Ai thiệt, ai hơn?

Tài chính, chứng khoán, ngân hàng - Ngày đăng : 04:32, 07/05/2012

Thông thường, lợi nhuận ngân hàng (NH) quý I thường thấp nhất trong các quý của năm. Vậy mà năm nay, những kết quả NH công bố trong đại hội cổ đông cho thấy, nhiều NH đã khởi động mạnh hơn những năm trước cho dù bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn...
Ai thiệt, ai hơn?

Thông thường, lợi nhuận ngân hàng (NH) quý I thường thấp nhất trong các quý của năm. Vậy mà năm nay, những kết quả NH công bố trong đại hội cổ đông (ĐHCĐ) cho thấy, nhiều NH đã khởi động mạnh hơn những năm trước cho dù bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn... Trong đó, điểm đáng chú ý trong quý I năm nay là thu nhập từ góp vốn mua cổ phần gia tăng đáng kể.

Đọc E-paper

Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH âm 1,96% - Ảnh: Quý Hòa

Nâng lợi nhuận  nhờ chứng khoán

NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trong báo cáo hợp nhất cho thấy, lợi nhuận 3 tháng đầu năm 2012 đạt 225 tỷ đồng, gần gấp 1,5 lần cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này tăng đột biến, lên 68 tỷ đồng (so với 9,6 tỷ đồng cùng kỳ 2011).

Mặc dù thu nhập lãi thuần vẫn chiếm ưu thế, nhưng các khoản mục kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận sự tăng vọt về giá trị. Hoạt động kinh doanh ngoại hối kỳ này đạt gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2011 chỉ có gần 1,7 tỷ đồng.

Tương tự, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kỳ này đạt khoảng 4,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2011 chỉ vẻn vẹn hơn 40 triệu đồng. Song song đó, việc hồi phục của thị trường chứng khoán còn được phản ánh ở sự gia tăng trong giá trị các khoản đầu tư góp vốn.

Điều này góp phần không nhỏ mang đến lợi nhuận của khối NH lớn. Điển hình như tại Vietcombank là con số 174 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ.

Phía sau lợi nhuận, dữ liệu về nợ xấu của các NH hiện công bố trong báo cáo tài chính cho thấy vẫn ở giới hạn cho phép, nghĩa là lợi nhuận của NH sẽ tiếp tục tăng ngoài dự kiến của nhiều cổ đông. Chẳng hạn, ACB cho biết lợi nhuận kinh doanh quý I đạt 960 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm 2011, nhưng trị số tuyệt đối không lớn nên sau khi trừ chi phí, NH vẫn đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế quý này của ACB là 725 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 50 tỷ đồng.

ACB cũng cho biết, NH có tỷ trọng nợ xấu thấp nhất trong số các thành viên đã công bố, với mức 1,1%. Tương tự, với VietinBank và MB, con số này đứng ở mức khoảng 1,8%, gần với con số của Eximbank...

Nhìn vào số liệu thống kê quý I/2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH âm 1,96% so với cuối năm 2011; chỉ số hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước... Các con số trên chứng tỏ doanh nghiệp (DN) không hấp thụ được vốn nên khá dễ hiểu tại sao hệ thống NH phải tìm cách khai thông đầu ra.

Tiếp tục xoay trở đầu ra

Thông tư 13 (khoản 7-8-9, điều 8) có nói rõ, tổng dư nợ cho vay chứng khoán không được vượt quá 20% vốn điều lệ NH. Dự thảo thông tư mở khá thoáng (điều 9): khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tỷ lệ an toàn trong hoạt động, NH được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá cho khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Và tổng dư nợ cho vay chứng khoán “không vượt quá tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

Thế nhưng, thông điệp các NH phát đi trong thời gian tới, khối NH sẽ tiếp tục ưu tiên tín dụng cho những lĩnh vực đang giúp họ kiếm lợi nhuận để đảm bảo kế hoạch của cả năm. Như vậy, có thể dự đoán, sắp tới, các hồ sơ vay cầm cố chứng khoán sẽ tiếp tục dồn dập được đưa qua NH.

Theo nguồn tin từ một công ty chứng khoán tại TP.HCM, hiện số nhà đầu tư (NĐT) vay cầm cố chứng khoán đã tăng lên, số tiền vay cũng nhiều hơn so với năm 2011.

Thừa nhận sự hồi sinh trở lại của thị trường chứng khoán sẽ kéo theo rất nhiều điểm tích cực như giúp các DN có thể huy động vốn tốt hơn, chứng khoán phục hồi cũng giúp thanh khoản trên thị trường BĐS được cải thiện...

Tuy nhiên, nhận định chung của các chuyên gia và công ty chứng khoán đều cho rằng, xu hướng của thị trường hiện nay là tăng, giảm xen kẽ nhau và có thể còn kéo dài thêm một thời gian.

Do vậy, đây vẫn là thời điểm khá nhạy cảm để NĐT ra quyết định vay vốn NH để giao dịch, vì xu hướng chưa rõ ràng. Nói khác hơn, NĐT cần chờ đợi để xem xu hướng mới như thế nào thì sẽ ít người đi vay cầm cố chứng khoán để đầu tư tiếp.

“Có thể, lãi suất cho vay như hiện nay cũng không phải là quá cao, vì chỉ cần thị trường trong một tháng tăng vài phiên là họ kiếm dư được 10 - 15%. Vấn đề chính là ở thời điểm này, xu hướng thị trường chưa rõ ràng, NĐT dùng đòn bẩy tài chính sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro. Vì một khi thị trường càng tăng điểm thì độ rủi ro trong việc dùng đòn bẩy tài chính càng gia tăng”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định.

Quý I/2012 kết thúc với báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều NH. Hầu hết các NH trong nhóm được khảo sát đều cho kết quả lợi nhuận tăng trưởng khá so với quý I/2011, ngoại trừ Vietcombank có lợi nhuận giảm. Tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất là Vietinbank với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 60%. Mức tăng ở các NH còn lại từ 7-24%. Vietcombank lợi nhuận sau thuế giảm 4% so với cùng kỳ.

QUỲNH VŨ