Bỏ phiếu tín nhiệm để hiện thực hóa quyền lực nhân dân
Trong nước - Ngày đăng : 06:19, 05/06/2012
Bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu ra, bao gồm cả Thủ tướng và Chủ tịch nước, đang là đề tài không chỉ làm “nóng” kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII (từ ngày 21/5 đến 21/6/2012) mà còn tạo sự quan tâm đặc biệt đối với nhiều tầng lớp nhân dân.
Đại biểu tại kỳ họp Quốc hội |
Nhiều người cho rằng đây chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá liệu quyền lực nhà nước có thực sự thuộc về nhân dân hay không. Do vậy, cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm phải được xây dựng sao cho việc bỏ phiếu tín nhiệm thực sự trở thành công cụ của Quốc hội để kiểm soát quyền lực Chính phủ.
Từ năm 2001, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó bổ sung nội dung: “Bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” tại Điều 84 Khoản 7.
Sau đó, tại Điều 12, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội”.
Ngày 1/11/2010, khi đề cập đến Tập đoàn Vinashin, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Thuyết (tỉnh Lạng Sơn) đã đề nghị Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, để cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên liên quan.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời bằng công văn cho ĐB Minh Thuyết rằng: “Chưa cần thiết trình Quốc hội việc thành lập ủy ban lâm thời để điều tra vụ Vinashin”. Vậy là 10 năm kể từ ngày Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực, đến nay, Quốc hội vẫn chưa một lần thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Hiện nay, không chỉ Quốc hội mà ngay cả Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang mong muốn Quốc hội sớm có cơ chế cụ thể để có thể thực hiện được quyền giám sát và kiểm soát quyền lực của Chính phủ. Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua đã khẳng định rõ quyết tâm này của
Ban Lãnh đạo Đảng với nhận định “có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, hư hỏng, biến chất cần phải xử lý”.
Một trong những định hướng xử lý “một bộ phận không nhỏ” ấy là việc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội kịp thời và thường xuyên. Tuy nhiên, theo các ĐB, dù Quốc hội có thẩm quyền phê duyệt, bổ nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, song trên thực tế, lại không có toàn quyền quyết định về nhân sự cao cấp, còn việc bỏ phiếu tín nhiệm, thực hiện quyền bãi miễn thì trong nhiều năm qua hầu như Quốc hội chưa làm được.
Lấy phiếu tín nhiệm chính là thể hiện năng lực và bản lĩnh của người lãnh đạo. Cần phải xây dựng thói quen người lãnh đạo nếu hoàn thành tốt công việc thì giữ được tín nhiệm, nếu không thì phải ra đi.
Đổi mới bao giờ cũng có quá trình, đụng đến những cách làm cũ không dễ, nhưng làm dần sẽ quen. Như hoạt động chất vấn, trước đây coi là nặng nề, nhưng giờ đây đã trở thành bình thường. Phải bỏ cái mặc cảm bị tín nhiệm thấp, để cổ gắng phấn đấu.
Điều 84, Khoản 7, Hiến pháp 1992 trong nhiều năm qua đã cho thấy rõ sự bất cập, không áp dụng được vào thực tế. Vì vậy, theo tôi cần xem xét, bổ sung các nội dung sau vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này và dự thảo đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Thứ nhất, cần bổ sung quy định: “Bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được diễn ra thường xuyên sau mỗi kì họp”. Không thể chậm trễ, muốn minh bạch hóa, hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm cần phải được tiến hành thường xuyên, thực chất, bất kể lúc nào nếu cần, chứ không nhất thiết là một năm tổ chức một lần có tính hình thức, vì nếu trách nhiệm không được làm rõ một cách kịp thời, đó sẽ là nguyên nhân để nhiều sai lầm tiếp tục tái diễn và để lại tác hại lâu dài.
Thứ hai, nên giảm tỷ lệ phần trăm tổng số ĐB Quốc hội kiến nghị (thay vì mức quá cao là 20% hiện nay) và cho phép có một thời gian nhất định để thảo luận, bàn bạc công khai lấy ý kiến về việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Thứ ba, cần thành lập một ủy ban điều tra của Quốc hội. Thiết chế này sẽ là cơ quan độc lập, hoạt động thường xuyên và góp phần cung cấp những thông tin xác thực cần thiết cho ĐB Quốc hội làm căn cứ phản biện hoặc bỏ phiếu tín nhiệm.
Thứ tư, nếu chỉ quy định bỏ phiếu tín nhiệm, đấy mới chỉ là một nửa của vấn đề. Cần phải tạo lập một cơ chế hai chiều, cần bổ sung thêm quy định thăm dò tín nhiệm, cho phép Thủ tướng có thể được tự tổ chức thăm dò tín nhiệm tại Quốc hội nếu cần thiết.
Khi số phiếu tín nhiệm không đạt quá bán, Hiến pháp có thể quy định cho phép Thủ tướng từ chức, bầu Thủ tướng mới, hoặc cho phép Thủ tướng tiến hành cải tổ Chính phủ một thời gian (tối đa khoảng 6 tháng), sau đó Quốc hội sẽ tiến hành xem xét bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ hai. Nếu tỷ lệ tiếp tục không đạt, Quốc hội có thể quyết định miễn nhiệm Thủ tướng và bầu Thủ tướng mới.
Thứ năm, Hiến pháp cần quy định rõ sự gắn kết giữa trách nhiệm của Đảng và trách nhiệm của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách phát triển đất nước và đồng thời chịu trách nhiệm về những chính sách ấy. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 83 Hiến pháp 1992), do vậy Quốc hội phải hoàn toàn độc lập trong việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.