Điểm sáng đổi mới doanh nghiệp TP.HCM
Trong nước - Ngày đăng : 06:30, 11/10/2012
TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước trong quá trình thực hiện chương trình sắp xếp đổi mới và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mới đây, TP đã đánh giá lại quá trình 10 năm thực hiện chương trình này với những kết quả rất khả quan, tháo gỡ nhiều trói buộc giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhưng một số ý kiến cho rằng để doanh nghiệp thật sự chủ động hơn, Nhà nước nên để doanh nghiệp tự vận hành, sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Đổi mới, đổi đời
Ghi nhận ở CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cho thấy, trong những tháng vừa qua công ty hoạt động rất ổn định, nhờ những đơn hàng xuất khẩu và nội địa.
Trong bối cảnh chung nền kinh tế thế giới đang suy thoái, nhiều doanh nghiệp dệt may rơi vào tình cảnh ăn đong đơn hàng và có nguy cơ đứt chuyền, Garmex Sài Gòn thực sự là một điểm son.
Sản xuất may hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tại Công ty Garmex Sài Gòn |
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Garmex Sài Gòn, cho biết tỷ lệ thực hiện FOB của doanh nghiệp hiện chiếm hơn 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012, trị giá lên đến 45 triệu USD, lợi nhuận trước thuế ước thu về xấp xỉ 60 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Với nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu, đây là con số “khủng”.
Kết quả này nhờ Garmex Sài Gòn đã có bước đi đúng, đặc biệt việc tiến hành cổ phần hóa (CPH). Là một trong những đơn vị đầu tiên tiến hành CPH, Garmex Sài Gòn đã quyết liệt giảm tỷ lệ vốn nhà nước và sau đó nhanh chóng niêm yết trên thị trường chứng khoán để công ty hoạt động công khai và minh bạch. Theo ông Hùng, điều này giúp Garmex Sài Gòn phát triển nhanh.
Dù mất bầu vú mẹ là Nhà nước, nhưng các cổ đông chính là những ông chủ thực sự, vì vậy họ quyết định nhanh nhất, tốt nhất nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động mang lại hiệu quả. Đây chính là sự tỉnh táo cần thiết để Garmex Sài Gòn không sa lầy vào “ma trận” bất động sản và đầu tư tài chính vừa qua.
Vào thời điểm đó, nhiều cổ đông muốn doanh nghiệp tham gia kinh doanh bất động sản, nhưng qua đại hội cổ đông, những người có trách nhiệm đã thuyết phục cổ đông nên tập trung đầu tư vào mảng cốt lõi của doanh nghiệp là may mặc.
Mọi người tin tưởng vào ban lãnh đạo điều hành doanh nghiệp vì chính những người này là những người có cổ phần lớn trong doanh nghiệp, do đó lợi nhuận mang lại cũng chính là làm cho ví tiền của họ dày thêm.
Do vậy, thay vì mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và tài chính, Garmex Sài Gòn đã tập trung đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, áp dụng các công nghệ quản lý năng suất và chất lượng quốc tế, tìm các biện pháp hợp tác với những thương hiệu lớn để cùng sản xuất hàng thời trang nội địa.
Giải phóng sức sáng tạo
Nhiều DNNN của TP.HCM sau khi CPH đã có những bước phát triển mạnh hơn, tăng quy mô sản xuất và thu nhập cho người lao động, nhờ năng động hơn trong quá trình quản lý sản xuất kinh doanh.
Đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới, tổng doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận là 89/90 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 98,88%.
So với năm 2001, tính đến năm 2011, vốn tăng 2,51% lần, doanh thu tăng gấp 4,46 lần, nộp ngân sách tăng 3,12 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 3,92 lần, thu nhập người lao động tăng 2,81 lần, số lao động giảm 0,19 lần, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ từ 10% giảm còn 5,9%.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã giữ vững và phát huy các thương hiệu mạnh như Saigontourist, Ben Thanh Group, Satra, Vissan, SJC, Samco, Liksin…
Chẳng hạn, với CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico), sau khi CPH từ năm 2004, Savico đã tập trung xây dựng định hướng chiến lược phát triển 3 lĩnh vực là dịch vụ thương mại, dịch vụ bất động sản và dịch vụ tài chính.
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Savico, cho biết nhờ CPH và chuyển qua mô hình công ty đại chúng, Savico đã tiếp nhận được nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư và đối tác để phát triển.
Có thể thấy, từ một doanh nghiệp nhỏ với chức năng kinh doanh ở những lĩnh vực sơ khai của ngành dịch vụ, với số vốn ban đầu chưa đến 70 triệu đồng, đến nay Savico đã có vốn chủ sở hữu gần 750 tỷ đồng và tổng tài sản xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Savico cũng có hệ thống phân phối rộng khắp trên phạm vi cả nước thông qua các chuỗi hệ thống phân phối xe ô tô, xe gắn máy gồm 14 công ty con, 6 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư vào 6 doanh nghiệp khác; hệ thống các trung tâm thương mại lớn Savico megamall; hệ thống resort và căn hộ, khách sạn...
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong thời gian tới TP sẽ tiến hành tái cấu trúc DNNN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào công nghệ mới để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, theo đó hiệu quả doanh nghiệp sẽ được nâng lên.
Đây là cơ sở để TP.HCM từng bước xây dựng đội ngũ doanh nhân có năng lực, có thương hiệu tầm cỡ cả nước và vươn ra khu vực. Do vậy, việc nghiên cứu phân tích tình trạng các DNNN và những mô hình đã sắp xếp làm ăn hiệu quả là cần thiết để có những chính sách mới thúc đẩy quá trình phát triển này.
Chẳng hạn, có những doanh nghiệp, ngành nghề Nhà nước nên thoái vốn hoàn toàn để doanh nghiệp chủ động trong điều hành sản xuất kinh doanh, có những chính sách cần ban hành để xử lý những doanh nghiệp khó khăn, phá sản…
“Tái cấu trúc doanh nghiệp TP.HCM sẽ gắn với việc tập trung đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực phục vụ chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sẽ chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2015” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà khẳng định.