Đêm nghe tiếng đàn tranh và đàn Koto

Đời thường - Ngày đăng : 06:54, 01/10/2012

Tối 22/9/2012, người yêu nhạc ở TP. Hồ Chí Minh đã có dịp thưởng thức tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng và tiếng đàn Koto của nghệ nhân Toshiko Nagase (Nhật) trong chương trình giao lưu âm nhạc đặc sắc diễn ra tại nhà GS Trần Văn Khê, 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh.
Đêm nghe tiếng đàn tranh và đàn Koto

Tối 22/9/2012, người yêu nhạc ở TP. Hồ Chí Minh đã có dịp thưởng thức tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng và tiếng đàn Koto của nghệ nhân Toshiko Nagase (Nhật) trong chương trình giao lưu âm nhạc đặc sắc diễn ra tại nhà GS Trần Văn Khê, 32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh. Buổi giao lưu này nằm trong chương trình Hội ngộ đàn tranh lần thứ 3 do Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Đọc E-paper

Mạnh mẽ tiếng đàn Koto

Chưa đến giờ chương trình chính thức bắt đầu nhưng đông đảo khán giả đã ngồi kín ở gian phòng chính nhà GS Trần Văn Khê. Nhiều người đã không có ghế ngồi vì số lượng người đến xem đông hơn so với dự kiến. Một số người yêu nhạc còn mang theo máy tính bảng, máy quay phim, máy thu âm… để ghi lại những màn biểu diễn của các nghệ sĩ.

GS Trần Văn Khê

Theo GS Trần Văn Khê, đàn Koto là nhạc cụ quan trọng trong âm nhạc truyền thống Nhật Bản, thường làm bằng cây pawlonia, mười ba dây tơ căng dài trên mặt âm bảng, đỡ dây đàn là các con nhạn hình chữ A có thể di chuyển được.

Người chơi đàn mang móng vào ngón tay cái, trỏ và giữa của bàn tay mặt để gảy đàn và dùng ba ngón tay trỏ, giữa và áp út của bàn tay trái mang móng đeo ở ngón tay để ấn hoặc khảy dây.

Âm điệu từ tiếng đàn Koto trầm, cứng, mạnh mẽ và cô độc hơn so với đàn tranh Việt Nam và Trung Quốc. Loại đàn này có thể đàn độc tấu, tam tấu với đàn tam shamisen, ống tiêu shakuhachi, đàn trong dàn nhạc cổ điển…

Khách mời của chương trình là nghệ nhân Toshiko Nagase và con trai Kenzan Nagase, chơi sáo Shakuhachi. Theo GS Trần Văn Khê, sáo Shakuhachi là một nhạc cụ truyền thống tiêu biểu làm bằng tre Madake, có bốn lỗ ở phía trước và một lỗ ở phía sau.

Sáo tre này có cấu tạo đơn giản, đòi hỏi người chơi không chỉ tập trung cao độ ở chiếc môi, mà phải rất thành thạo trong việc kiểm soát hơi thổi từ năm lỗ nhỏ có thể tạo ra các nốt trong mọi âm vực.

Hai nghệ nhân Toshiko Nagase và Kenzan Nagase, trong trang phục truyền thống, đã mở màn cho buổi giao lưu với tác phẩm Bài ca vách đá đỏ. Dưới ngón đàn điêu luyện của bà Toshiko Nagase, âm điệu từ đàn Koto vang lên trong trẻo, dồn dập và vang vọng.

Một cách vô thức, người xem không ngừng nhịp chân và tay theo từng nhịp đàn Koto. Đôi lúc, giọng ca trong trẻo của nghệ nhân Toshiko Nagase vang lên bất ngờ, làm tiếng đàn như khắc khoải, tha thiết hơn.

Hòa vào tiếng đàn là tiếng sáo Shakuhachi trầm buồn của nghệ nhân nam trẻ tuổi người Nhật. Người thưởng thức cảm thấy bất ngờ khi một nhạc cụ như vậy lại có thể trình tấu một loạt các âm thanh từ đơn giản đến phức tạp, từ âm điệu mềm mại, trầm buồn đến âm thanh réo rắt, da diết. Một vài đoạn độc tấu sáo Shakuhachi thật sự khơi dậy cảm xúc lắng sâu trong lòng người nghe.

Nghệ nhân Toshiko Nagase và con trai Kenzan Nagase

Cách đây hơn 20 năm, bà Toshiko Nagase đã đứng ra thành lập Hiệp hội Giao lưu quốc tế của âm nhạc Nhật Bản vào nhằm quảng bá văn hóa và âm nhạc của Nhật ra thế giới. Ngày hôm nay, bà và con trai đã thật sự mang đến một lối diễn tấu xuất thần, giàu sắc thái, làm phong phú thêm tâm hồn yêu nhạc của người Việt.

Trong trẻo tiếng đàn tranh

Sau khi thưởng thức tiếng đàn Koto và tiếng sáo Shiakuhachi của hai nghệ sĩ người Nhật, người yêu nhạc tiếp tục có những giây phút lắng đọng với tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng và đàn nguyệt của nghệ sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ Hải Phượng xuất hiện ấn tượng với trang phục áo dài truyền thống thêu hoa tuyệt đẹp và chiếc đàn tranh đã theo cô đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

GS Trần Văn Khê cho biết, đàn tranh (còn được gọi là đàn thập lục vì có 16 dây) có thùng đàn dài từ 100–110cm. Mặt âm bảng làm bằng cây ngô đồng hình cầu vồng. T

hành đàn làm bằng gỗ trắc và đáy đàn làm bằng một miếng ván có khoét ba cái lỗ: lỗ hình bán cầu ở phía dưới đầu đàn để buộc dây đàn; lỗ hình chữ nhật ở giữa đáy đàn dùng để cầm đàn, và lỗ nhỏ cuối đàn dùng để treo đàn.

Ở phía đầu cây đàn có một sợi dây bằng đồng uốn cong gọi là cầu đàn dùng làm điểm tựa cho 16 dây đàn bằng thép. Các con nhạn đỡ dây đàn có thể di chuyển tùy theo cách lên dây đàn theo điệu Bắc, Nam, Xuân, Ai, Đảo, Oán…

Khi Bản tình ca đất Bắc được Hải Phượng đàn vang lên, cả khán phòng như nín thở. Những ngón tay trên bàn tay phải xuất thần với các kỹ thuật đánh nhiều dây (đánh cùng một lúc ba hay bốn dây tạo thành một hợp âm), ngón vê (các ngón tay gảy liên tục thật mau trên một hoặc hai dây đàn), vuốt dây đàn (dùng hai hay ba ngón tay trái vuốt trên dây đàn đó làm tăng sức căng của dây đàn một cách đều đều, liên tục)…

Bàn tay trái lại uốn lượn như một dải lụa, tạo âm thanh qua các thủ pháp ngón rung (dùng hai hay ba ngón tay trái rung nhẹ trên sợi dây tạo một âm thanh phát ra dao động như làn sóng nhỏ), ngón nhấn, ngón vỗ (gảy dây cùng một lúc ngón tay trái vỗ và nhấc lên ngay), ngón vuốt (như ngón vuốt tay phải)…

Nghệ sĩ Hải Phượng và Huỳnh Khải

Đôi khi, nghệ sĩ lại biểu diễn gảy bằng hai tay để tạo thêm chồng âm, tay trái gảy những âm rải trong khi tay mặt phải sử dụng ngón vê hoặc dùng hai tay vỗ lên mặt đàn… tạo nên những giai điệu lạ tai và đặc sắc.

Nghe âm điệu phát ra từ đàn tranh, mọi người đều cảm thấy bồi hồi, xúc động, cảm giác như đang sống sâu lắng hơn, tình cảm hơn vì trong tiếng nhạc luôn ẩn chứa những dư tình.

GS Trần Văn Khê cho biết, ngày xưa, đàn tranh ít được phổ biến, chỉ hòa đàn trong dàn nhạc ngũ tuyệt, đàn tài tử miền Nam, độc tấu, hoặc đệm cho một người hát.

Ngày nay, với những kích thước lớn nhỏ khác nhau, với số dây từ 16 lên tới 21 dây hay nhiều hơn nữa và nhiều thủ pháp mới, đàn tranh có thể độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát, cho ngâm thơ.

Song tấu cùng tiếng đàn tranh của Hải Phượng là tiếng đàn nguyệt (còn gọi là đàn kìm, đàn vọng nguyệt cầm hoặc quân tử cầm) của nghệ sĩ Huỳnh Khải. Ðàn nguyệt rất phổ biến từ Bắc đến Nam, với nhiều ngón kỹ thuật độc đáo như nhấn, luyến, vê… có nhiều khả năng độc tấu và hòa tấu.

Ðàn nguyệt có tầm âm rộng, với ba khoảng âm là: khoảng âm dưới (tiếng đàn ấm áp, mềm mại, biểu hiện tình cảm trầm lặng, sâu sắc), khoảng âm giữa (tiếng đàn thanh thót, vang đều, diễn tả tình cảm vui tươi, linh hoạt) và khoảng âm cao (tiếng đàn trong sáng nhưng ít vang).

Hòa cùng tiếng đàn tranh của Hải Phượng, tiếng đàn nguyệt của nghệ sĩ Huỳnh Khải mang màu âm tươi sáng, rộn ràng, làm cho tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ trở nên rõ ràng và sâu lắng hơn.

Trong một buổi giao lưu âm nhạc ở nước ngoài, GS Trần Văn Khê từng nói: “Âm điệu phát ra từ bàn tay trái khi biểu diễn trên chiếc đàn tranh là âm thanh phát ra từ trái tim người nghệ sĩ”.

Thật vậy, tiếng đàn của nghệ sĩ Hải Phượng, Huỳnh Khải và hai nghệ nhân người Nhật trong buổi giao lưu đã tạo sự rung cảm thật sự trong lòng người nghe không chỉ nhờ cách sử dụng bàn tay khéo léo, uyển chuyển mà còn bởi vì tiếng đàn xuất phát từ tâm hồn người yêu âm nhạc dân tộc.

THANH NHÃ/DNSGCT