Trồng cây trong căn hộ

Phong cách sống - Ngày đăng : 09:41, 13/10/2012

Với khoảng diện tích nhỏ, môi trường yếm khí, không gian căn hộ chung cư không phải là môi trường dễ dàng cho việc tạo một mảng xanh hay trồng vài chậu cây xanh như mong muốn.
Trồng cây trong căn hộ

Với khoảng diện tích nhỏ, môi trường yếm khí (thời gian đóng cửa căn hộ trong ngày khá cao), không gian căn hộ chung cư không phải là môi trường dễ dàng cho việc tạo một mảng xanh hay trồng vài chậu cây xanh như mong muốn.

Đọc E-paper

Khi quyết định tổ chức một mảng xanh trong căn hộ thì ngoài việc phải chọn lựa chủng loại cây phù hợp, đạt tính thẩm mỹ, chủ nhân phải đảm bảo góc xanh ấy luôn được giữ vệ sinh, dễ luân chuyển và chăm sóc.

Vị trí và cách bố trí

Không nên bố trí mảng xanh ở các khu vực bếp hoặc phòng ngủ vì diện tích không thoải mái. Khu vực được lựa chọn nhiều là không gian sinh hoạt chung, tùy theo diện tích và các thiết kế nội thất mà ta có thể chọn lựa.

1. Bên trong căn hộ

• Cây xanh

+ Cây xanh thu nhỏ trong các chậu, các bình thủy tinh đặt trên các kệ, đôn, bàn hoặc các chậu hoa (ngắn ngày) hiện diện trên các bệ cửa sổ.

+ Chọn lựa các cây chủ đạo và chậu đặt ở góc phòng hoặc làm ngăn cách ước lệ giữa các không gian hoặc đặt một bên góc của salon (khu này cây phải có dáng và độ cao nhất định (thường cao từ 80cm trở lên).

+ Việc chọn chậu rất quan trọng vì chậu cùng với cây là một đối tượng trưng bày. Vật liệu chậu không quá tương phản với vật liệu chung của căn hộ. Bạn có thể trồng cây vào một chậu riêng, sau đó sử dụng một lớp vỏ bao che khác.

Ví dụ:

- Một cây xương rồng ít gai trồng trong chậu bằng thiếc trên mặt phủ một lớp đá hồng.

- Một bụi cau Hawaii trong lớp vỏ bằng lục bình hoặc cói.

- Chậu bằng composite hoặc resin nhiều màu kết hợp với cây xanh cũng là điểm nhấn lạ.

- Nếu sàn nhà là gạch tàu, có thể chọn chậu bằng đất nung nhưng bề mặt không quá thô nhám.

• Tiểu cảnh

Không nên biến căn hộ của bạn thành “khu rừng rậm rạp” vì sau một thời gian chăm sóc không kỹ lưỡng và đúng kỹ thuật chúng sẽ trở nên xơ xác, tạo một hình ảnh xấu. Nên kết hợp những mảng xanh nhỏ với những vật dụng mang tính trưng bày khác.

Ví dụ: Vài thanh tre khô chèn vào bụi cây xen dưới gốc, mảnh gỗ mộc treo vào bụi rán, ổ phụng hoặc vài chậu nước nhỏ với bụi thủy sinh hoặc bèo đặt trên bãi sỏi…

2. Ban công

- Đây là khu vực có thể tận dụng tốt nhất để bố trí cây xanh hoặc tiểu cảnh.

- Nên bố trí ép sát theo ban công hoặc một góc tam giác, sử dụng thêm một số loại đá sỏi hoặc các vật trang trí. Góc vườn nên bố trí tất cả trên một tấm nhựa chuyên dùng (để tiện việc vệ sinh).

- Có thể làm khoảng rào tre, hoặc gỗ dựng sát tường hoặc lan can để góc vườn thật và gần với thiên nhiên hơn.

- Một mẹo nhỏ, nếu không muốn mất diện tích bạn có thể làm thêm một khung giàn trên cửa ra ban công, để có thể biến nơi này thành một góc lãng mạn bằng những chậu cây rủ hoặc các loại phong lan…

+ Chủng loại cây và chăm sóc:

- Chọn lựa những loại cây sống trong mát lâu hơn.

- Cây lớn: mật cật, cau Hawaii, kim thiên, trúc bách hợp, da đỏ, cau vàng, trúc nhật, ngũ gia bì…

- Cây trung hoặc bụi nhỏ: kim phát tài, đinh lăng, các loại lá xuất xứ Đài Loan, rán huyền, các loại cây thủy sinh trong hồ cá… các cây thuộc họ trầu: trầu đế vương, chân vịt, trầu hoàng hậu…

Trong quá trình chăm sóc, chỉ nên tưới vừa đủ, lượng nước quá nhiều sẽ làm cây úng và mau chết, luôn giữ ẩm cho đất bằng cách kiểm tra cả lớp đất dưới. Khi đi xa nên chuyển cây ra vùng sáng và thoáng khí, giữ ẩm cho đất bằng khăn lông nhúng nước để trên bề mặt. Xác trà, nước vo gạo, các loại phân bón dạng túi lọc (không mùi và không độc hại) có thể bổ sung dưỡng chất cho cây (nên để xa gốc để phân bón ngấm từ từ…).

B.T/DNSGCT