Sojitz làm gì sau khi nắm cổ phần chi phối tại Hương Thủy?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:33, 12/04/2012
Làn sóng các nhà đầu tư Nhật Bản đến và mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam đang rộ lên. Những con số như 25% cổ phần của Nutifood, 48% của Giấy Sài Gòn, 57% của Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế, hay 95% của Diana lần lượt được bán cho các đối tác người Nhật.
Vừa qua, một trong những Tập đoàn thương mại đa ngành hàng đầu Nhật Bản, Sojitz, đã công bố thông tin tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Hương Thủy, nhà phân phối thực phẩm lớn của Việt Nam, từ 25,01% lên 51%. Ông Hiroshi Taniguchi, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sojitz Việt Nam cho biết:
* Được biết, sau khi nắm cổ phần chi phối tại Hương Thủy, Sojitz đặt mục tiêu tăng doanh thu của công ty này từ 4 tỷ Yên năm 2011 lên 20 tỷ vào năm 2016. Cơ sở nào để các ông đưa ra mức tăng này?
- Chúng tôi cũng đang bàn chiến lược để giúp Hương Thủy đạt được con số trên. Hệ thống phân phối của Hương Thủy hiện nay tuy lớn nhưng chưa có một quy trình chuẩn, Sojitz sẽ cùng đối tác Kokubu (nhà phân phối thực phẩm hàng đầu của Nhật nắm 19% cổ phần tại Hương Thủy) chuẩn hóa lại trên toàn hệ thống này.
Thế mạnh của chúng tôi là mối liên hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp Nhật Bản (kể cả những công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam), do đó, chúng tôi sẽ tăng cường các loại hàng hóa từ Nhật. Chắc chắn sẽ có nhiều sản phẩm từ Kokubu vào Việt Nam trong thời gian tới.
Mức sống của người Việt Nam đã được cải thiện khá nhiều và dần có những thay đổi trong sở thích ăn uống, ngày xưa chủ yếu là ăn no nhưng trong tương lai lại chú trọng đến lượng đạm nhiều hơn. Chúng tôi sẽ chú trọng cung cấp các sản phẩm dựa trên tiêu chí này.
* Việc mua thêm 25,99% cổ phần lần này là đi theo lộ trình hay chỉ mới xuất phát?
- Sau khi sở hữu 25,01% cổ phần từ Hương Thủy vào năm 2007, chúng tôi có đề xuất mua thêm. Mục tiêu của chúng tôi là muốn nắm giữ quyền chi phối trong Hội đồng quản trị công ty. Theo đó, trong tháng 5 này, người từ phía Sojitz sẽ nắm giữ vị trí Tổng giám đốc của Hương Thủy.
* Tính đến thời điểm hiện nay, vốn đầu tư của Sojitz vào thị trường Việt Nam là bao nhiêu, thưa ông?
- Sojitz là công ty thương mại đầu tiên của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam (năm 1986).
Hiện nay, chúng tôi đang nắm cổ phần của 23 công ty tại Việt Nam, trong đó, có 17 công ty liên doanh với tỷ lệ nắm giữ từ 20% trở lên, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: điện, dầu khí, phân bón (Việt - Nhật), hạ tầng khu công nghiệp (khu công nghiệp Long Bình, Long Đức - Đồng Nai), bột mì (nhập khẩu và bán lại cho các nhà sản xuất bánh tại Việt Nam), cảng, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc...
17 công ty này khá quan trọng, có phần lợi nhuận cao; với tổng giá trị đầu tư khoảng 100 triệu USD (không bao gồm khoản đầu tư mới đây vào Hương Thủy). Riêng 6 công ty còn lại, chúng tôi sở hữu tỷ lệ cổ phần không đáng kể, từ 5 - 15%.
* Nói về mảng thức ăn gia súc, được biết, trước khi đầu tư nhà máy sản xuất tại Long An, Sojitz Corporation cũng đã mua lại 10% cổ phần của Sichuan New Hope Agribusiness Co.,Ltd tại Campuchia, phải chăng Sojitz đang tập trung chủ yếu vào mảng này?
- Chúng tôi sẽ phát triển song song các ngành, nhưng trước mắt, Sojitz phải hoàn thành nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Năm 2011, Sojitz đã đầu tư 24 triệu USD để xây nhà máy ở Long An, thông qua việc kết hợp với đối tác sản xuất thức ăn gia súc từ Nhật Bản là Công ty Kyodo.
Đây cũng là doanh nghiệp lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài. Nhà máy này đang xây dựng, với công suất 200.000 tấn/năm. Dự kiến, trong tương lai, chúng tôi sẽ tăng công suất lên gấp 3 lần (có thể mở rộng đầu tư nhà máy mới).
Trước mắt, Sojitz chỉ tập trung vào việc sản xuất còn mảng nuôi trồng và sản xuất thực phẩm tươi sống theo chu trình khép kín là câu chuyện của tương lai. Phần lớn, sản phẩm của nhà máy tại Long An để phục vụ cho thị trường nội địa.
* Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của hoạt động đầu tư đa ngành của Sojitz tại Việt Nam?
- Nếu đã là đầu tư đa ngành thì cũng có cái thành công và có cái thất bại, sẽ không có một chuẩn nào để xác định rằng tất cả các khoản đầu tư đều đi đến thành công. Đôi khi, doanh nghiệp đã tìm hiểu thị trường khá kỹ lưỡng nhưng vẫn có nhiều nguyên nhân khách quan tác động dẫn đến tính hiệu quả thấp.
Việt Nam là một thị trường rất khó để tìm hiểu, giá cả nhìn chung bất ổn, tăng liên tục, những sản phẩm cao cấp khó lòng cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại, giá thành thấp nhưng không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, sự lên xuống của tỷ giá cũng tác động mạnh đến nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề gọi vốn đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Do đó, để đánh giá tiềm năng, nhà đầu tư vẫn thường nhìn vào dân số của Việt Nam là chủ yếu.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Thủy là một công ty bán lẻ thực phẩm lớn tại Việt Nam với mạng lưới vận chuyển trên toàn quốc và 12 cơ sở trung chuyển sản phẩm chuyên cung cấp thực phẩm, đồ uống cho khoảng 40.000 cửa hàng trên cả nước. Dự kiến vào năm 2016, Sojitz sẽ nâng doanh thu bán hàng của Hương Thủy từ mức 4 tỷ yên trong năm 2011 lên mức 20 tỷ yen, đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng mạng lưới cung cấp hàng thực phẩm cho Myanmar, Campuchia và dần mở rộng ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á. |