Tài khóa và đầu tư công
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 04:29, 23/10/2012
![]() |
E-paper
![]() |
Do tính chất trung và dài hạn của chính sách tài khóa nên hệ quả do chúng mang lại thường phải một thời gian sau, thậm chí là nhiều năm sau, mới bộc phát, khiến sai lầm của công cụ này ít khi được nhận dạng trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường. Chỉ đến khi có biến động như lạm phát cao, khủng hoảng tài chính, tiền tệ thì chính sách tài khóa mới được đưa ra "mổ xẻ”.
Từ năm 1992, khi chấm dứt phát hành tiền để bù đắp bội chi ngân sách nhận được sự đồng thuận cao từ Quốc hội và Chính phủ, thì biện pháp cấp tín dụng nhà nước cho vay đầu tư phát triển được đẩy mạnh với lập luận: Tín dụng cho đầu tư không gây lạm phát như phát hành cho chi thường xuyên.
Trong điều kiện ngân sách thiếu hụt triền miên, kinh tế tư nhân nhỏ bé, thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp nhất thế giới, Việt Nam có được tỷ lệ đầu tư cao suốt hàng chục năm qua chính là nhờ nguồn tín dụng ưu đãi dành cho khu vực này.
Bị "che lấp" bởi mục đích tốt đẹp là đầu tư cho tăng trưởng, lại được "ru ngủ” bằng mức lạm phát thấp ngay trong những năm bội chi ngân sách và phát hành tín dụng cho đầu tư lớn (năm 1991, phát hành tín dụng cho xây dựng cơ bản là 600 tỷ đồng trong khi tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) là 9.200 tỷ đồng), nên ít khi vấn đề hiệu quả đầu tư từ nguồn tín dụng này được đặt ra.
Nhưng nếu xét đến những khoản tiền phát hành được đổ vào những dự án đầu tư với thời gian hoàn vốn lâu, hiệu quả thấp, thì những mất mát của nền kinh tế do thất thoát nguồn vốn ngân sách và tình trạng đầu tư kém hiệu quả chắc chắn không kém những thiệt hại do lạm phát gây ra.
Lạm phát cao quay trở lại năm 2007 - 2008 cùng với việc phát hiện những vụ tiêu cực lớn tại các dự án do các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư từ vốn ngân sách khiến cho đầu tư công bị chỉ trích nặng nề. So với nhiều nước trong khu vực, mức động viên của ngân sách Việt Nam là cao, giai đoạn 1991-1995 mức thu NSNN so với GDP là 21,3%/năm trong khi của Indonesia là 18,5%, Philippines là 17%.
Cũng trong giai đoạn này, thu NSNN từ thuế và phí không chỉ đáp ứng toàn bộ chi thường xuyên mà còn dư tới 4% GDP cho đầu tư phát triển và trả nợ.
Kinh tế tăng trưởng nhanh giai đoạn 2001- 2005 đã tạo tiền đề cho tăng đầu tư từ ngân sách. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã tăng từ 26,3% giai đoạn 1996 - 2000 lên 30% giai đoạn 2001- 2005.
Con số về tỷ lệ chi đầu tư phát triển so với GDP còn "ấn tượng" hơn: Nếu năm 2000, tỷ trọng này là 32,9% GDP, thì năm 2005 đạt 36,5% GDP, tăng bình quân 14,7%/năm.
Mức động viên và mức huy động GDP cho đầu tư lớn, phát triển theo chiều rộng nên mức tăng trưởng đạt được không tương xứng, các chuyên gia trong và ngoài nước đã phê phán nhưng không lay chuyển được ham muốn đầu tư.
Hệ quả là tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN càng ngày càng tăng mà tốc độ tăng GDP vẫn không được cải thiện, thậm chí còn giảm.
Nếu mức tăng trưởng đạt được thấp xa so với mức đầu tư và xu hướng đầu tư dàn trải là hệ quả tất yếu của chủ trương đầu tư theo chiều rộng thì lạm phát tiềm ẩn lại là hệ quả của cơ chế thực hiện đầu tư công.
Việc giao cho những tập đoàn, tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước với chu trình đầu tư khép kín từ giao vốn cho đến thiết kế, thi công, nghiệm thu cùng với hàng loạt ưu đãi trong quá trình thực hiện dự án theo kiểu "người nhà” khiến nguồn vốn đầu tư bị thất thoát lớn, tới 20 - 30%.
Giải pháp giảm thất thoát từ vốn đầu tư NSNN được đề ra từ nhiều năm nay, trong đó có những biện pháp như thực hiện đấu thầu rộng rãi, công khai các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước..., nhưng việc thi hành những thay đổi này diễn ra quá chậm, do có sự gắn bó lợi ích của cả bên chủ quản lý ngân sách lẫn bên thực hiện dự án.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, tháng 6/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cam đoan đến năm 2015 sẽ cơ bản chấm dứt việc đầu tư dàn trải và sẽ không có việc "chạy dự án" nhờ việc ban hành và thực thi triệt để Chỉ thị 1972 của Chính phủ.
Hy vọng là vậy, nhưng vẫn cần phòng ngừa những "rủi ro đạo đức" có thể phá hỏng ý đồ tốt đẹp của một văn bản. Để giảm bớt tình trạng đầu tư dàn trải và chạy dự án, ngoài việc thay đổi phương thức giao vốn như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nêu, cần thi hành một loạt giải pháp:
Thứ nhất, thu hút vốn khu vực tư nhân vào lĩnh vực đầu tư công. Thứ hai, tăng cường vai trò Quốc hội trong việc phê duyệt và giám sát các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Thứ ba, luật hóa việc xử lý những sai phạm trong sử dụng vốn NSNN, thậm chí là "hình sự hóa" thông qua những chế tài cụ thể để xét xử những sai phạm lâu nay được bỏ qua hoặc chỉ xử lý hành chính, xử lý nội bộ.
Thứ tư, sửa đổi cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều hành ngân sách (Bộ Tài chính) và cơ quan chịu trách nhiệm về đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để ngăn ngừa những lỗ hổng về chính sách và minh bạch trong điều hành cũng như cơ chế chịu trách nhiệm, cơ chế giải trình.