Lúa gạo: "Cây trồng chính trị" hay "hàng hóa"?

Du lịch - Ngày đăng : 00:29, 04/09/2012

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nói: “Thái Lan trợ cấp cho nông dân là vì chính trị, không phải vì kinh tế, Việt Nam không vì chuyện này nên trợ cấp có mức độ”.
Lúa gạo:

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nói: “Thái Lan trợ cấp cho nông dân là vì chính trị, không phải vì kinh tế; Việt Nam không vì chuyện này nên trợ cấp có mức độ”.

* Ông nhận định thế nào khi Việt Nam đang nỗ lực vượt Thái Lan để giành vị trí số 1 về xuất khẩu gạo?



- Tôi không nghĩ Việt Nam đặt cho mình mục tiêu đứng đầu thế giới. Chính sách đổi mới đã đem lại sức mạnh để năm đầu tiên xuất khẩu được nửa triệu tấn và bây giờ là khoảng 7 triệu tấn. Đây là mức tối đa chúng ta đạt tới.

Tới đây, chúng ta nên hướng vào chất lượng, hiệu quả, giá thành, thậm chí là các giá trị về mặt môi trường, xã hội hơn là chạy theo khối lượng xuất khẩu. Điều mà chúng ta muốn là người nông dân có thu nhập cao, đất nước đảm bảo được an ninh lương thực, có nguồn ngoại tệ tốt, chứ không nhất thiết gắn liền với khối lượng gạo xuất khẩu hay vị trí. Tôi nghĩ, không những Chính phủ mà cả nhân dân cũng đồng lòng với điều này.

* Theo ông, những chính sách hỗ trợ như hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu thực tế chưa ?

- Xuất khẩu lớn nhưng hiệu quả đem lại cho nông dân không bao nhiêu, bởi 3 yếu tố. Thứ nhất, hỗ trợ không trực tiếp và đến tay người nông dân qua nhiều khâu trung gian. Chúng ta trợ cấp cho ngân hàng, ngân hàng cho doanh nghiệp (DN) vay vốn để tạm trữ lúa gạo, DN tiến hành thu mua qua thương lái... Tất cả những khâu này làm thay đổi giá thị trường.

Thứ hai, chúng ta không có nguồn lực để hỗ trợ người trồng lúa như các nước khác. Mới đây, Nhà nước đã hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha. Nhưng những chính sách như thế chỉ có tác động tâm lý, bởi thực tế, một hộ nông dân chỉ có trên dưới nửa ha trồng lúa, giá thành lại tương đối cao.

Thứ ba, hỗ trợ không đúng cái nông dân cần. Chẳng hạn, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long cần nhất là khâu sấy lúa. Sau thu hoạch vụ hè thu hoặc vụ ba, thường là lúc mưa nhiều. Nếu sấy được lúa, người nông dân mới yên tâm trữ lúa lại đợi giá lên, nhưng chúng ta lại không hỗ trợ vào khâu này. Ba cái đó làm cho hiệu quả hỗ trợ thấp, phải sửa lại.

* Đã biết vướng ở đó, tại sao chúng ta không xử lý, thưa ông?

- Đặc điểm của Việt Nam là không có hệ thống sấy lúa, bởi trước đây chỉ thu hoạch vào mùa khô, nay thâm canh tăng vụ thêm vụ ba. Hệ thống trong chuỗi giá trị của chúng ta khác Thái Lan ở điểm đó. Mặt khác, tổ chức của chúng ta không ổn bởi 3 thể chế.

Thứ nhất, DN kinh doanh lúa gạo chủ yếu là DN nhà nước trước đây, bây giờ cổ phần hóa là Vinafood 1 và Vinafood 2, họ không quan tâm đến khâu sản xuất, mà mua qua thương lái. Thứ hai, chúng ta không có DN chế biến, chỉ có các thương lái nhỏ. Thứ ba, nông dân không muốn tổ chức lại các hợp tác xã.

* Vậy Nhà nước có nên tạo cơ chế cho DN tham gia?

- Rõ ràng đó là con đường duy nhất. Nhưng Nhà nước không đầu tư nhà máy sấy lúa, đó là chuyện của DN. Đã là cơ chế thị trường thì để cho thị trường quyết định. Nhưng với mặt bằng giá hiện nay, lợi nhuận của lúa gạo không đáng kể, thì dù mở cửa cũng không DN nào làm.

Về lâu dài, muốn xử lý vấn đề này chỉ nên sản xuất lúa gạo ở mức độ nhất định. Nếu coi lúa gạo là cây trồng chính trị, phải xử lý nó như một vũ khí chứ không phải như hàng hóa. Còn nếu coi nó là hàng hóa kinh tế, thì phải giảm bớt, thay bằng cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

* Cảm ơn ông!

TRÌNH TIÊU thực hiện