Nạn phá rừng gây thiệt hại 10-15 tỉ USD mỗi năm
Quốc tế - Ngày đăng : 00:56, 09/04/2012
Theo một báo cáo mới nhất dày 56 trang của Ngân hàng Thế giới (WB), nạn phá rừng ngày càng đáng báo động: cứ mỗi hai giây trôi qua, rừng trên hành tinh của chúng ta mất đi một diện tích bằng một sân bóng đá! Mức độ thiệt hại do tệ nạn này gây ra lên đến 10-15 tỉ USD mỗi năm.
Cứ mỗi hai giây qua đi, có một khoảnh rừng bằng sân bóng đá bị tàn phá |
Bên cạnh đó, nó làm đảo lộn cuộc sống của cộng đồng cư dân ở cạnh những cánh rừng bạt ngàn - nơi nhiều thế hệ cha ông họ đã ra công bảo tồn.
Đất bị xói mòn, lũ lụt không bị rừng khống chế một cách hiệu quả, tính đa dạng sinh học của rừng bị giảm thiểu, khí hậu nóng lên… là những hậu quả nhãn tiền mà con người phải hứng chịu từ chính sự lầm lỡ của mình.
Tại một số quốc gia như Campuchia, Indonesia, Papua New Guinea, Gabon, Bolivia, Ecuador, Peru… lượng gỗ khai thác bất hợp pháp chiếm 70 - 90% tổng số gỗ đốn hạ trong nước, sự thất thu của ngân sách nhà nước gia tăng đồng thời với mức độ tham nhũng liên quan đến hoạt động phá rừng.
Báo cáo của WB nêu rõ nhiều hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp được tiến hành theo những phương cách tương tự với các băng nhóm tội phạm có tổ chức trong lĩnh vực buôn lậu, ma túy… phần lớn không bị phát hiện, có phát hiện thì không được báo cáo hoặc làm ngơ.
Theo Jean Pesme, viên chức điều hành nhóm Hợp nhất Thị trường Tài chính của WB, để ngăn chặn nạn phá rừng, phải áp dụng các biện pháp từng được dùng để chống lại các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Thêm vào đó, sự hợp tác của các doanh nghiệp và người tiêu thụ sản phẩm gỗ giữ một vai trò quan trọng trong việc mang lại tính hiệu quả cho các biện pháp do chính phủ đề ra.
Cách đây ba năm, luật Lacey của Mỹ được tu chính, theo đó, tất cả những công ty hoạt động trong nước đều có trách nhiệm phải chứng minh tính hợp pháp của nguồn gỗ do họ sử dụng. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp đang bị điều tra, trong đó có cả hãng làm đàn nổi tiếng Gibson Guitar.
Liên minh châu Âu (EU) cũng áp dụng những biện pháp tương tự, số công ty phải chứng minh tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng ngày càng nhiều.
Gần đây, một báo cáo của nhóm chuyên gia tư vấn Chatam House trụ sở đặt tại London (Anh) cho biết nhờ những nỗ lực trên mà nạn phá rừng đã giảm 25% so với cách nay tám năm. Họ thúc giục Nhật Bản vốn là nước tiêu thụ gỗ hàng đầu thế giới sớm đưa ra luật lệ về vấn đề khai thác và sử dụng gỗ.
Nước châu Á thứ hai bị gây sức ép là Trung Quốc. Cách đây hai năm, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) phát hiện một lượng giường ngủ bán ra tại Bắc Kinh có trị giá lên đến 1 triệu USD được làm bằng gỗ khai thác bất hợp pháp tại Madagascar.
Các tổ chức hoạt động về môi trường cũng yêu cầu WB đánh giá lại các hoạt động tín dụng đang mang về cho chính họ những lợi nhuận liên quan đến việc đốn hạ cây rừng nhiệt đới.
Giám đốc chương trình thuộc tổ chức Rainforest Action Network là Lindsey Allen cho rằng chính WB và Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC đã tài trợ cho việc mở mang cơ sở hạ tầng của những khu vực sản xuất có liên quan đến nạn phá rừng như bột giấy hay dầu cọ…
Nạn tham nhũng trong thành phần viên chức chính phủ, kể cả các chính khách cao cấp, cũng được điểm mặt. Các cải cách về quản lý rừng sẽ không thể đạt được mục tiêu đặt ra nếu như không ngăn chặn được nạn tham nhũng ở cấp cao và việc khai thác rừng phục vụ cho mục tiêu chính trị.
Tại một số nước thuộc lưu vực sông Congo, nhiều bộ trưởng và chính khách cao cấp dính líu tới hoạt động phá rừng. WB cũng công nhận điều đó, song trong thời gian qua, họ đã không có những biện pháp mạnh mẽ để đối phó với tệ nạn này.