Dịch vụ lữ hành: Đánh 3, giữ 1
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:50, 24/03/2012
Thị phần của mảng dịch vụ lữ hành Việt Nam sẽ bị chia lại khi lộ trình WTO được thực thi hoàn toàn vào cuối năm nay.
Một chọi một?Tour Hàng Châu (Trung Quốc) của Vietravel - Ảnh: M.T
Trên thực tế, dịch vụ lữ hành chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu của một chương trình du lịch, 90% còn lại thuộc về khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi, giải trí, mua sắm... Với tỷ lệ 1:9 này, xem ra việc phát triển thị trường lữ hành là rất khó khăn.
Cuộc đua tranh này sẽ gay cấn hơn khi lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ Việt Nam, bao gồm dịch vụ du lịch theo cam kết gia nhập WTO đến thời điểm hoàn tất (31/12/2012).
Doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ bị cạnh tranh dữ dội vì những đối tác lớn trước đó sẽ trực tiếp đưa khách vào và tổ chức cho khách quốc tế đi tour tại Việt Nam.
Có DN thừa nhận: “Có đến 80% khách inbound của chúng tôi do đối tác nước ngoài gửi cho. Ở nhiều DN lữ hành lớn khác, tỷ lệ này lên tới 85 - 90%”.
Từ lâu, nhiều DN lữ hành nước ngoài đã tự mua vé máy bay, tự đặt phòng và trả tiền trực tiếp cho khách sạn tại Việt Nam, phía Việt Nam chỉ còn nắm được phần cung cấp hướng dẫn viên và ô tô.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), cho biết, trong tình hình hiện nay, nếu chọn giải pháp “một chọi một” chắc chắn DN nội sẽ “chết”. Bởi vì, hầu hết các DN lữ hành Việt Nam đều khá non tuổi nghề, không thể tách riêng hay hoạt động đơn độc.
“Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, đối với ngành du lịch, ta chỉ có được, không có mất. Vì vậy, đây chính là cơ hội để học hỏi từ cách tổ chức chuyên nghiệp, quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm mới, đào tạo nhân sự”, ông Thọ nói.
Đứng trước thời điểm mở cửa dịch vụ lữ hành, nhiều DN lữ hành nội cũng đã chọn giải pháp hợp tác để tồn tại và phát triển. Điển hình có Vietravel, Saigontourist, Du Lịch Việt...
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Bộ phận Truyền thông Vietravel, để tồn tại DN lữ hành phải có nhiều hệ thống trong lẫn ngoài nước.
Cụ thể, Vietravel cũng đã liên kết với các nhà phát triển dịch vụ du lịch ở Nha Trang, Hà Nội, Quảng Bình... và các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Singapore Airlines... để đẩy mạnh khai thác cả 3 thị trường nội địa, inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam), outbound (du lịch nước ngoài).
“Tuy nhiên, vì tính đặc thù, thế mạnh trong hệ thống phân phối, đối tác, nên các DN lữ hành sẽ rất khó hợp tác với nhau để cùng khai thác một thị trường, nguồn khách hàng”, ông Mẫn thừa nhận.
Lợi thế inbound
Theo đánh giá của các công ty du lịch, trong 3 phân khúc khách, gồm khách inbound, outbound và khách đi nội địa, phân khúc mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho ngành du lịch chính là inbound. Vì vậy, nhiều người xem du lịch như ngành xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ.
Còn với outbound, chỉ có DN lữ hành tổ chức tour được lợi nhuận. Theo cam kết WTO, các DN cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ inbound và lữ hành nội địa đối với khách nước ngoài vào du lịch Việt Nam.
Vì thế, DN trong nước vẫn còn nguồn khách hàng khá lớn là khách nội địa. “Doanh thu của lượng khách inbound dự kiến năm 2012 sẽ là 32 triệu USD. Do đó, nếu chịu khó đầu tư về quản lý, điều hành, khai thác dịch vụ, cải thiện thêm về giá... chắc chắn lợi thế sẽ về tay các DN Việt Nam”, ông Thọ nhận định.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết, năm 2012 dự đoán vẫn là năm khó khăn cho các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch nhưng TP.HCM vẫn đặt chỉ tiêu đón 3,78 triệu lượt khách quốc tế. Ngành sẽ tăng cường công tác quảng bá xúc tiến nước ngoài, tập trung đầu tư hơn vào các thị trường trọng điểm gần, tiềm năng mới như Đông Bắc Á, ASEAN, Nam Á, Trung Đông... nhằm khai thác tối đa lợi thế về thị trường khi các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam. |
Song, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã Ngoại Lửa Việt, TP.HCM hiện có khoảng 20.000 DN hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, nhưng chỉ có vài trăm DN hoạt động hiệu quả, còn lại rất nhiều DN làm ăn chộp giựt, cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, đây sẽ là giai đọan cạnh tranh có “sàng lọc”.
Theo ông Trần Long, Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt, sắp tới, các DN lữ hành nội cần phải chọn phân khúc khách hàng để phát triển, vì đa dạng hóa ngành nghề đã không còn phù hợp.
Ngoài 8 văn phòng đại diện tại Việt Nam phụ phụ khách nội địa, Du Lịch Việt cũng đang bắt đầu triển khai các văn phòng đại diện tại Mỹ, Úc, Canada và Hà Lan.
Trong khi đó, ngoài 3 văn phòng đại diện đã mở tại Mỹ, Thái Lan và Campuchia, Vietravel cũng đang tiếp tục triển khai “Chiến lược 2011 - 2015” là mở 15 văn phòng đại diện ở các nước khu vực Đông Nam Á, châu Âu và khai thác một số thị trường tiềm năng như: Ấn Độ, Nga... Dự kiến, ngoài khách hàng outbound chiếm 60% doanh thu năm 2011, năm 2012, Vietravel sẽ tiếp tục đẩy mạnh khách inbound.