Cà phê cóc Sài Gòn
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 04:25, 11/08/2012
![]() |
1. Ngã tư phố sá Đà Nẵng. Cà phê cóc đặt ngay đó. Phông màn đại cảnh của cà phê cóc là một quán cơm gà của người Tiều. Mùi hương liệu và khói bay ám nguyên con phố. Bên cạnh còn một xe nước mía, sạp bán phụ tùng xe máy và hai chú thợ nhỏ học nghề cần mẫn lau chùi mấy cái vành xe.
![]() |
Thỉnh thoảng đến đây nhìn vào bức tường loang trước từng là chỗ ngồi đặc quyền của nhà văn hóa “Đàng Trong”, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Khi những lưu dân trở lại, nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Ai muốn gặp ông, phải đến đây buổi sáng. Ông ngồi đó, tiếp tất cả các nhà văn hóa nổi tiếng, các nhà sử học, các doanh nhân vì hâm mộ ông mà chịu đến quán vỉa hè giản dị này. Nhà văn mất ba năm thì quán cà phê tan.
Khách cũ không có ông, không bị ông lôi vào cuộc tranh luận bất ngờ thì thấy cà phê nhạt hẳn. Nghe nói trước khi nghỉ bán, cô chủ quán có than ngồi pha cà phê mà không có cái giọng trêu cợt của nhà văn già cất lên, cô thấy mất tự tin khi đưa cho khách ly cà phê vài nghìn đồng nhiều nước đá. Thì ra gu người uống cà phê Đà Nẵng đã thay đổi. Trước thì cô hàng cà phê đẹp, quán đông khách. Nay có người thú vị, cà phê sẽ ngon!
2. Mỗi lần ghé vào Sài Gòn, lê la đủ quán. Có chỗ là chủ định đến, như cà phê hẻm Trịnh chẳng hạn, vì một thời nó đối diện cơ quan, nhưng chủ yếu ở đó có những nhân vật thú vị. Bảy giờ sáng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thường ghé vào với chiếc xe Vespa cổ của ông, áo cánh dơi phấp phới, mắt hấp háy tìm bạn.
Buổi sáng mà gặp Phạm Văn Hạng thì may lắm, ông luôn thiêu đốt người ta bằng những ý tưởng. Nói may vì ông là mẫu người luôn làm cho chúng ta suy nghĩ, có lúc hào hứng suốt ngày. Ông nói toàn chuyện vui thật vui, không công kích ai và cái gì. Có hôm ngồi ở Sài Gòn mà tôi với ông nói toàn chuyện sơn phết thành phố Đà Nẵng. Ông bảo đề nghị một hãng bán sơn tài trợ, quét tất cả các tòa cao ốc khu trung tâm 100 thứ màu sắc.
Bàn bên còn có mấy nhà thơ nổi tiếng theo nhiều cách khác nhau. Một cô giáo dạy dương cầm, nhiều họa sĩ. Nhưng ấn tượng nhất là mỗi sáng thứ Bảy lại được ngồi rỉ rả cà phê cóc ở hẻm Trịnh với một bạn chân dị tật bán vé số suốt năm ngày, cuối tuần nghỉ xả hơi đi cà phê như mọi công dân Sài Gòn khác.
Bạn bán vé số này đặc biệt ở chỗ là dân chơi xe, có hiệu xe máy mới xuất xưởng thấy vừa mắt là bạn đổi xe ngay. Lúc mới nhìn lần đầu, thật không biết tại sao bạn có thể dắt nổi những chiếc xe to kềnh như thế. Cái đặc biệt khác là bạn nói chuyện cực vui, bàn về đủ bộ sưu tập, từ xe máy qua máy ảnh đến những chiếc đồng hồ cũ, rồi bàn ủi miền Tây thời Pháp mới qua.
Thắc mắc với cô bạn thân của gã, cô thản nhiên: “Sài Gòn mà, ai cũng phải làm việc gì đó chớ, nếu chân bị tật không làm gì được to tát thì bán vé số, có sao!”.
3. Cô bạn nói đúng, chỉ có cà phê Sài Gòn thì nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng ngồi với cậu bán vé số, và các nhà văn thì vui vẻ tán chuyện với cậu lái taxi quê miền Tây lên thành phố kiếm sống.
Anh taxi không chút mặc cảm, kể ngay câu chuyện chiếc taxi chở khách là chỗ ngủ đêm, cốp xe là tủ quần áo, chỗ đựng đồ cá nhân. Mỗi chiều anh ghé vào quán ăn quen, chen lấn với các cô phục vụ bếp tắm vội ít phút. Mỗi sáng tiêu chuẩn hai ly trà đá vỉa hè, một để đánh răng, một để uống kèm cà phê.
Rời chiếc taxi thì chỉ có chiếc ghế quán cóc. Đời nhẹ tênh, không cần mặc cảm, không vất vả tìm chỗ cao sang vẫn có bạn sang. Đó là cà phê cóc Sài Gòn!