Để bảo vệ Đảng và xây dựng đất nước giàu mạnh
Trong nước - Ngày đăng : 00:49, 07/03/2012
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết để bảo vệ Đảng, cũng là để bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh.
>>Phải biết dựa vào dân
>>Thực hiện được cần quyết tâm rất cao
>>“Vì nước, vì dân” là tiêu chí hàng đầu
Chi bộ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kết nạp đảng viên mới tháng 2/2012 |
Thực tế, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên của Đảng ta từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiệu quả của các đợt chỉnh đốn Đảng vừa qua là chưa cao, dẫn đến hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày càng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống...
Chính vì sự suy thoái đó đã làm cho không ít Đảng viên và quần chúng có những biểu hiện hoài nghi, lo lắng, bất bình, biểu lộ ngày càng nhiều trong đời sống xã hội.
Nhìn thấy được nguy cơ này, vì sự tồn vong của Đảng, vì sự sống còn của đất nước, vì cuộc sống ngày càng hạnh phúc của nhân dân mà Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) ra đời để xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Có thể nói Nghị quyết Trung ương 4 ra đời là Đảng ta đã rất cầu thị, tự thấy không thể không chỉnh đốn Đảng nếu muốn đủ uy tín, đủ sức mạnh lãnh đạo nhân dân ta vượt qua những thử thách rất khắc nghiệt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, bài phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 4, cũng như bài phát biểu trong Hội nghị Cán bộ chủ chốt toàn quốc vừa qua để quán triệt Nghị quyết này của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghiêm khắc chỉ ra những yếu kém trong không ít tổ chức Đảng, những tha hóa về lý tưởng, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên và cách khắc phục tình trạng nguy hiểm này.
Những bài phát biểu ấy đã làm nức lòng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng và nhân dân.
Từ đó, có thể khẳng định Nghị quyết Trung ương 4 ra đời là một tất yếu khách quan, không sớm, nhưng cũng không phải là muộn lắm.
Nhân dịp này, chúng ta nhớ lại: trước đây, đồng chí Nguyễn Văn Linh - cố Tổng bí thư của Đảng, được Đảng ta, nhân dân ta và bạn bè trên thế giới coi là người đề xướng, người mở đường công cuộc đổi mới nền kinh tế nước ta từ hành chính quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được toàn Đảng, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, bạn bè ủng hộ.
Kết quả là chỉ hơn hai thập niên qua đã đưa nước ta trở thành một nước có nền kinh tế phát triển vững chắc, đời sống của toàn dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt; luôn ổn định về chính trị và rất thành công trong ngoại giao đa chiều, được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đánh giá là “cơ bản thoát khỏi nước nghèo, đang bước vào ngưỡng các nước phát triển”.
Bây giờ, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận đánh giá là người chỉ ra “một bộ phận không nhỏ trong Đảng” đã có biểu hiện đi lệch hướng, yêu cầu họ phải quay trở lại đúng nơi cội nguồn, đúng với bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vấn đề còn lại là làm cách nào để thực hiện triệt để Nghị quyết? Bác Hồ dạy: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi”.
Trong thực tiễn, việc chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua, nhất là khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, Khóa VIII) không đạt kết quả như mong muốn, có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là biện pháp thiếu tính khả thi (chưa đồng bộ, chưa nghiêm túc, chưa đạt được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị...).
Lần này, như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lường trước và thấy được đây là việc khó, nhưng “khó mấy cũng phải thực hiện”, là “làm từ trên xuống”. Tiếp nhận thông tin này, dư luận trong và ngoài Đảng vừa đồng tình vừa tin tưởng và hy vọng.
Đó là ý chí của đồng chí Tổng bí thư - Tư lệnh tối cao của Đảng. Dư luận chung mong muốn kỳ này chúng ta cùng nhau thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với khẩu hiệu hành động là “Cán bộ cần làm gương, Trung ương phải làm mẫu”.
Trên tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, tự soi rọi, tự điều chỉnh để hoàn thiện mình, qua đó góp phần làm cho Đảng ta “lấy lại những gì đã mất, thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng cầm quyền, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Mặt khác, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có kết quả, cần phải có thời gian để quán triệt nội dung của nó thật kỹ và tạo được sự đồng thuận cao, đồng thời không vội vàng, không quy chụp “tả khuynh” làm rối nội bộ, giúp cho kẻ cơ hội “đục nước béo cò” và dễ lọt vào âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực chống đối Đảng.
Vì vậy, Trung ương phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, rõ ràng các bước thực hiện, đồng thời phải nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh những quy định hiện nay không còn phù hợp để thực hiện, để kiểm tra và để giám sát.
Chẳng hạn, xác định trách nhiệm người đứng đầu cao nhất phải chịu trách nhiệm khi người đứng đầu cấp dưới do mình phụ trách (bổ nhiệm, quản lý...) làm trái quy định của Đảng, hoặc để xảy ra sự cố nào đó làm thiệt hại đến Nhà nước và nhân dân, hoặc quy định về kê khai tài sản sao cho thật phù hợp, không mang tính hình thức như các lần kê khai vừa qua, như cấp nào khai, khai cái gì, giá trị bao nhiêu mới khai.
Cụ thể, quy định 50 triệu đồng phải khai, trước đây 50 triệu đồng bằng 10 cây vàng, ngày nay chỉ còn một cây thì có nên khai? Tương tự, một chiếc xe máy trước đây 5-6 cây vàng hiện nay chỉ còn chưa tới một cây thì có khai? Rồi ai giám sát những tài sản được khai?...
Rõ ràng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết để bảo vệ Đảng, cũng là để bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh!