Các tín đồ mua sắm châu Á đến lúc “thắt lưng buộc bụng”
Quốc tế - Ngày đăng : 05:23, 21/08/2012
Dân châu Á chi tiêu dè dặt hơn, đe dọa đặt ra những rủi ro mới cho nền kinh tế khu vực.
Người tiêu dùng xếp hàng bên ngoài một cửa hiệu Louis Vuitton ở Hồng Kông hồi đầu năm nay |
Người tiêu dùng châu Á đã góp phần giữ nhịp tăng trưởng nền kinh tế nước mình khi hoạt động xuất khẩu sang thị trường Âu-Mỹ, vốn từ lâu là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế khu vực, giảm tốc. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy, người tiêu dùng châu Á chi tiêu dè dặt hơn, và đây đúng là tin xấu cho khu vực được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại.
Báo Wall Street Journal cho biết, người Hàn Quốc đang mua ít xe hơi đi, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc giảm mua quần áo mới. Tại các cửa hiệu Louis Vuitton ở Hồng Kông, cảnh tượng xếp hàng đã giảm đáng kể.
Chưa kể, số tiền đặt cược tại các sòng bạc ở Macau và Singapore, nơi được xem là một hàn thử biểu về độ chịu chi của du khách Trung Quốc, đã tăng trưởng chậm lại so với 3 năm trước.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, trong mấy tháng gần đây, hoạt động chi tiêu từng rất rầm rộ của người châu Á đã chững lại. Nhiều nhân viên bán hàng và chủ doanh nghiệp cho hay, họ đã cảm nhận được tác động từ sự thận trọng của người tiêu dùng.
“Sức chi tiêu đã giảm so với trước. Có lúc khách hàng đến và dùng chung đồ ăn với nhau. Một số trước đây vẫn gọi rượu vang, giờ chỉ kêu nước lọc”, ông Shawkat Imran, đầu bếp kiêm đồng sở hữu một chuỗi nhà hàng Italy ở Hồng Kông, than thở.
Ông Imran cũng cho biết, số khách hàng lui tới các cửa hiệu đồ ăn Italy của ông chưa giảm, nhưng số tiền mà họ chi đã giảm 20%.
Sự thay đổi tâm trạng của người tiêu dùng châu Á mới diễn ra ở cấp độ nhẹ, và chưa có những bằng chứng rõ rệt cho thấy sự lao dốc của chi tiêu như một số nước châu Âu như Tây Ban Nha và Hy Lạp. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế châu Á, tăng trưởng tiêu dùng đã lùi khỏi những mức cao trước đó.
Nếu tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ tiếp tục suy giảm và bức tranh thương mại của châu Á trở nên u ám hơn, thì người tiêu dùng châu Á rốt cục sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn.
Theo cựu chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Nigel Chalk, sự suy giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng châu Á, tuy chưa bị hầu hết các nhà kinh tế học xem là đáng kể, sẽ “là một rào cản tiếp theo cho các nền kinh tế châu Á.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, kinh tế khu vực châu Á, không bao gồm Nhật Bản, sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, so với mức 7,2% trong năm 2011, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Phần lớn sự giảm tốc này xuất phát từ sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu.
“Chúng tôi không nhận thấy sự suy giảm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở châu Á, nhưng cũng không nhận thấy triển vọng sáng sủa. Hiện không có khủng hoảng việc làm ở đây”, ông Terry O’Connor, Giám đốc điều hành của hãng bán lẻ hàng điện tử và nội thất Courts Asia ở Singapore và Malaysia phát biểu.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, triển vọng thị trường việc làm của châu Á cũng đã đi xuống. Một cuộc thăm dò do công ty tuyển dụng Achieve Group của Singapore thực hiện cho thấy, 2/3 trong tổng số 450 công ty được hỏi đã ngừng tuyển thêm nhân sự cho tới hết năm.
6 tháng trước, chỉ có một nửa số công ty có kế hoạch này. Một số chuyên gia cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp chính thức được công bố của Hàn Quốc là con số không xác thực. Nhiều người Hàn Quốc có tuổi không tìm được việc làm đã tự kinh doanh như mở tiệm bán đồ ăn nhưng kiếm được thu nhập rất ít ỏi.
Ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, doanh thu bán lẻ tháng 7 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây vẫn là một mức tăng mạnh, nhưng đã giảm so với mức tăng ở ngưỡng 20% trong mấy năm gần đây.
Để thúc đẩy chi tiêu, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các chương trình ưu đãi thuế cho người tiêu dùng mua thiết bị gia dụng, đồng thời tái khởi động một chương trình hỗ trợ người mua ô tô.
“Cũng giống như khoảng 2 năm trước, các hoạt động đang diễn ra với tốc độ chậm chạp”, ông Stanley Szeto, Giám đốc điều hành của Lever Style Inc., một công ty sản xuất hàng thời trang cao cấp cho những thương hiệu cao cấp như Hugo Boss và Calvin Klein, nhận xét. Lever Style có 7.000 công nhân và nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam.
Ông Szeto cho biết, trước đây, công ty này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhu cẩu của thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, trong mấy năm qua, thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan, đã bù đắp cho sự chậm lại của nhu cầu ở các thị trường phát triển.
Hiện nay, các nhà bán lẻ Trung Quốc “đang giảm tốc độ mở các cửa hàng mới, tăng trưởng doanh thu của họ cũng giảm đôi chút và họ có rất nhiều hàng tồn kho”, ông Szeto nói.
Tại Hàn Quốc, nơi nền kinh tế phụ thuộc mạnh mẽ vào hoạt động xuất khẩu, hoạt động tiêu dùng đã giảm đáng kể. Doanh thu của các siêu thị và doanh số thị trường ôtô cùng suy giảm.
Giá nhà đất cũng bắt đầu đi xuống. Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng bằng một loạt biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng, bao gồm áp dụng những điều kiện cho vay mua nhà dễ dàng hơn. Ngoài ra, Seoul cũng đang tính tới một gói kích thích kinh tế lớn.
Mặc dù các hãng xe Hàn vẫn đạt lợi nhuận nhờ vào thị trường Mỹ, doanh thu tại thị trường nội địa của các hãng này đang giảm.
“Các kỳ nghỉ là thời gian mà chúng tôi thường đạt mức doanh số tốt. Nhưng nền kinh tế hiện nay không khả quan cho lắm. Nhiều người tiêu dùng đang mắc nợ nên chẳng có tiền mà tiêu”, ông Park Jong-moon, một nhà phân phối xe Hyundai ở phía Đông Seoul, cho hay.
Trung tâm phân phối xe của ông Park đã chứng kiến doanh số giảm 5 tháng trong 7 đầu năm nay. Trong tháng 6, doanh số giảm 7% so với tháng 5. Trên toàn quốc, doanh số thị trường ôtô trong 6 tháng đầu năm giảm 6% so với năm 2011 - theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc.
Vai trò trung tâm của Hàn Quốc trong chuỗi phân phối toàn cầu các mặt hàng điện tử và xe hơi đã đưa nước này trở thành một “hàn thử biểu” của hoạt động xuất khẩu của thế giới. Với những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc, thì có lẽ, phần còn lại của châu Á đều hy vọng hoạt động tiêu dùng ở nước này không đóng vai trò như một “hàn thử biểu”.