Có chiến lược kinh doanh, dự án mới khả thi
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 08:13, 29/08/2012
![]() |
Sáng 28/8, buổi phỏng vấn trực tuyến đầu tiên của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2 - năm 2012 đã diễn ra tại hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội.
![]() |
6 thí sinh khu vực phía Bắc đã trình bày đề án trực tiếp với giám khảo Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT tại trụ sở công ty HPT ở Hà Nội. Hai giám khảo còn lại: ông Lê Trường Tùng (Chánh CK) - Hiệu trưởng trường Đại học FPT và bà Huỳnh Thị Thu Hà - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn tham dự buổi phỏng vấn từ xa qua video conference tại trụ sở Công ty HPT tại TP.HCM.
Lê Quốc Hùng - sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội là thí sinh đầu tiên dự thi với dự án "Quán Café Cười". Giám khảo Ngô Vi Đồng nhắc Hùng sử dụng từ chuyên môn chưa chuẩn xác, đặc biệt là phân tích tài chính còn rất nhiều lỗ hổng. Hai giám khảo còn đặt ra nhiều câu hỏi phản biện xoay quanh các vấn đề của dự án.
Giám khảo Lê Trường Tùng cho rằng ưu thế cạnh tranh của dự án chưa cao và không quá khó để bắt chước. Hùng thừa nhận, thời gian chuẩn bị cho đề án chưa nhiều nên còn nhiều điểm chưa chỉn chu, hợp lý. Chia sẻ hiểu biết về Lương Văn Can, Hùng cho biết, đạo làm giàu của danh nhân này khác xa so với những gì Hùng từng nghe về giới kinh doanh.
Làm kinh doanh không đơn giản và muốn kinh doanh nghiêm túc thì cần đầu tư cho dự án của mình nhiều hơn nữa là lời khuyên của ban giám khảo dành cho Hùng.
Món ăn từ trái sakê nhiều dinh dưỡng là cảm hứng để Nguyễn Thị Hải Linh - sinh viên ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội hình thành dự án “Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh "Sakeff - Sake Fast Food”.
Giám khảo Ngô Vi Đồng thắc mắc vì sao Linh lại chọn trái sakê, một loại trái ít người biết? Linh chia sẻ đã ấp ủ ước mơ làm chủ và kiên trì theo đuổi sản phẩm từ trái sakê đã nhiều năm và kiên quyết theo đuổi dự án này đến cùng dù quy mô rất lớn.
Trả lời câu hỏi vì sao khởi nghiệp với số vốn quá lớn (hơn 5 tỷ đồng), Linh cho rằng nghĩ lớn mới thành công. Các giám khảo đều đồng tình, chi phí phù hợp với quy mô đầu tư, nhưng trong những bước đi ban đầu chỉ cần bắt đầu làm từ những việc nhỏ.
Giám khảo Lê Trường Tùng cho rằng dự án Hải Linh đang phải đối diện với 3 vấn đề lớn: Chế biến sakê thành món ăn, mở nhà hàng sakê fast food và nhượng quyền thương hiệu. Giải quyết chỉ một trong 3 vấn đề trên rất khó. Giám khảo này cũng khuyên, giới hạn vấn đề không có nghĩa là thu hẹp quy mô.
Giám khảo Huỳnh Thị Thu Hà đánh giá phân tích tài chính của dự án này vẫn còn mắc nhiều lỗi cơ bản và chưa rõ ràng. Giám khảo Ngô Vi Đồng kết luận đây là đề tài lớn, ý tưởng sáng tạo, dám áp dụng công nghệ vào quản lý, tuy nhiên Linh nên áp dụng những chuẩn quản lý quốc tế vào dự án cũng như dám chấp nhận thử thách, cạnh tranh và bắt đầu những bước nhỏ nhất, vững chắc nhất trên con đường khởi nghiệp.
Nước mía đóng lon và đóng chai là đề tài dự thi của Ngô Văn Thắng - sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Giám khảo Lê Trường Tùng nhận định đề tài này liên quan đến công nghệ, vệ sinh ATTP và bảo quản nhưng chưa thấy đề cập trong dự án và đặt câu hỏi: Tại sao những công ty khác không sản xuất sản phẩm này trong khi có đầy đủ công nghệ cũng như nguồn vốn? Thắng khẳng định đã tìm được công ty cung cấp công nghệ và lý do mà các công ty khác không làm là do chiến lược kinh doanh của họ hoàn toàn khác.
Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Tài Nguyên giải thích, công nghệ hiện nay tại Việt Nam chỉ phục vụ cho việc đóng lon, đóng chai nước mía ngắn hạn. Bà cũng góp ý, công nghệ của việc đóng lon, đóng chai nước mía rất phức tạp, mà trình độ công nghệ hóa thực phẩm tại Việt Nam chưa đáp ứng được, và chừng nào Thắng chưa nắm vững được công nghệ thì dự án rất khó khả thi.
Giám khảo Lê Trường Tùng cũng khẳng định, chỉ có kiến thức kinh doanh thôi không đủ để giải quyết những vấn đề lớn của dự án kinh doanh này. Giám khảo Huỳnh Thị Thu Hà khuyên Thắng tính toán lại giá cả hợp lý, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu và góp ý thêm một vài điểm trong bản phân tích tài chính.
Thí sinh Vũ Thị Thu Thảo - sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội dự thi với dự án "Công ty CYD - Sản phẩm móc thủ công".
Với hàng loạt câu hỏi từ ban giám khảo về phần phân tích chi phí như: chi phí quảng cáo và marketing chiếm 3% trên tổng số doanh thu đối với lĩnh vực kinh doanh thời trang; chi phí lương chỉ chiếm 25% trên tổng số doanh thu liệu có đủ hấp dẫn để duy trì được sự hợp tác lâu dài; đây là lĩnh vực thời trang nhưng trong bảng phân tích không thấy chi phí thiết kế..., ban giám khảo đã chỉ ra cho thí sinh những lỗ hổng trong phần phân tích chi phí của mình, và cũng đồng thời đưa ra nhiều góp ý để thí sinh khắc phục.
Giám khảo Ngô Vi Đồng khen việc khai thác được nguồn lao động nhàn rỗi ở nông thôn của dự án là rất hay. Nhưng liệu nguồn lao động nông thôn này có đáp ứng được đòi hỏi luôn đổi mới của lĩnh vực thời trang, đó là điểm giám khảo Thu Hà nhắc nhở thí sinh.
Hai vị giám khảo Lê Trường Tùng và Huỳnh Thị Thu Hà cùng lưu ý thí sinh về sự cạnh tranh của các sản phẩm được làm từ máy móc với ưu thế về số lượng, và giá thành rẻ hơn hiện có trên thị trường. Đồng thời chiến lược bán hàng qua mạng đối với sản phẩm thời trang liệu có thích hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt.
Với ý tưởng cung cấp không gian, các công cụ và dịch vụ phục vụ cho hình thức tự học - tự làm việc, thí sinh Nguyễn Thị Diệu Linh - sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội đã mang tới cuộc thi dự án mô hình “Tự học - Tự làm việc”.
Giám khảo Ngô Vi Đồng cho rằng với diện tích 80m2 dành cho mô hình kinh doanh này là chưa hợp lý.
Giám khảo Lê Trường Tùng khen đây là một mô hình mới và lý thú, kết hợp khéo léo 3 hình thức thư viện, trung tâm đào tạo kỹ năng mềm và quán cà phê. Vì vậy, thí sinh cần làm rõ hình thức nào là hình thức kinh doanh chính của dự án để qua đó có được những chiến lược kinh doanh hợp lý.
Ông cũng khuyên thí sinh tập trung vào giải quyết phần chi phí đầu tư cho phần diện tích, vì con số này sẽ là rất lớn đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Do đó, đây sẽ là một trong những điểm làm giảm đi yếu tố cạnh tranh của dự án.
Một điểm nhỏ ông nhắc nhở thí sinh nữa là trong việc xác định đối tượng người đi làm là một trong những khác hàng mục tiêu là không khả thi, vì nhu cầu môi trường làm việc của đối tượng này không đơn thuần là chỉ cần một không gian làm việc, mà còn các thiết bị hỗ trợ cho công việc của họ.
Thí sinh Vũ Thị Phương Oanh - sinh viên ĐH Kinh tế Tổng hợp Quốc gia Rostov tham dự với đề án "Taxi Vạn Tín - Taxi của lòng tin".
Dịch vụ taxi trả trước, theo giám khảo Lê Trường Tùng, không khả thi đối với hiện trạng giao thông Việt Nam - luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Chưa kể hiện nay hệ thống số nhà ở Việt Nam vẫn còn phức tạp và khó tìm. Với 20 chiếc xe, liệu có đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng và xây dựng thương hiệu
Giống các thí sinh trước, phần phân tích chi phí của thí sinh được đánh giá là vẫn chưa hợp lý. Trong khi điểm mạnh của dự án là đưa ra giá cố định cho dịch vụ taxi, điều này đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn đầu tư vào công nghệ so với khoảng 12 triệu đồng thí sinh đưa ra.
Giám khảo Huỳnh Thị Thu Hà nhắc nhở thí sinh về chủ trương của Nhà nước về việc cấm thêm các phương tiện giao thông, thì liệu dự án của bạn có khả thi hay không.
Nhận xét chung ngày thi 28/8, ông Lê Trường Tùng đánh giá cao các ý tưởng kinh doanh của các thí sinh, tuy nhiên lưu ý các em cần tập trung vào ý tưởng chính của dự án, tránh đi lan man, để qua đó tập trung vào phân tích kỹ hơn phần chiến lược kinh doanh và chi phí hợp lý hơn.
Kết quả ngày thi 28/8 có 3 thí sinh Nguyễn Thị Diệu Linh và Nguyễn Thị Hải Linh và Ngô Văn Thắng đã vinh dự đoạt giải thưởng Tài năng Lương Văn Can.