Hướng dẫn kê khai mã hàng xuất nhập khẩu

Pháp luật - Ngày đăng : 05:55, 12/09/2012

Doanh nghiệp (DN) gặp vướng mắc về kê khai mã hàng xuất nhập khẩu “có thể gửi văn bản nhờ Bộ Tài chính, Vụ Chính sách Thuế hướng dẫn, khoảng 10 ngày sau sẽ có phúc đáp”.
Hướng dẫn kê khai mã hàng xuất nhập khẩu

Theo ông Phạm Đình Thi - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, doanh nghiệp (DN) gặp vướng mắc về kê khai mã hàng xuất nhập khẩu “có thể gửi văn bản nhờ Bộ Tài chính, Vụ Chính sách Thuế hướng dẫn, khoảng 10 ngày sau sẽ có phúc đáp”.

* Vướng mắc về áp mã hàng xuất nhập khẩu lâu nay gây không ít bức xúc cho DN. Ông nhận  định thế nào về vấn đề này?



- Hiện nay, Việt Nam có trên 400 ngàn loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, với hơn 9.000 dòng thuế xuất nhập khẩu, mà trong một dòng thuế lại có nhiều mã hàng, cho nên DN cần xem xét kỹ các chú giải để kê khai. Hiện, chúng tôi cũng đang cố gắng làm rõ các chú giải, giúp DN kê khai chuẩn xác hơn.

* Trên thực tế vẫn xảy ra chuyện cùng một loại hàng, mỗi địa phương lại áp dụng một mã hàng khác nhau?

- Đây là một thực tế. Vấn đề không chỉ ở phía cơ quan hải quan, mà còn ở cách DN kê khai. Trường hợp hàng của DN chịu mức thuế 8% nhưng lại nộp thuế 13%, Nhà nước sẽ hoàn trả 5% thuế cho DN. Nhưng nếu hàng của DN ở mức 13% mà chỉ nộp mức thuế 8% thì ngoài việc DN phải nộp đủ 5% thiếu còn bị xử lý phạt 0,05% mỗi ngày chậm nộp.

Vì vậy, bản thân các nhà đầu tư, các DN cần thường xuyên cập nhật thông tin pháp luật, về thủ tục hải quan, chính sách thuế... Khi có những cách hiểu khác nhau về một mã hàng, DN có thể gửi văn bản cho cơ quan phân định hàng xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan nhờ giám định, bởi có những mặt hàng  phải gửi đi giám định, phân loại.

* Vậy còn trường hợp cán bộ ngành thuế tự ý áp mức thuế cao hơn mức quy định thì sự việc được xử lý như thế nào?


- Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có những cải cách cơ bản về chính sách và quản lý thuế. Hiện nay, hệ thống hải quan và cơ quan thuế nội địa đã chuyển sang một cơ chế mới, cơ quan thuế không áp mã, không áp mức thuế cho DN mà trên nguyên tắc là DN tự khai rồi chuyển hồ sơ cho hải quan. Ví dụ, DN đạt điều kiện ưu đãi đầu tư, kể cả trong giấy phép không ghi rõ là được ưu đãi đầu tư nhưng DN vẫn có thể tự khai để được hưởng mức thuế ưu đãi. Trong quá trình kê khai thuế (thuế hải quan + thuế nội địa), nếu DN thấy chưa chắc chắn về mức thuế, có thể sử dụng tư vấn để kê khai chính xác các mức thuế.

* Thông thường, các DN thường sợ ảnh hưởng đến việc thông quan các lô hàng sau nên “ngại” gửi văn bản kiến nghị để cập những vướng mắc trong quá trình kê khai mã hàng tới các cơ quan chức năng. Vậy, DN có thể gửi văn bản nhờ Bộ Tài chính hay Vụ Chính sách Thuế hướng dẫn được không?


- Với những trường hợp cụ thể, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn. Vụ Chính sách Thuế được Bộ Tài chính giao xây dựng toàn bộ hệ thống chính sách thuế, phí liên quan đến nội địa và hải quan. Trong quá trình xây dựng các chính sách, chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của DN để trên cơ sở làm sao cho các chính sách ngày càng minh bạch, tốt cho cả hai phía: DN dễ thực hiện và cơ quan Nhà nước có sự điều chỉnh kịp thời.

* Thời gian trả lời kéo dài trong bao lâu, thưa ông?

- Thời gian trả lời tùy thuộc vào nội dung hỏi, nhưng thông thường khoảng 10 ngày chúng tôi có thể phúc đáp. Với những vấn đề mà trong các chính sách chưa rõ hoặc có những cách hiểu khác nhau, bởi có nội dung chúng tôi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến xử lý thì thời gian trả lời phải lâu hơn.

* Cảm ơn ông!

TRÌNH TIÊU thực hiện