Quảng bá hình ảnh Việt Nam: Thiếu “nhạc trưởng”

Du lịch - Ngày đăng : 03:02, 24/02/2012

Việc quảng bá, xây dựng hình ảnh Việt Nam từ hoạt động du lịch còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp do chưa có sự “nhập cuộc” của các cơ quan quản lý trong vai trò là “nhạc trưởng” của những hoạt động này.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam: Thiếu “nhạc trưởng”

Việt Nam có những bãi biển được xếp vào hàng đẹp nhất thế giới, có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, có những sản phẩm du lịch khá đa dạng và hấp dẫn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quảng bá, xây dựng hình ảnh Việt Nam từ hoạt động du lịch còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp do chưa có sự “nhập cuộc” của các cơ quan quản lý trong vai trò là “nhạc trưởng” của những hoạt động này.

Tọa đàm "Xây dựng hình ảnh Việt Nam qua hoạt động du lịch"

Ngày 23/2/2012, CLB Phóng viên Du lịch TP.HCM đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp (DN) du lịch trong nước tổ chức tọa đàm: "Xây dựng hình ảnh Việt Nam qua hoạt động du lịch".

Ý kiến của đại diện Hiệp hội và các DN du lịch đều tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân khiến cho việc xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng du lịch không đạt kết quả như mong muốn.

Thiếu tính liên kết trong các hoạt động quảng bá, văn hóa, lễ hội

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khá nhiều thế mạnh về lễ hội văn hóa. Thế nhưng để biến lễ hội thành sản phẩm du lịch ăn khách, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương, xây dựng các lễ hội mang ý nghĩa vùng miền đặc trưng.

Bên cạnh đó, việc quảng bá, tổ chức các sự kiện du lịch quốc tế phải được thực hiện ở tầm quốc gia. Chẳng hạn như, suốt 8 năm, Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE chỉ được tổ chức tại TP.HCM, trong khi Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác có tiềm năng du lịch lại bị lãng quên.

Trong khi đó một số nước sẵn sàng tổ chức sự kiện quảng bá du lịch ở các thị trường tiềm năng để thu hút khách. Chẳng hạn, Mỹ đã tổ chức sự kiện quảng bá du lịch ở Trung Quốc và Pháp. Vậy nên bên cạnh việc hợp tác giữa các DN trong nước cần có sự hợp tác quốc tế.

Vịnh Hạ Long, thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, năm 2011 lượng khách đến bảo tàng là 660.000 lượt, trong đó có 450.000 lượt khách quốc tế, tăng khoảng 10% so với năm trước. Thông thường ở những điểm khác, khách chỉ đến 1-2 lần rồi chán. Song, với các bảo tàng, có nhiều khách đến 7-8 lần, những lần sau còn dắt thêm bạn bè và sử dụng nhiều dịch vụ khác.

“Theo tôi, bảo tàng là một kênh quảng bá du lịch khá hữu hiệu. Để quảng bá hình ảnh đất nước qua du lịch, ngoài khai thác du lịch lễ hội, sinh thái, còn một mảng khác để khai thác là du lịch hòa bình, cho khách tham quan bảo tàng, tận mắt chứng kiến, giao lưu với những chiến sĩ, cựu tù… tham gia các hoạt động từ thiện”, bà Vân nói.

Cần một “nhạc trưởng”

Sự đa dạng về văn hóa của các địa phương là một trong những thế mạnh của Việt Nam mà ngành du lịch cần đầu tư để có được những sản phẩm du lich độc đáo. Ảnh: Trương Hữu Hùng (Đây là tác phẩm "Tết vùng cao" đoạt giải nhì cuộc thi Ảnh Tết Việt 2012 do Báo DNSG tổ chức trên DNSG Online)

Ông Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh, một vấn đề đáng lưu tâm là sự an toàn cho du khách. Việt Nam cần xây dựng được một trung tâm du khách để giải quyết các vấn đề về du lịch. Ông cho biết, nước láng giềng Singapore có hẳn một trung tâm giải quyết mọi vấn đề cho du khách, từ thông tin, hướng dẫn, tới thị thực, an ninh, khai báo mất cắp, giật đồ…

TP.HCM - địa phương đi đầu trong việc tổ chức lực lượng chuyên nghiệp bảo vệ du khách, đã đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được nên hiện chỉ có lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ hướng dẫn khách, không thể đáp ứng được tất cả các vấn đề du khách cần…

“Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp người ăn xin, bán vé số khóc lóc trước mặt du khách gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Việt Nam” - ông Thọ phân tích.

Theo bà Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển hệ thống bán hàng Công ty Vietravel, các nước như Singapore, Thái Lan… đều có văn phòng du lịch đặt tại Việt Nam với nhiệm vụ chính là quảng bá du lịch. Trong khi đó, Việt Nam hầu như chưa có văn phòng phục vụ thông tin về du lịch đặt tại các quốc gia khác.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc truyền thông Công ty Fiditour chia sẻ, có nhiều sự kiện mà các DN Việt Nam không biết tận dụng, chẳng hạn như sự kiện Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) bình chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong năm 2012. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa cho việc quảng bá hình ảnh VN, nhưng không thấy hoạt động hưởng ứng nào từ phía ngành du lịch của VN…

Thờ ơ trước những sự kiện như thế, bản thân ngành du lịch đã tự đánh mất lợi thế cạnh tranh, theo bà Mai.

Du lịch là một ngành kinh tế liên ngành, nếu chỉ bằng nỗ lực của riêng các doanh nghiệp du lịch mà không có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành liên quan như: giao thông vận tải, y tế, công an, ngoại giao… thì việc quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng con đường êm ả nhất là du lịch sẽ kém hiệu quả.

Bày tỏ ý kiến, các diễn giả tham gia tọa đàm đều mong muốn Tổng cục Du lịch sẽ là đầu mối phối hợp hoạt động của các cơ quan liên quan, giúp cho ngành du lịch phát triển mạnh và bền vững, đồng thời với việc phát triển du lịch, hình ảnh Việt Nam sẽ lan tỏa rộng hơn rất nhiều so với hiện nay.

THU THỦY