Khi nào nên sử dụng MRI?

Sống khỏe - Ngày đăng : 00:18, 12/07/2012

MRI (hay cộng hưởng từ - CHT) là một kỹ thuật chẩn đoán mới có nhiều ưu thế so với các biện pháp X-quang quy ước hay chụp cắt lớp điện toán. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ này thế nào cho hợp lí và tốt cho sức khỏe bệnh nhân đang là điều mà nhiều người quan tâm...
Khi nào nên sử dụng MRI?

MRI (hay cộng hưởng từ - CHT) là một kỹ thuật chẩn đoán mới và hiện đại, có nhiều ưu thế so với các biện pháp X-quang quy ước hay chụp cắt lớp điện toán. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ này thế nào cho hợp lí và tốt cho sức khỏe bệnh nhân đang là điều mà các phòng khám đa khoa quốc tế như Yersin chú trọng hơn bao giờ hết.

Cuộc trao đổi với Thạc sĩ – Bác sĩ Hồ Hoàng Phương, Giảng viên ĐHYD kiêm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, tư vấn chuyên môn tại Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin về việc sử dụng các thiết bị này trong quá trình khám chữa bệnh cho các bệnh nhân sẽ phần nào giải đáp được một số thắc mắc của bạn đọc trong thời gian qua.

Xin bác sĩ cho biết, cộng hưởng từ (CHT) là gì? Và nó được dùng trong những trường hợp nào?

- CHT dịch từ chữ MRI (Magnetic Resonnance Imaging) là một kĩ thuật tạo nên hình ảnh từ sự cộng hưởng của các prtoton trong cơ thể khi đặt vào từ trường rất mạnh. Việc sử dụng thiết bị này cho phép bác sĩ “nhìn” vào bên trong bệnh nhân nhằm khảo sát các hệ thống cơ quan và tìm ra bệnh lí một cách dễ dàng hơn.

Trong quá trình chụp, bệnh nhân được đặt trong lồng máy có từ trường cao, các nguyên tử trong cơ thể sẽ cộng hưởng với sóng vô tuyến và phát ra tín hiệu. Tín hiệu này sau đó được ghi nhận và xử lý bởi hệ thống vi tính để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.

Đây là phương tiện chẩn đoán không xâm lấn, không gây đau, thời gian chụp có thể từ 25 – 45 phút.

CHT được ứng dụng khảo sát trong hầu hết các hệ thống cơ quan, nhưng chỉ định ưu thế và rộng rãi trong các bệnh lí thuộc hệ thần kinh trung ương (diễn tiến tai biến mạch máu não, u não, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh..), thuộc hệ cơ xương khớp (khảo sát rất tốt mô mềm, đĩa đệm, dây chằng, sụn khớp…), các bệnh lí gan mật, các cơ quan thuộc vùng chậu (tử cung, buồng trứng, tiền liệt tuyến,..)…

Tuy nhiên không phải lúc nào bệnh nhân cũng được chỉ định chụp CHT, tùy theo bệnh cảnh lâm sàng và hệ cơ quan cần khảo sát mà các chuyên gia Chẩn đoán hình ảnh sẽ tư vấn lựa chọn loại kĩ thuật phù hợp để khảo sát tốt nhất.

Theo bác sĩ, CHT có an toàn với bệnh nhân không? Làm thế nào để hạn chế khả năng ảnh hưởng của nó tới vấn đề sức khỏe của bệnh nhân?

-

CHT sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để ghi hình nên đây là phương tiện không gây đau đớn, không xâm lấn cơ thể và hiện nay chưa ghi nhận tác hại của CHT đối với cơ thể.

Tuy nhiên, do sử dụng nam châm mạnh, cơ thể chúng ta có thể bị ảnh hưởng nếu có các vật kim loại được cấy ghép bên trong cơ thể. Bệnh nhân cần thiết phải đọc kỹ và cung cấp thông tin chính xác cho nhân viên y tế tại phòng chụp về các thông tin: có đặt máy tạo nhịp tim, cấy ghép thiết bị điện tử, mảnh kim khí trong cơ thể…

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi đến chụp CHT?

- Do sử dụng nam châm rất mạnh, tất cả các thiết bị có tính kim loại phải được bỏ ra ngoài trước khi vào phòng CHT cùng với tất cả các vật dụng cá nhân khác. Tại phòng khám, bệnh nhân sẽ được đề nghị cung cấp thông tin trong bảng câu hỏi dành cho chụp CHT, việc cung cấp các thông tin này nhằm giúp chúng tôi chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân còn được trao đổi thêm với bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh về các vấn đề trong quá trình chụp như máy vận hành có thể hơi ồn, cảm giác sợ khoảng không, cách tương tác với kĩ thuật viên,…

Tuy nhiên, bệnh nhân đừng lo lắng và cố gắng nằm yên không cử động để hình ảnh được tốt và hiển nhiên nếu bệnh nhân cảm thấy quá khó chịu phải báo ngay cho đội ngũ y bác sĩ nhờ hệ thống camera và microphone theo dõi được gắn bên trong lồng máy.  

R.V