Ký họa chiến tranh VN tại triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới
Đời thường - Ngày đăng : 01:49, 24/07/2012
Với dự án mang tên “Ánh sáng và niềm tin” của Lê Quang Đỉnh, lần đầu tiên trong lịch sử gần 60 năm của triển lãm dOCUMENTA mới có một cái tên Việt Nam xuất hiện tại sự kiện nghệ thuật lớn này.
Được coi là triển lãm nghệ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới hiện nay, dOCUMENTA diễn ra cứ mỗi năm năm tại thành phố Kassel (Đức), bắt đầu từ 1955, mười năm sau khi kết thúc chế độ phát xít Đức.
Những cuộc tranh luận Poster giới thiệu triển lãm của Lê Quang Đỉnh và hai nghệ sĩ Sopheap Pich, Randy Vattana (Campuchia) tại dOCUMENTA (13)
Khi đó, ông Arnold Bode, giáo sư Đại học Kassel cùng với nhà sử học nghệ thuật Werner Hafmann đã đề xướng một sự khảo sát tổng quan về cái được cho là “dân chủ” trong thế giới nghệ thuật phương Tây.
Chính từ đề xướng ấy mà triển lãm dOCUMENTA ra đời ngay tại Kassel, thành phố bị tàn phá hầu như toàn bộ trong Thế chiến thứ II bởi là nơi đặt tổng hành dinh của một binh đoàn quốc xã Đức đồng thời là trạm trung chuyển các tù nhân của chế độ Hitler đến trại tập trung - lò thiêu người khét tiếng Dachau.
Bảo tàng Fridericianum ở Kassel là bảo tàng nghệ thuật đầu tiên của nước Đức (được xây dựng trong những năm 1769-1776), vì thế cũng trở thành đống gạch vụn.
Để tổ chức kỳ triển lãm đầu tiên, Arnold Bode và các cộng sự đã đi đến nhiều nước tìm chọn các tác giả và tác phẩm phù hợp với tiêu chí của sự kiện nghệ thuật này.
Vào thập niên 1950, người ta chưa hình dung được dOCUMENTA lại có được một tương lai rực rỡ cũng như tác động mạnh mẽ của nó qua những lần tổ chức.
Tiếng đàn của nghệ sĩ Thanh Điền - ký họa của Huỳnh Phương Đông (1966) |
Nếu như triển lãm dOCUMENTA (1) có sự tham dự của 148 nghệ sĩ với 670 tác phẩm, thu hút 130.000 khách thưởng ngoạn thì con số nghệ sĩ và công chúng đến với các kỳ dOCUMENTA về sau ngày càng tăng.
Năm 1992, dOCUMENTA (9) có tới 616.000 người xem; dOCUMENTA (12) năm 2007 có lượng người xem lên đến 751.000. Và dOCUMENTA (13) diễn ra từ 9/6 đến 16/9 năm nay theo ước tính sẽ có lượng khách tham quan vượt trội.
Không giống như bất kỳ triển lãm quy mô lớn nào, dOCUMENTA luôn can dự trực tiếp vào các cuộc tranh luận nghệ thuật đương thời, chấp nhận mọi cách tiếp cận nghệ thuật khác nhau và luôn sẵn sàng để nổ ra những tranh cãi.
Trong suốt quá trình gần sáu thập niên tồn tại của mình, những cuộc tranh luận sôi nổi luôn diễn ra. Năm 1959, dOCUMENTA (2) đã gây sốc khi bàn về chủ nghĩa trừu tượng mà theo các lý thuyết gia của loại hình nghệ thuật này thì đó là “ngôn ngữ toàn cầu”.
Trong những năm Chiến tranh lạnh, đó là cuộc bàn luận về chủ nghĩa “hiện thực xã hội chủ nghĩa” mà Liên Xô (trước đây) và các quốc gia Đông Âu lúc bấy giờ khởi xướng.
Xe tăng M.41 bị phá ở Cầu Xéo - ký họa của Trương Hiếu (1968) |
Đến dOCUMENTA (5) là cuộc trao đổi gay cấn chung quanh chủ đề “Những môn đệ của tranh và những người miệt thị tranh”, khi mà các loại hình nghệ thuật phi truyền thống như sắp đặt, trình diễn… bắt đầu có tiếng vang.
Năm 2002, tại dOCUMENTA (11) là cuộc thảo luận chung quanh các điều kiện chính trị - xã hội và tác động của toàn cầu tới tác phẩm nghệ thuật. Năm 2007 dOCUMENTA (12) là vấn đề xu hướng thị trường của nghệ thuật và các nghệ sĩ “ngoại biên”…
Còn theo bà Carolyn Christov-Bakargiev, giám tuyển của dOCUMENTA (13) thì triển lãm lần này không dựa trên quan điểm cá nhân của nhà tuyển trạch, mà là “một sự tập hợp đa dạng chất liệu, phương pháp và các hình thái kiến thức” nhằm kết nối lại “những bản thể không đồng nhất” cũng như “các điều kiện nghịch lý của cuộc sống hiện nay”.
Lê Quang Đỉnh tại dOCUMENTA (13)
Nghệ sĩ thị giác Lê Quang Đỉnh, đồng giám đốc Sàn Art tại TP. Hồ Chí Minh, đã mang tới dOCUMENTA (13) những bức ký họa chiến tranh của 11 tác giả được anh sưu tầm trong nhiều năm; đó là ký họa được vẽ bằng màu nước, bột màu và mực nho trong những năm kháng chiến chống Mỹ của các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Vũ Giáng Hương, Lê Lam, Quang Thọ, Nguyễn Thụ, Nguyễn Thanh Châu, Quách Phong, Nguyễn Toàn Thi, Trương Hiếu, Phan Oánh, Dương Ánh, Minh Phương, Kim Tiến, trong số đó có những tác giả đã qua đời.
Trong cuộc trò chuyện với bà Carolyn Christov-Bakargiev, Lê Quang Đỉnh cho biết:
“Tôi đã được xem một số bức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và luôn thán phục kỹ năng mà các tác giả thể hiện trong tranh. Tuy nhiên tôi còn tìm thấy sự quyến rũ của phong cảnh bình dị được vẽ trong các ký họa ấy. Ngay cả khi ký họa thể hiện con người, cũng không hề có bạo lực nơi họ.
Cuối năm 2005, khi Catherine de Zegher tổ chức cuộc triển lãm về chiến tranh Việt Nam (tại gallery Main ở khu SoHo, New York), tôi đã được mời tham gia. Bà Catherine de Zegher đã quyết định đưa vào triển lãm một số bức ký họa ấy. Thế là tôi cùng với bà tới Hà Nội để gặp một số họa sĩ, và điều đó càng khiến tôi hứng thú với tranh ký họa chiến tranh”.
Từ đó Lê Quang Đỉnh bắt đầu sưu tập tranh ký họa và đến nay anh đã sở hữu khoảng 70 bức.
Trong triển lãm tại dOCUMENTA (13), anh đã mang tới hơn 100 tranh, ngoài số ký họa trong sưu tập của anh còn có những bức được các tác giả cho mượn “đặc biệt là những ký họa rất riêng tư đối với họ và họ không muốn bán chúng đi.
Có một họa sĩ đã nói với tôi rằng: bán tranh đi như bán những người bạn của mình. Tôi nghĩ, khi các họa sĩ ngày một cao tuổi thì những ký họa ấy càng có ý nghĩa đối với họ” - Lê Quang Đỉnh cho biết.
Các ký họa được anh tổ chức thành một triển lãm sắp đặt và đi cùng với nó là một video clip dài 35 phút, qua đó các nghệ sĩ kể lại sự ra đời của những ký họa ấy. Họ vừa vẽ vừa cầm súng chiến đấu và luôn mong mỏi được trở về với cuộc sống bình thường sau khi chiến tranh chấm dứt.
Họ luôn chờ đợi ngày hòa bình với một niềm hy vọng hệt như nhau. Và đó chính là câu chuyện về “ánh sáng và niềm tin” mà Lê Quang Đỉnh đã mang đến triển lãm dOCUMENTA (13).
Phòng triển lãm "Ánh sáng và niềm tin" của Lê Quang Đỉnh |