quản lý thị trường để kiểm tra xử lý.
Sớm sửa Nghị định 84
Chịu trách nhiệm đến cùng Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí khẳng định từ nay các doanh nghiệp xăng dầu phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng xăng dầu trong hệ thống của mình. Theo Bộ Công Thương, đầu mối quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hệ thống phân phối, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng sẽ phải kiểm tra cả việc chấp hành quy định tổng đại lý xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối; đại lý chỉ được ký hợp đồng cho một tổng đại lý hoặc một doanh nghiệp đầu mối. Bộ Công Thương cũng cho biết Vụ Thị trường trong nước sẽ rà soát lại các quy định tại Nghị định 84 để tăng cường trách nhiệm về quản lý chất lượng xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Đồng thời vụ này cũng sẽ rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan đến giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý... cho phù hợp tình hình thực tế. |
Trong khi đó, lãnh đạo Petrolimex cho rằng dù Nghị định 84 quy định trách nhiệm như trên nhưng chưa nêu rõ chịu trách nhiệm đến đâu và cụ thể là chịu trách nhiệm như thế nào.
Vì vậy, sắp tới nếu sửa Nghị định 84 cần phải quy định cụ thể, không thể nói chung chung là liên đới. Trường hợp xảy ra sai phạm, doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm đến đâu, khâu nào là của tổng đại lý, khâu nào của đại lý...
Các đại lý bán lẻ xăng dầu cũng cho rằng cần sửa Nghị định 84 để quy định hoạt động lưu mẫu phục vụ việc truy xuất xăng dỏm ở khâu nào, từ đó mới quy trách nhiệm cho từng bên. Trường hợp không phải do quá trình vận chuyển hoặc xăng dỏm từ doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, thì đại lý sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Đại diện một đại lý bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết trên thực tế doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong vòng giới hạn không quá bảy ngày. Nghĩa là trường hợp phát hiện xăng dỏm, doanh nghiệp cũng chỉ chịu cho kiểm nghiệm mẫu nếu mẫu được lưu trong thời gian bảy ngày trở lại.
“Mỗi tháng chúng tôi bán được khoảng 40.000 lít xăng. Nếu chỉ lấy hàng làm hai đợt, thời gian bán phải đến hai tuần mới hết một lô. Như vậy, từ ngày thứ tám đến ngày thứ 15, nếu phát hiện xăng dỏm đại lý phải tự chịu, doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn vô can” - đại diện doanh nghiệp này nói.
TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho rằng cái gốc là Nghị định 84 đã lỗi thời và phải sửa ngay cho phù hợp với điều kiện kinh doanh hiện tại.