Vườn quốc gia Cát Tiên-Viên ngọc xanh cần được bảo vệ

Du lịch - Ngày đăng : 05:30, 18/06/2012

Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích 71.350ha, trong đó Nam Cát Tiên rộng 39.627ha, Cát Lộc (Lâm Đồng) rộng 27.530ha và Tây Cát Tiên (Bình Phước) rộng 4.193ha.
Vườn quốc gia Cát Tiên-Viên ngọc xanh cần được bảo vệ

Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên có tổng diện tích 71.350ha, trong đó Nam Cát Tiên (Đồng Nai) rộng 39.627ha, Cát Lộc (Lâm Đồng) rộng 27.530ha và Tây Cát Tiên (Bình Phước) rộng 4.193ha. Ở đây đã có một đơn vị chuyên chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gien động vật, thực vật rừng; nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, môi trường; tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái.

Đọc E-paper

Nhờ đó, VQG Cát Tiên đã trở thành viên ngọc xanh, có tầm ảnh hưởng quan trọng không chỉ về môi trường mà còn đến cuộc sống của cộng đồng trong khu vực. Từ năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong VQG Cát Tiên là vùng đất ngập nước quan trọng thứ 1.499 của thế giới.

Viên ngọc xanh

Hệ thực vật trong rừng của VQG Cát Tiên có 1.610 loài, các loài cây gỗ chủ yếu thuộc họ dầu, họ đậu, họ bằng lăng…, trong đó có 31 loài có tên trong sách đỏ (gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai, giáng hương, vên vên, dầu song nàng…).

Riêng thảm thực vật đất ngập nước là sinh cảnh tuyệt vời đối với các loài động thực vật thủy sinh, cá nước ngọt, cá sấu, các loài chim nước, các loài thú lớn quần cư ở ven bàu vào mùa khô.

Hệ thú bao gồm 105 loài có quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Nguyên. Các loài thú móng guốc dễ quan sát có bò tót, voi, nai, heo rừng, cheo cheo, mễnh…, trong đó có 39 loài nằm trong sách đỏ như bò tót, voi, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, cu li nhỏ…).

Trong số 351 loài chim thì 31 loài có tên trong sách đỏ (gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, công, gà so cổ hung, hạc cổ trắng…). Bò sát có 109 loài (có tên trong sách đỏ 20 loài), động vật lưỡng cư có 41 loài (có tên trong sách đỏ ba loài), rồi 159 loài cá (có tên trong sách đỏ tám loài, đặc biệt cá rồng là loài có tên trong sách đỏ IUCN), 756 loài côn trùng…

VQG Cát Tiên là nơi đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công chương trình phục hồi loài cá sấu nước ngọt.

Đặt chân đến VQG Cát Tiên, chúng tôi có cảm giác rất ấn tượng với cảnh vật hoang sơ, thanh bình và hệ động thực vật đa dạng ở đây.

Ông Nguyễn Đình Quốc Việt - Phó giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc VQG Cát Tiên cho biết hằng năm trung tâm này đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Trong một ngày mưa như hôm chúng tôi đến vẫn có nhiều nhóm học sinh vào rừng dã ngoại. Tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, các em thắc mắc khi thấy có những con gấu, linh trưởng bị mất tay, mờ mắt, bị stress, thấy người thì hoảng sợ hoặc ngược lại, có ý định tấn công. Khi được hướng dẫn viên giải thích nguyên nhân là do con người gây ra, các em rất ngạc nhiên.

Cứu tinh của động vật hoang dã

Tập cho gấu trở lại bản năng hoang dã như thế này là một công việc rất khó khăn

Động vật hoang dã tại VQG Cát Tiên đa số là những loài vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, cần được bảo vệ. Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở VQG Cát Tiên ngay từ ngày ra đời đã được xem là vị cứu tinh của động vật hoang dã.

Theo hướng dẫn của ông Lương Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm, chúng tôi lên thuyền đến đảo Tiên. Đảo rộng khoảng 30ha, được xây dựng làm nơi cứu hộ linh trưởng, đi vào hoạt động từ năm 2008.

Anh Đỗ Ngọc Thắng - nhân viên chăm sóc vườn thú cho biết nơi đây tiếp nhận, nuôi dưỡng những loài linh trưởng có khả năng tuyệt chủng cao như vượn đen má vàng, chà vá chân đen, voọc bạc và một số loài nhỏ hơn như cu li.

Đa số những con thú này bị nuôi giữ trái phép, buôn bán qua biên giới được các cơ quan chức năng phát hiện, giữ lại và đưa về trung tâm.

“Sau khi tiếp nhận, chúng tôi tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi bản năng của từng loài để thả chúng về với thiên nhiên.

Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng thành công. Bởi có những con bị nuôi nhốt lâu quá hoặc nhốt từ bé, bị mất bản năng hoang dã nên không tự kiếm sống được, buộc chúng tôi phải nuôi tại trung tâm” - anh Thắng cho biết.

Sau khi chăm sóc, phục hồi tốt, mỗi con linh trưởng sẽ được gắn một con chip để theo dõi trước khi thả về rừng. Cái khó khác là làm sao để khi đem con vật thả về rừng hòa nhập được với bầy đàn (vì nếu không được bầy đàn chấp nhận, con mới thả sẽ bị cả bầy đánh chết).

Trong sổ ghi chép tại trung tâm, những cái tên cả Tây lẫn ta, hình ảnh của từng con vượn, cu li như Samee, Luat, Biên, Meilee, Misu, Charlie, Lucy… được ghi chép cẩn thận, từ đặc điểm nhận dạng đến những tính cách riêng. Hiện trên đảo Tiên có hai khu vực bán hoang dã, một khu rộng khoảng 2.000m2 có hàng rào điện tử để chăm sóc và khu bán hoang dã rộng 20ha để thả linh trưởng.

Đến Trung tâm Cứu hộ gấu, chúng tôi lại được nghe những câu chuyện đáng thương về số phận của những con gấu đang được chăm sóc ở đây. Cuộc đời chúng được hồi sinh từ khi chúng được chuyển đến trung tâm này, bởi trước đó chúng bị con người bóc lột đến cùng kiệt, bị lấy mật, cắt tay…

Trong khu chuồng trại, những con gấu ngựa to lừng lững đi tới, đi lui nhìn khách tham quan đầy cảnh giác, vài con nằm yên. Anh Trần Văn Quảng - nhân viên chăm sóc gấu cho biết đó là những con mới được chuyển về, còn đang trong giai đoạn chăm sóc, điều trị bệnh.

Trong số 35 con gấu mới tiếp nhận thì Trạm Kiểm lâm Gia Lai chuyển đến bảy con, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai chuyển tám con và từ Trảng Bom cũng tám con, số còn lại được nhập vào lẻ tẻ, khi một con, lúc hai con. Vào khu bán hoang dã, nơi gấu được nuôi dưỡng, chăm sóc trước khi thả về rừng, chúng tôi thấy có con leo thoăn thoắt lên thân cây cao tới năm, bảy thước rồi ngồi trên chạc ba, có con nằm trên chuồng tạm.

Nghe tiếng anh Quảng gọi, con Quậy bật dậy, chạy quanh vòng rào như biểu diễn. Anh Quảng kể rạch ròi lai lịch từng con gấu một, con nào cũng có hồ sơ bệnh án khá nặng. Chúng tôi còn thấy một con báo hoa mai đang độc chiếm một khu riêng, có vẻ khỏe mạnh và phục hồi được bản tính hoang dã sau thời gian dài được chăm sóc tận tình.

Báo hoa mai - động vật quý hiếm bị nuôi giữ trái phép trước khi Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Cát Tiên tiếp nhận

“Việc thả thú về rừng không đơn giản, vì con nào khi về trung tâm cũng trong tình trạng suy kiệt thể chất và tinh thần. Sau khi trị bệnh xong, chúng tôi đưa chúng ra khu vực bán hoang dã và chọn ra những con thích hợp để ghép thành gia đình rồi mới thả hẳn vào khu hoang dã. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tìm được nơi an toàn để thả sao cho chúng không bị bắt lại nữa. Việc này cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương” - ông Hiến chia sẻ.

Đối mặt với các thách thức

Khoảng 60% diện tích nước ta là rừng và đất rừng, có vai trò quan trọng đối với sinh kế của cộng đồng cư dân và nền kinh tế quốc gia. Nhưng hiện tại, rừng đang bị suy giảm, xuống cấp nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân (tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, áp lực dân số tăng, ý thức về bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức…).

VQG Cát Tiên cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nếu không có kế hoạch phát triển lâu dài lẫn các biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ khó tránh khỏi khả năng bị xâm hại, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và hệ sinh thái nơi đây.

Đó là tình trạng còn nhiều hộ dân sống sâu trong VQG (khu Cát Lộc), đất rừng vẫn bị xâm lấn, rừng vẫn bị phá để biến thành đất làm nông nghiệp, do đó vùng cư trú của các loài động vật hoang dã cứ bị giảm đi, chưa kể việc chăn thả gia súc trong vườn còn gây mầm bệnh và tranh giành thức ăn của các loài thú móng guốc hoang dã. Tình trạng ô nhiễm nước do việc sử dụng phân bón, hóa chất cho sản xuất nông nghiệp cũng đáng báo động.

Thời gian gần đây, kế hoạch xây dựng các đập thủy điện và việc khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai càng làm tăng nguy cơ thay đổi chế độ thủy văn của hệ đất ngập nước của VQG Cát Tiên.

Về mặt quản lý, sự phối hợp kiểm soát giữa vườn với một số ngành tại địa phương còn chưa đồng bộ. Mong sao những bất cập đó được xử lý sớm để VQG Cát Tiên mãi được gọi bằng cái tên đẹp: Viên ngọc xanh!

THUẬN AN