Vườn Minh Trân: Cầu nối văn hóa Việt - Nhật

Đời thường - Ngày đăng : 09:52, 21/05/2012

Nằm cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng chục cây số, vườn Minh Trân của doanh nhân Việt kiều Nguyễn Trí Dũng không chỉ là nơi quen thuộc với bạn bè thân hữu, mà còn là một địa chỉ văn hóa được nhiều người biết đến qua nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa.
Vườn Minh Trân: Cầu nối văn hóa Việt - Nhật

Nằm cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng chục cây số, vườn Minh Trân (51 Cống Lở, quận Tân Bình) của doanh nhân Việt kiều Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Công ty Công nghệ cao Minh Trân không chỉ là nơi quen thuộc với bạn bè thân hữu, mà còn là một địa chỉ văn hóa được nhiều người biết đến qua nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa.

Đọc E-paper

Một góc vườn Minh Trân với nhà sàn rợp bóng cây xanh

Là người từng sống xa quê hương, đã hiểu thế nào là sức mạnh văn hóa nên khi trở về, một trong những việc đầu tiên ông Dũng làm là xây dựng một khu vườn - nơi được ông xem là Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam ra sức vun vén, chăm chút với tất cả niềm say mê.

Ông biến vườn Minh Trân thành một làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả thu nhỏ với không gian đậm màu hoài cổ và dân giã, nhưng được trang bị công nghệ hiện đại để làm việc, đón tiếp đối tác nước ngoài.

Ông bày tỏ: “Có may mắn là được sống và làm việc ở Nhật Bản trong một thời gian dài, nhưng tôi tự hào mình là người Việt Nam và bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm nhịp cầu văn hóa giữa hai nước”.

Học hỏi tinh thần Nhật Bản

Không gian triển lãm tranh

Nhiều năm qua, điều ông Dũng tâm huyết nhất là làm cầu nối văn hóa Việt - Nhật dưới nhiều hình thức. Những trải nghiệm khi sống ở nước bạn, những bài học quý báu về “tinh thần Nhật Bản” được ông sẵn lòng chia sẻ với mọi người để gửi đi thông điệp rằng đằng sau thành tựu thần kỳ về kinh tế của nước bạn là sức mạnh sâu sắc về văn hóa.

Vì vậy, người Việt chúng ta cũng rất cần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - thứ tài sản tạo nên sức mạnh đặc biệt để vươn tới mọi thành công. Vừa năm ngoái, Nhật Bản khiến cả thế giới phải cảm phục khi họ lập tức đứng dậy tái thiết cuộc sống sau thảm họa sóng thần.

Một năm sau, khi nhiều người vẫn chưa thể quên được tai họa quá khủng khiếp đó, thế giới lại phải thừa nhận chính “tinh thần Nhật Bản” đã giúp họ mạnh mẽ vươn lên và lại làm nên những điều kỳ diệu khác. Đó là điều rất đáng khâm phục và đáng để học hỏi.

Trong năm qua, ông Dũng đã nhiều lần quay trở lại Nhật Bản, đến những vùng xảy ra thảm họa để tập hợp thông tin, hình ảnh, sau đó biên tập thành những tư liệu hình ảnh trung thực, xúc động. Chẳng hạn, câu chuyện về một nhóm học sinh trung học, thay vì cùng nhau đi thi hợp xướng toàn quốc vào ngày 18/3/2011, các em đã đồng lòng bỏ dự thi để đến hát cổ vũ tinh thần cho những người dân đang sống tạm tại các trại trị nạn.

Bà Ngọc Vân giới thiệu tranh của các em thiếu nhi với ông Harumitsu HIDA - Tổng lãnh sự Nhật Bản

Bài hát Cái gọi là ngày mai thể hiện sự lạc quan của con người có giai điệu rất đẹp, còn lời ca có đoạn nói rằng nếu nhìn lên trời, chúng ta thấy những cành cây nhỏ mang những trái nặng trĩu, còn nhìn xuống những con đường, dù bị bao nhiêu người đi qua giẫm đạp lên nhưng cỏ vẫn mọc xanh.

Ông chia sẻ: “Hầu như dân tộc nào cũng có tinh thần lá lành đùm lá rách, nhưng thứ rất giá trị mà người dân Nhật Bản có để trở nên mạnh mẽ hơn chính là sức mạnh tinh thần”.

Vì vậy, theo ông, không phải đợi đến khi mình giàu có mới giúp đỡ được người hoạn nạn, mà bất cứ lúc nào cũng có thể tiếp thêm sức mạnh cho họ. Truyền thống văn hóa của đất nước ta rất đẹp, rất đáng tự hào và ông đã mang đến những giá trị văn hóa ấy đến với Nhật Bản, giúp họ thêm yêu cuộc sống, thêm tin tưởng vào ngày mai.

Sự sẻ chia từ Việt Nam

Trong những hoạt động văn hóa của vườn Minh Trân, tháng này có một sự kiện đặc biệt hướng về Nhật Bản. Đó là triển lãm tranh thiếu nhi theo chủ đề “Chia sẻ với nhân dân Nhật Bản sau thảm họa”, diễn ra từ ngày 12/5 đến 1/6 (khách tham quan từ 9 giờ đến 16 giờ, từ thứ Hai đến thứ Bảy).

Đây cũng là một sự hữu duyên tình cờ khi ông Dũng thấy được những bức tranh rất ý nghĩa này tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh. Đó là một phần kết quả của cuộc thi “Nét vẽ xanh” lần thứ 14 do Thư viện Khoa học tổng hợp phối hợp với bảo tàng nói trên tổ chức cho thiếu nhi từ 5 đến 15 tuổi.

Năm nay, ban tổ chức nhận được 286 ngàn bức tranh và trong số các tác phẩm dự thi có khoảng 50 bức vẽ về tai họa sóng thần ở Nhật Bản. Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nhìn nhận: “Năm mươi bức tranh tại triển lãm này không phải là những bức xuất sắc nhất, thậm chí ở đó còn nhiều nét vẽ vụng về, ngây ngô, nhưng tình cảm chân thành của các em thì thật đáng quý. Các em vẽ bằng sự cảm nhận hồn nhiên mà người lớn khi xem có khi phải suy nghĩ nhiều”.

Nét vẽ hồn nhiên của các em thiếu nhi chứa đựng nhiều thông điệp có ý nghĩa về môi trường xanh, hòa bình và tình hữu nghị - Ảnh: T. An - Hải Yến

Có mặt tại buổi chia sẻ thông tin, ông Harumitsu HIDA - Tổng Lãnh sự Nhật Bản cũng đã bày tỏ sự tri ân đến nhân dân Việt Nam, đặc biệt là vườn Minh Trân và chủ nhân đã dành những tình cảm ưu ái để chia sẻ tình cảm với nhân dân Nhật Bản theo cách rất có ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Huê - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân Sài Gòn, người đã có dịp đến Nhật Bản để hợp tác đầu tư cũng đồng tình rằng các hoạt động giao lưu văn hóa đã làm cho hai nền văn hóa Việt - Nhật ngày càng gần gũi hơn.

Giới doanh nhân ngày nay không chỉ làm kinh tế, mà cũng tích cực hướng đến các hoạt động văn hóa vì đó là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

Có thể ví vườn Minh Trân là một mảnh đất ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo, những giấc mơ mang tên Việt Nam. Trên hành trình kiến tạo giấc mơ ấy, chủ nhân khu vườn cần mẫn góp nhặt tinh hoa từ khắp nơi để làm phong phú thêm cho không gian thuần Việt mà ông vun đắp.

THU NGÂN