Ngân hàng thừa vốn - Doanh nghiệp khó vay

Trong nước - Ngày đăng : 09:51, 25/04/2012

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối quý I-2012, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,39%, trong khi tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng lại giảm 1,96% so với cuối năm 2011.
Ngân hàng thừa vốn - Doanh nghiệp khó vay

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối quý I-2012, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,39%, trong khi tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng lại giảm 1,96% so với cuối năm 2011. Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vốn thừa nhưng cho vay khó. Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, điều này cho thấy mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế khá thấp.

>>NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Vòng vốn quay quá thấp

Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng vay mua nhà.

Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), mặc dù các ngân hàng đã giảm mạnh mức lãi suất cho vay, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (DN) chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong những tháng đầu năm 2012 có dư nợ cho vay nền kinh tế giảm mạnh, tính đến cuối quý I-2012 giảm khoảng 2% so với cuối năm 2011.

Theo TS Trần Du Lịch, hiện các NHTM, nhất là nhóm G12 đang thừa vốn nhưng không thể cho vay. Có 3 lý do khiến DN không thể vay vốn:

Thứ nhất là do DN có nợ xấu lớn, hiện nợ chồng nợ, nợ cũ chưa trả nên không thể vay được nợ mới.

Thứ hai là nhiều DN đủ điều kiện được vay, có khả năng trả nợ nhưng không vay vì không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa tồn kho còn nhiều do đó phải thu hẹp sản xuất.

Thứ ba là các DN có thị trường tiêu thụ, có khả năng vay vốn nhưng lại không vay vì lãi suất hiện tại còn quá cao.

“Hiện các ngân hàng cũng đang ra sức thu hồi những món nợ quá hạn cũ và hạn chế tối đa những món nợ quá hạn phát sinh mới để kiểm soát nợ xấu” - TS Trần Du Lịch nói.

Sau khi trần lãi suất huy động giảm xuống 12%/năm, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 1% – 2,5%/năm, còn khoảng 15%/năm – 16%/năm đối với cho vay ngắn hạn thông thường. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho biết sức hấp thụ vốn của DN hiện giảm mạnh vì các DN không có nhu cầu vay. “Hàng tồn còn quá nhiều, sức cầu giảm mạnh, sản xuất thì đình đốn nên DN chẳng vay để làm gì” - đại diện Ngân hàng Eximbank giải thích.

Ngân hàng ACB cũng cho biết dư tiền cho vay nhưng chưa thể giải ngân vì DN hiện không còn nhu cầu như trước. Còn đối với những DN “vay bằng mọi giá” lúc này thì các ngân hàng rất ngại rủi ro nên không cho vay. Nhiều NHTM cho rằng, thà giữ tiền lại còn hơn cho vay để rồi mất.

Về việc này, theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề mấu chốt là ở chỗ hiện vòng quay đồng vốn hiện xuống quá thấp, chỉ 0,8 lần so với mức 2,5 lần trước đây.

Điều này cho thấy sự sợ hãi đang gia tăng, tính phòng thủ đang bao trùm thị trường. TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, đa số DN đều thiếu vốn và đều trông chờ vào vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng bản thân DN cũng phải tính toán đến khả năng trả nợ nên khi thấy thật sự cần thiết mới vay.

Tiền đi đâu?

Không tìm được DN đáp ứng nhu cầu cho vay, thời gian qua, các NHTM đã tìm nơi “trú ẩn an toàn” đó là trái phiếu và tín phiếu chính phủ. Từ giữa tháng 3/2012, NHNN đã phát hành tín phiếu với các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng và đã hút về tổng cộng 45.000 tỷ đồng. Ở kênh trái phiếu chính phủ, khối lượng phát hành cũng khá lớn, từ đầu năm đến nay đã khoảng 30.000 tỷ đồng.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết, để đón đầu lãi suất huy động hạ, thời gian qua, các ngân hàng đã mua trái phiếu và tín phiếu chính phủ để chọn giải pháp an toàn cho mình.

Theo TS Trần Du Lịch, thời gian qua, các đợt phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm lãi suất 11,5%/năm đều được các NHTM mua hết. “Việc ứ đọng này không chỉ do mặt bằng lãi suất còn cao, mà còn vì ngân hàng sợ rủi ro khách hàng không trả được nợ. Đây cũng là những lý do giúp cho việc phát hành tín phiếu vừa qua rất thuận lợi” - TS Trần Du Lịch nhận định.

Để giải quyết vấn đề ứ đọng tiền, nhiều NHTM vốn thừa nhưng không cho vay được nên buộc phải giảm lãi suất đầu vào để hạ chi phí đầu ra nhằm kích thích tăng trưởng.

Ngoài ra, hiện các NHTM cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất thấp hơn 16%, tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một NHTM, việc dư thanh khoản tại các NHTM chỉ là tạm thời và khó thể dự đoán diễn biến của nó trong thời gian tới, nhất là sau khi trần lãi suất huy động giảm còn 12%/năm và tiến tới chỉ còn 10% vào cuối năm.

Vì hiện các NHTM nhỏ đang phải đối diện với áp lực rút tiền của người gửi để chuyển sang các NHTM có uy tín, kênh tiền gửi ngân hàng cũng đang mất dần sức hấp dẫn khi NHNN điều hành chính sách lãi suất theo lạm phát mục tiêu chứ không phải lạm phát kỳ vọng do đó dòng vốn tiền gửi sẽ được điều chuyển qua các kênh đầu tư khác có lợi hơn.

 Công ty TNHH Gỗ sấy Minh Lam tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết, hiện công ty này vay với lãi suất 17% - 18%/năm nhưng rất cân nhắc vì ngoài trang trải các chi phí khác, trong tình hình khó khăn hiện nay với mức lãi suất này công ty thật sự kham không nổi.

Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương cho biết, mặc dù tiền sử dụng vào phát triển vùng nuôi cá tra thời gian qua không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, nhưng hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất cho vay quá cao nên các DN trong ngành đang thiếu vốn trầm trọng: không có tiền nuôi cá, mua nguyên liệu chế biến nên phải giảm công suất, giảm hợp đồng.