Lãi suất ngân hàng: Chạm đáy, đụng trần

Tài chính, chứng khoán, ngân hàng - Ngày đăng : 07:20, 21/03/2012

Các ngân hàng (NH) đang băn khoăn khi mới đây xuất hiện ý kiến một số chuyên gia tham vấn về việc quy định trần lãi suất cho vay ở mức 17%/năm.
Lãi suất ngân hàng: Chạm đáy, đụng trần

Các ngân hàng (NH) đang băn khoăn khi mới đây xuất hiện ý kiến một số chuyên gia tham vấn về việc quy định trần lãi suất cho vay ở mức 17%/năm.

Dù nhiều NH giảm lãi suất nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ DN được vay - Ảnh: Quý Hòa

Tự động hay mệnh lệnh?

Luận điểm để xuất hiện những thông tin này là lãi suất huy động đã đồng loạt giảm ngay sau công bố cắt giảm trần lãi suất của NHNN, trong khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao.

Điều này làm chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động càng lớn hơn, NH là đối tượng được hưởng lợi trong khi doanh nghiệp (DN) vẫn phải đối diện với khó khăn do chi phí lãi vay cao.

Áp trần lãi suất cho vay sẽ thu hẹp khoảng cách này và giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vốn cho DN. Dù chỉ là thông tin không chính thống nhưng suy luận này có vẻ hợp lý.

Song, việc áp trần lãi suất, dù là huy động hay cho vay, là mệnh lệnh hành chính và sẽ ít nhiều làm méo mó diễn biến cung - cầu thực trên thị trường.

Như vậy, theo một chuyên gia phân tích, để mặt bằng lãi suất cho vay giảm trước hết phụ thuộc vào sự thành công trong kiểm soát lạm phát và quá trình ổn định thanh khoản cho hệ thống NH.

Ngoài ra, trong bối cảnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2012 là dưới 17% (chỉ bằng 50% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các năm trước), nguồn cung tín dụng trong năm này sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Và do đó, sử dụng biện pháp áp trần lãi suất cho vay nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất tín dụng có thể dẫn đến hiện tượng “đi đêm” nhằm lách quy định trần lãi suất và làm mất ý nghĩa của biện pháp hành chính này.

Ngược lại, nếu để lãi suất tự điều tiết theo cung cầu thị trường sẽ góp phần thanh lọc các DN kinh doanh kém hiệu quả, các DN còn tồn tại sẽ là những DN kinh doanh tốt - đây sẽ là những DN không chấp nhận vay vốn bằng mọi giá.

Khi đó, lãi suất cho vay sẽ tự động được kéo giảm. Vì vậy, mọi ý kiến dường như đang nghiêng về khả năng NHNN sẽ không sử dụng biện pháp này. Thay vào đó, NHNN sẽ ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định thanh khoản cho hệ thống NH.

Khi đó, lãi suất cho vay sẽ tự động được kéo giảm mà không cần có sự can thiệp của các biện pháp hành chính.

Gánh nặng chi phí vốn vẫn còn

Lý do xuất hiện luận điểm trên cũng là do gần đây, dù các NH đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay, nhưng nhìn chung, lãi suất đầu ra tính đến thời điểm hiện nay vẫn khó giảm như kỳ vọng của Chính phủ và DN.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giải quyết căn cơ bài toán giảm lãi suất là ở vấn đề thanh khoản, ở các khoản nợ xấu của các NHTM yếu kém.

Nhưng hiện nay khó mong các NHTM tự xoay sở tìm vốn cho vay tiếp để giải quyết nợ xấu. Do vậy, ngay cả những NH tốt nhất cũng không mặn mà gia tăng lượng vốn cho vay dài hạn.

Theo đó, cánh cửa cho vay đối với bất động sản vẫn đang khép rất chặt. Một khi bất động sản chưa được giải quyết về tín dụng cho vay, hy vọng lãi suất rẻ cho các DN sản xuất vẫn còn xa vời.

Như vậy, dù hàng loạt NH đã hạ lãi suất cho vay, nhưng trong thực tế, chỉ có một tỷ lệ nhỏ DN được vay. Với một vài NH lớn, tỷ lệ cho vay lãi suất thấp có thể chiếm 15 - 20%, còn với nhiều NH nhỏ, gói tín dụng cho vay ưu đãi lại chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng quy mô tín dụng.

Nói đến đây để thấy rằng, nếu chưa xử lý được vấn đề thanh khoản của các NHTM yếu kém, thì việc NHNN kéo giảm mạnh trần lãi suất huy động càng ép các NHTM vi phạm trần lãi suất để giành vốn huy động lẫn nhau.

Nếu là khách hàng thân thiết, các NH vẫn ưu đãi lãi suất cao hơn mức thực tế 1 - 2%/năm. Chính vì thị trường vốn như vậy mà DN vẫn đang kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới trong nỗ lực tái cơ cấu các NHTM yếu kém, giúp giải quyết nhanh bài toán thanh khoản và lãi suất NH.

Nhiều NH công bố biểu lãi suất cho vay mới với mức giảm ấn tượng

- Sacombank giảm lãi suất cho vay VND đối với khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất tối thiểu 16,5%/năm với thời hạn vay tối đa 4 tháng. Lượng vốn dành cho chương trình là 1.000 tỷ đồng.

- HSBC Việt Nam giảm lãi suất các khoản vay dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà để ở, vay thế chấp, và vay mua xe.

Cụ thể, khách hàng lần đầu vay thế chấp với NH là 15,9%/năm và mức lãi suất dài hạn tốt nhất dành cho khách hàng vay thế chấp là 18,9%/năm.

Lãi suất cho vay dài hạn dành cho tất cả các khách hàng cá nhân đã được giảm 2% trong vòng vài tuần vừa qua…

- ABBank giảm ngay 1,5% lãi suất so với lãi suất ban hành của sản phẩm từng thời kỳ trong kỳ lãi đầu tiên ngay khi giải ngân. Đối tượng được vay vốn là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể.

- HDBank giảm lãi suất cho vay với nhiều đối tượng DN. Cụ thểm, giảm 1 - 2% lãi suất cho DN muốn vay bổ sung vốn lưu động. Giảm 2 - 2,5% cho các DN vay kinh doanh xuất nhập khẩu, tức là mức 17-18%/năm.

Đặc biệt, với chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ JBIC-JICA, các DN sẽ được HDBank tài trợ vay vốn kinh doanh, đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng... với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 15 - 16%/năm.


ANH NHIÊN