Tranh chấp biển đảo Đông Bắc Á căng thẳng
Quốc tế - Ngày đăng : 05:10, 26/08/2012
Vùng biển Đông Bắc Á đang nổi sóngmà nguyên nhân là các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vài nhómđảo giữa các nước trong khu vực.
Trong khi quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc trở nên hết sức căng thẳng về chủ quyền trên quần đảomà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư nằmở phía đông Trung Quốc và tây nam của tỉnh cực namOkinawa của Nhật; thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tranh chấp về lãnh thổ trên quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima nằmở vùng biển giữa hai nước.
Các đảo này đang là điểm nóng tại khu vực Đông Bắc Á với động thái cứng rắn của các bên mà đáng chú ý hơn cả là các cuộc biểu tình bài Nhật tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Những sự kiện này cùng với tranh chấp Biển Đông diễn ra căng thẳng thời gian qua khiến nhiều quan sát viên cho rằng đây là thời điểm mà Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cần được các bên tranh chấp tuân thủ để tránh xung đột gây nguy hiểm cho tình hình ổn định các khu vực.
Điểm nóng Senkaku/Điếu Ngư
Đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trên biển Hoa Đông, trong một ngư trường đánh cá lớn và được cho là có trữ lượng khoáng sản có giá trị. Nhật Bản kiểm soát các đảo Senkaku/ Điếu Ngư nhưng Trung Quốc lại không muốn từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Cảnh đối đầu giữa các tàu tuần duyên của Nhật và tàu cá của Trung Quốc là chuyện thường xảy ra.Một nhóm người Nhật cắm cờ trên đảo Điếu Ngư
Căng thẳng bắt đầu nóng lên sau sự kiện ngày 15-8, một nhóm người Hongkong khởi hành tới chuỗi đảo tranh chấp bằng tàu cá mang cờ Trung Quốc. Mục đích chuyến đi là để phản đối kế hoạch thăm đảo của một nhóm nghị sĩ Nhật và để cắm cờ Trung Quốc trên đảo. Hai tàu tuần duyên Nhật Bản cùng ngày đã bắt giữ 14 thành viên của nhóm tiếp cận đảo Uotsurijima, một trong các đảo nhỏ thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Chỉ vài giờ sau khi vụ bắt giữ diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh triệu đại sứ Nhật đến để phản đối. Bà cũng gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản để yêu cầu Nhật “đảm bảo an toàn cho các công dân Trung Quốc và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện”.
Ngày 18/8, một ngày sau khi Nhật trục xuất 14 người Hongkong xâm nhập đảo tranh chấp, thì khoảng 150 người Nhật, trong đó có tám nghị sĩ quốc hội, đã có mặt ở nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi đi trên 20 chiếc tàu khởi hành từ Ishigaki - tây nam nước Nhật với mục đích cắm cờ Nhật Bản trên điểm cao nhất của đảo.
Một tàu tuần duyên Nhật Bản đã bắc loa, kêu gọi các nhà hoạt động “Không neo đậu và hãy rời khỏi đảo”. Chính trị gia Tokyo Eiji Kosaka có mặt trên một con tàu đã tuyên bố rằng những người tham gia phải lên đảo, bất chấp sự cấm đoán từ chính phủ: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc”.
Ít nhất 10 người Nhật trong số này đã đổ bộ lên nhóm đảo tranh chấp. Động thái này ngay lập tức làm bùng nổ các cuộc biểu tình phản đối Nhật hôm 18-8 ở một số thành phố lớn tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Tây An, Vũ Hán, Hàng Châu, Thâm Quyến, Thanh Đảo, Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân… Những người biểu tình đã tuần hành, hô khẩu hiệu: “Nhật Bản hãy cút khỏi Điếu Ngư đảo”, “Tương lai của nước Nhật đang bị đe dọa”.
Hãng thông tấn Kyoto cho biết các cuộc biểu tình chống Nhật đã trở nên bạo lực hôm 19-8. Hàng ngàn người tuần hành ở Thâm Quyến đốt cờ Nhật và kêu gọi tẩy chay hàng Nhật. Xe hơi và một vài cửa hàng Nhật bị đập phá. Trong khi đó một thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Yêu cầu Nhật Bản ngay lập tức dừng các hành động làm tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, bất kỳ hành động đơn phương nào của Nhật Bản liên quan đến nhóm đảo đều là bất hợp pháp và không hợp lệ”.
Căng thẳng từ Dokdo/ Takeshina
Một điểm nóng khác tại khu vực Đông Bắc Á trong những ngày qua là quần đảo Dokdo/Takeshima, nơi mà cả Seoul và Tokyo tuyên bố chủ quyền từ nhiều năm nay và Hàn Quốc có triển khai một lực lượng bảo vệ bờ biển nhỏ trên đảo. Ngày 10-8, Tổng thống Lee Myung-bak của Hàn Quốc đã thực hiện chuyến thăm đảo Dokdo/Takeshima nhằm phản đối việc Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với đảo này trong Sách trắng quốc phòng.Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm thảo Dokdo
Đây là tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đặt chân đến Dokdo/Takeshima từ khi tranh chấp giữa hai nước xung quanh nhóm đảo bắt đầu cách đây vài thập niên. Nhật Bản sau đó đã triệu đại sứ tại Seoul về nước nhằm phản đối chuyến đi này. Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba nói chuỗi đảo này là “lãnh thổ của Nhật, xét cả về mặt lịch sử và luật quốc tế” còn Thủ tướng Nhật Noda cho rằng đây là hành động “vô cùng đáng trách”.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, Nhật Bản dự kiến đưa Seoul ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) với mong muốn nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ không chấp thuận đề nghị trên và sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn nếu Nhật không rút lại đề xuất vừa nói.
Để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo, ngày 13-8, các nhà hoạt động Hàn Quốc cùng với các sinh viên và ca sĩ nổi tiếng tham gia bơi tiếp sức 230km từ một cảng phía đông tới nhóm đảo Dokdo/ Takeshima. Mới đây, chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tập trận hỗn hợp Thủy quân lục chiến, Lục quân, Không quân và Cảnh sát biển trong tháng sau để “tấn công các tàu xâm phạm trái phép vào lãnh thổ Dokdo của chúng tôi” .
Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay quân sự thể hiện quyết tâm “bảo vệ Dokdo” của Hàn Quốc. Ngoài căng thẳng Nhật-Trung, NhậtHàn thì Nga-Nhật cũng có tranh chấp tại quần đảo Kurils, vùng lãnh thổ phương Bắc trên biển Nhật Bản. Những tuyên bố chồng lấn và bất đồng giữa các nước nêu trên càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Phát biểu tại hội nghị kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh UNCLOS là một giải pháp công bằng và hiệu quả cho việc sử dụng nguồn tài nguyên của đại dương, hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng, hợp lý, và giải quyết hiệu quả tình trạng bất ổn của các vùng biển trên thế giới.