Ban hành bộ luật PPP: Tiếng gọi từ thực tiễn
Pháp luật - Ngày đăng : 03:59, 08/08/2012
Đầu tư theo hình thức “Đối tác công tư” (Public Private Partnership - PPP) tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Điều này xuất phát không chỉ từ cách thức triển khai, mà còn từ cơ chế pháp lý.
Công tư thấp thỏmEVN còn quá “ôm đồm” việc quản lý nguồn năng lượng cho cả nước khiến ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam không có cơ hội phát triển
Theo thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ có 14 dự án (chiếm 1,28%) đầu tư theo hình thức PPP. Theo Economist Intelligence Unit, PPP Việt Nam dường như... chưa có gì khi chỉ số vận dụng PPP là 26,3 trong số 100 điểm. So với 16 nước khảo sát trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam chỉ đứng trên Mông Cổ và Papua New Guinea.
Khúc mắc lớn nhất hiện nay của PPP Việt Nam là Luật Hợp tác đầu tư PPP. Xét về mặt chính sách, Việt Nam hiện chưa phải là nơi để các nhà đầu tư “rót tiền” vào các dự án.
Các chính sách thu hút còn mờ nhạt, chưa minh bạch và chưa mang tính khuyến khích, thậm chí còn nhiều rủi ro. Trong khi đó, các ngành Việt Nam hướng đến hợp tác PPP như năng lượng, hạ tầng... đều cần một lượng vốn khổng lồ.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu 2011, chính một phần vì thiếu vốn khiến chất lượng hạ tầng của Việt Nam chỉ xếp 90 trên tổng số 142 nước, thua xa Malaysia, Thái Lan... Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1,5 tỷ USD cho việc nâng cấp hệ thống hạ tầng.
Đây chưa hẳn là một con số lớn so với những “đại gia” đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư tư nhân lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng, thị trường đầu tư đầy khó khăn, chưa kể các vấn đề về mặt bằng, phí “lót đường”, giá cả, đầu ra sản phẩm, thu hồi vốn... không được đảm bảo thì việc các nhà đầu tư tư nhân nói “không” với Việt Nam là hoàn toàn dễ hiểu.
Cần “bàn tay pháp luật”
Dù Chính phủ nhiều lần hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, ưu tiên cho mô hình PPP phát triển, nhưng khi thực hiện các dự án kiểu PPP, các nhà đầu tư tư nhân phải chịu áp lực bởi nhiều nguy cơ về xây dựng, đấu thầu, đàm phán...
Trường hợp đấu thầu dự án nhà máy điện Nghi Sơn năm 2009 là một ví dụ khi các nhà đầu tư đã phải chờ đợi ròng rã một năm trời để hoàn thành khâu thủ tục. Chính vì lý do thiếu an toàn pháp lý nên các nhà đầu tư chưa thể an tâm rót tiền.
Theo kiến nghị của TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Việt Nam nhất thiết nhanh chóng xây dựng ban hành Luật Đối tác công tư. Đạo luật này cần đảm bảo những nội dung về lĩnh vực hợp tác cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia đầu tư PPP.
Theo đó, Nhà nước cần có một cơ sở pháp lý chắc chắn để ràng buộc những nghĩa vụ của tư nhân cũng như đảm bảo được những lợi ích cần thiết mà tư nhân có thể chấp nhận được và đồng ý tham gia vào hợp đồng hợp tác PPP.
Khi đó, nếu có tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư tư nhân sẽ có thể tìm tới trọng tài, thẩm phán để giải quyết. Điều này đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ không có nguy cơ đánh mất tất cả và an tâm tham gia vào cuộc chơi.
Theo thống kê Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong 7 tháng đầu năm chỉ ở mức 8,3 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kỳ năm 2011. Sự suy giảm từ 19,9 tỷ USD năm 2010 xuống con số đáng thất vọng như vừa nêu trong lúc FDI toàn cầu tăng từ 1,24 ngàn USD đến 1,6 ngàn tỷ USD trong cùng thời gian cho thấy FDI tại Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng thế giới. |
Hiện nay, đây là khâu quan trọng và gặp nhiều trở ngại nhất trong quá trình triển khai PPP. Những hợp đồng PPP thường là dài hạn, ngắn thì 1-2 năm, dài thì 25-30 năm, cộng với sự đa dạng lĩnh vực hợp tác, PPP đang “đánh đố” tầm nhìn của nhà hoạch định.
Cần có bộ luật đảm bảo để tư nhân an tâm tham gia hợp tác lâu dài, song cũng hạn chế những mặt tiêu cực tạo ra khi tư nhân chạy theo lợi ích mà không hoàn thành trách nhiệm.
Bên cạnh đó, bộ luật cần quy định rõ các điều khoảng về nội dung hợp tác xây dựng - khai thác của các bên nhằm tránh một số tiêu cực từ sử dụng PPP để “đút túi riêng”.
Điển hình là trường hợp một số doanh nghiệp tư nhân nạo vét lòng sông quá mức để lấy cát xây dựng, hay doanh nghiệp đến từ Indonesia khai thác than thượng phẩm ở Quảng Ninh khiến Nhà nước nói chung và nhân dân nói riêng tỏ thái độ e dè trước Hợp tác công - tư.
Bộ luật Đầu tư hình thức PPP khi đưa ra phải đảm bảo quyền lợi và trách nghiệm trong mối quan hệ hai chiều Nhà nước - tư nhân. Đặc biệt, cần xác định đây là mối quan hệ tương hỗ chứ không phải là chính phụ dù vai trò quản lý, giám sát của Nhà nước là vô cùng quan trọng, không thể tách rời.
BOT Phú Mỹ chính là ví dụ cho thấy Nhà nước đã chưa làm thực hiện đúng cam kết hoàn thành đường dẫn khi chiếc cầu hoàn thành trước tiến độ.
Rõ ràng, đang rất cần một giải pháp trong quá trình xây dựng khung pháp lý cho PPP mà Việt Nam cần tiến hành bây giờ chứ không phải là “thời gian tới”.