Mất kiểm soát chi tiêu
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 09:11, 04/09/2012
![]() |
Mãi cho đến khi một số người quen thường tới lui thăm cha lớn tiếng, cãi vã với ông, thì sự việc ông bố nợ hơn 50 triệu đồng mới được chị Kim Dung ngụ trong con hẻm gần chợ Hoàng Hoa Thám (phường 12, quận Tân Bình) phát hiện. Bố chị Dung thừa nhận: "Bố có vay của họ, tổng cộng số tiền đúng như trong giấy nợ đã ghi, các con có thương thì giúp bố trả hết số nợ này". Nhưng ông tuyệt nhiên không nói thêm lý do vì sao lại nợ khoản tiền quá lớn như thế.
Thiếu kiểm soát hay thiếu quan tâm?
![]() |
Tương tự bà Nguyễn Thị Thanh, 65 tuổi ngụ tại quận 5, khi con cháu phát hiện ra thì bà đã nợ khoảng 30 triệu đồng của vài người hàng xóm. Cô Huệ, cháu gái bà Thanh kể: "Dì tôi là người sống cần kiệm. Ăn uống hàng ngày dì đều chi tiêu dè sẻn, món ngon mà có mắc tiền dì cũng không mua".
Theo lời kể của gia đình, từ khi bà Thanh về hưu, ngoài mức lương hưu khoảng 2,9 triệu đồng/tháng, bà còn có khoảng 1 triệu đồng tiền do các con cháu biếu hàng tháng để tiêu vặt. Còn lại tất cả các khoản chi tiêu ăn uống, chăm sóc sức khoẻ của bà Thanh thì các con đều lo chu toàn. Vậy nên cả gia đình cũng bất ngờ khi biết bà Thanh mang nợ. Và dì không hé môi kể lý do vì sao lại thiếu hụt.
Ngay khi phát hiện cha mang nợ, cứ nghĩ do cha già chi tiêu lẫn lộn, thiếu kiểm soát, dẫn đến thiếu hụt hoặc bị lừa. Nhưng, ân cần bên cha, chăm sóc mỗi ngày, dần dà chị Kim Dung mới vỡ lẽ ông thiếu nợ là do cách suy nghĩ và chi tiêu "thoáng", cộng thêm với việc ít gặp gỡ trao đổi hàng ngày cùng con cái trong nhà, khiến ông cứ nghĩ khoản tiền để dành còn rất lớn, nên cứ thuận tay chi thoải mái.
Riêng bà Thanh, vốn là người không xài hoang phí, nên bà cũng chỉ chi tiêu cho những việc tưởng chừng vụn vặt như mừng đám cưới, phúng điếu đám tang, mua quà thăm bà bạn bị ốm, quà cho cháu ở quê…
Có tháng dồn dập quá nhiều tiệc mừng, khoản tiền con cháu dằn túi tiêu vặt không đủ, bà mượn tạm hàng xóm để chi trước, cứ nghĩ đơn giản tháng sau sẽ bù vào. Thế rồi tháng sau có khi lại nhiều việc phải chi hơn tháng trước, nên chỉ sau một năm bà đã nợ đến ngần ấy tiền.
Càng già chi tiêu càng tăng
Chính con trai chị Kim Dung, sau khi ngồi tính toán đã nhận xét: "Người già tiêu tiền còn nhiều hơn bọn trẻ chúng con". Chẳng hạn với bốn thiệp mời đám cưới, hai thiệp mời đám giỗ, một thiệp mời tân gia, bố chị Dung sẽ phải tiêu tốn ít nhất khoảng 3 triệu đồng, chưa kể các khoản chi gặp gỡ bạn bè, thăm hỏi người thân… mà người già sẽ có nhu cầu nhiều hơn người trẻ.
Chính yếu tố sĩ diện, hay còn gọi là "cư xử cho đáng bậc trưởng bối" khiến nhiều người lớn tuổi phải chi tiêu nhiều hơn, mà con cháu trong gia đình nếu không tinh tế sẽ không nhận ra điều này. Thiếu thông cảm, thiếu sự thấu hiểu, thiếu chia sẻ, sẽ làm cho khoảng cách giữa người già và người trẻ dễ dàng tăng thêm.
Sự thiếu kiểm soát, thiếu quan tâm, thiếu tinh tế của những người trẻ đang quay trong nhịp đập xã hội hàng ngày có thể làm người lớn tuổi ngay bên cạnh mình bị chệch hướng, mà nếu không thu hẹp khoảng cách kịp thời, dẫn đến trường hợp cha mẹ mang nợ kể trên, có thể làm tổn thương tình thân trong gia đình.
Dẫu biết tiền bạc là chuyện tế nhị, càng phải tế nhị hơn với người lớn tuổi, nhưng vẫn rất cần có sự chia sẻ hàng ngày của con cháu trong nhà.