Hệ thống cấp báo thông minh cho bệnh viện
Chính sách mới - Ngày đăng : 03:22, 11/10/2012
![]() |
Chu Quang Bảo, Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Tiến Bảo và Trần Thiên Tính là các tác giả của dự án “Hệ thống cấp báo ứng dụng công nghệ định vị GPS trên thiết bị di động” vừa được IBM Việt Nam trao giải nhất cuộc thi Sử dụng phần mềm IBM trong khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp. Dự án còn được đánh giá rất cao về tính nhân văn. Trước đó, dự án này cũng được xếp giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khoa học công nghệ năm 2011 do Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức.
![]() |
Dự án này phát triển tiếp từ luận văn tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của Tiến Bảo tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM với điểm xuất sắc (9,5 điểm) và được giảng viên Nguyễn Tri Tuấn khuyến khích hoàn thiện, gửi tham gia cuộc thi của IBM. Với sự trợ giúp của nhà trường, sau 6 tháng nghiên cứu, nhóm tác giả đã hoàn thiện dự án với tên gọi “Hệ thống cấp báo ứng dụng công nghệ định vị GPS trên thiết bị di động” và được chạy thử nghiệm tại Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM. Tiến Bảo cho biết, ở Việt Nam hiện có ba tổng đài thông báo sự cố lớn là 113 (Cảnh sát), 114 (Cứu hỏa) và 115 (Cấp cứu).
Tuy nhiên, thời gian từ khi người gặp nạn thông báo đến tổng đài cấp cứu và quá trình xử lý trung gian còn gặp nhiều vấn đề như: tìm trạm cơ quan chức năng gần hiện trường nhất, mất khá nhiều thời gian. Khi dùng điện thoại nhất thiết phải qua nhiều khâu trung gian, lại khó xác định vị trí xảy ra sự cố, nhất là trong tình hình đường phố, địa chỉ rắc rối ở TP.HCM, hoặc điện thoại mất sóng, bất đồng ngôn ngữ địa phương...
Cấu tạo hệ thống cấp báo gồm ba hệ thống: máy chủ xử lý toàn bộ dữ liệu, máy trạm đặt ở các bệnh viện và quan trọng nhất chính là phần mềm cài đặt trên điện thoại của người sử dụng. Thay vì gọi điện thoại đến hệ thống cấp báo, người sử dụng chỉ cần nhấn vào ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng, phần mềm sẽ gửi thông tin về máy chủ.
Máy chủ xử lý tín hiệu và gửi đến bệnh viện gần nhất. Sẽ có một thông báo hiện lên máy tính của bệnh viện được cài đặt phần mềm và hiển thị bản đồ vị trí xảy ra tai nạn, thông tin loại tai nạn để bệnh viện đó nhanh chóng tới cấp cứu. Khác biệt với hệ thống cấp cứu 115 truyền thống, khi sử dụng sáng tạo này, người dùng còn có thể dùng điện thoại thông minh định vị vị trí, chụp ảnh, quay phim và ghi âm. Hệ thống còn có thể giúp trao đổi giữa các bệnh viện trong các trường hợp quá tải, thiếu xe cấp cứu hoặc không chữa được bệnh đặc thù.
Để xây dựng dự án, ban đầu nhóm gặp nhiều khó khăn vì phải tìm hiểu nhiều công nghệ mới, viết trên nhiều môi trường (iOS, Android, Webservice, Winform, Website …). Thêm nữa, cả nhóm không có các thiết bị để thử vì đòi hỏi phải có server, macbook, thiết bị smartphone chạy Android và iOS... khi thử nghiệm để chụp ảnh, quay phim hiện trường...
Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn, dự án cũng đã thành công. Khi nhóm mang đề tài tới Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương thuyết trình, các bác sĩ của bệnh viện đã rất ngạc nhiên và thích thú, đồng thời hứa ủng hộ, giúp đỡ về quy trình vận hành cấp cứu. Bác sĩ Võ Quang Huy, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương, cho rằng dự án này nếu được thực hiện trong tương lai sẽ là cách hữu hiệu để cấp cứu kịp thời.
Ngoài chức năng cấp cứu, dự án còn giải quyết được các vấn đề tiêu cực trong thông báo sự cố đối với cơ quan chức năng và thay thế phương pháp truyền thống. Ban đầu, nhóm chú trọng nhiều nhất vào hệ thống xử lý tại bệnh viện, vì đây là tiêu chí đầu tiên nhóm đặt ra khi làm dự án. Nhưng nếu đã áp dụng được vào hệ thống cấp cứu 115 thì cũng áp dụng được cho hệ thống gọi Cảnh sát 113 và Cứu hỏa 114. Vì vậy, các tác giả sẽ hướng sáng tạo của mình vào thêm một số lĩnh vực như: thông báo đến cơ quan cảnh sát khi có sự cố về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, hỏa hoạn, các trường hợp cần đến lực lượng cứu hỏa, các sự cố về điện, nước...