Ung thư máu
Sống khỏe - Ngày đăng : 04:34, 01/11/2012
Ung thư máu bao gồm một nhóm ung thư mà tế bào ung thư có nguồn gốc từ tủy xương và hệ bạch huyết.
Đọc E-paper
Các ung thư này bao gồm các bệnh bạch cầu và tiền hạch bạch cầu (còn gọi là hội chứng loạn sản tủy), u tủy (và ung thư tương bào khác), ung thư hạch bạch huyết. Trong mỗi loại ung thư kể trên, có rất nhiều phân loại phụ.
Mỗi phân loại phụ có thể có những đặc tính khác nhau và tất nhiên là điều trị khác nhau. Một số loại diễn tiến rất nhanh, trong khi ở một số loại khác, bệnh nhân có thể có cơ hội chữa trị khỏi rất cao.
Dấu hiệu và triệu chứng
Trong khi những loại ung thư khác có những nguyên nhân và tiên lượng khác nhau, thì các triệu chứng của ung thư máu có thể giống nhau: thiếu máu rất thường xảy ra, biểu hiện qua số lượng hồng cầu giảm khi xét nghiệm máu, do tủy bị tổn thương; mệt mỏi, yếu sức, khó thở, chóng mặt, chán ăn; xanh xao.
Bệnh nhân ung thư máu cũng thường hay bị nhiễm trùng, nên thường bị sốt tái đi tái lại và khó kiểm soát. Thỉnh thoảng, các hạch bạch huyết sưng to, lách phình to làm bệnh nhân có cảm giác nặng bụng.
Tình trạng xuất huyết thường xảy ra với bệnh nhân bệnh bạch cầu, biểu hiện là những vết bầm, chảy máu lợi, chảy máu cam.
Nhận biết về bạch cầu
Nhiều người nghĩ rằng, bệnh bạch cầu là bệnh ung thư máu.
Điều này không sai, tuy nhiên, đối với các chuyên gia huyết học thì ung thư máu bao gồm ung thư hạch (lymphoma), u tủy (Myeloma), bệnh bạch cầu (Leukemia), là những loại ung thư máu phổ biến nhất.
Đầu tiên, những căn bệnh ung thư này xuất phát từ các mô và tế bào máu. Con người có những loại tế bào máu khác nhau - hồng cầu, bạch cầu, huyết tương và tiểu cầu.
Ung thư bạch cầu được gọi là bệnh bạch cầu, xảy ra khi có sự gia tăng bất thường của những tế bào bạch cầu trong cơ thể. Ung thư các tế bào huyết tương gọi là u tủy. Ung thư hạch ám chỉ đến ung thư tế bào bạch huyết của hệ thống miễn dịch, nơi mà chúng biểu hiện là một khối u đặc.
Nên lưu ý rằng, nếu bạn có tiểu cầu cao trong máu, đó không phải là ung thư, mặc dù đây là vấn đề của tủy xương. Tuy nhiên, 5% đến 10% những tế bào này có thể phát triển thành bệnh bạch cầu sau nhiều năm.
Về cơ bản, có hai loại bệnh bạch cầu: cấp tính và mạn tính.
Đối với bệnh bạch cầu cấp tính, đặc trưng là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các tế bào máu chưa trưởng thành. Do các tế bào này quá nhiều làm tủy xương không thể sản sinh các tế bào máu khỏe mạnh. Các dạng cấp tính của bệnh bạch cầu rất phổ biến ở trẻ em.
Bệnh bạch cầu mạn tính với đặc điểm có quá nhiều mức tế bào tương đối trưởng thành, nhưng vẫn là những tế bào bạch cầu không bình thường. Các tế bào này sinh sản ở tỉ lệ cao hơn nhiều so với tế bào bình thường, kết quả là có nhiều tế bào bạch cầu bất thường trong máu.
Trong khi bệnh bạch cầu cấp tính phải được điều trị tức thì các dạng mạn tính đôi khi được theo dõi một thời gian trước khi điều trị. Bệnh bạch cầu mạn tính thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng về mặt lý thuyết, có thể xảy ra ở bất cứ nhóm tuổi nào.
Ung thư máu bao gồm một nhóm ung thư: Ung thư bạch cầu được gọi là bệnh bạch cầu, xảy ra khi có sự gia tăng bất thường của những tế bào bạch cầu trong cơ thể. Ung thư các tế bào huyết tương gọi là u tủy. Ung thư hạch ám chỉ đến ung thư tế bào bạch huyết của hệ thống miễn dịch, nơi mà chúng biểu hiện là một khối u đặc. |
Có người cho rằng nhuộm tóc là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu. Điều này không đúng, nhưng có một số nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu như bức xạ quá mức (ví dụ như tai nạn hạt nhân) hoặc các hóa chất như benzene.
Thông thường, rất khó để xác định một nguyên nhân đặc biệt cho một cá nhân bị bệnh bạch cầu.
Bức xạ cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ, nhưng dù điện thoại di động phát ra tia bức xạ vẫn không có bằng chứng nào kết luận sóng điện thoại, điện tử hay đứng gần trạm điện sẽ tăng bạch cầu.
Tuy nhiên, giảm sử dụng các thiết bị điện luôn được khuyến cáo. Mặt khác, bức xạ cũng là nguyên nhân gây bệnh bạch cầu.
Marie Curie, người phát hiện ra phóng xạ và chết vì bệnh bạch cầu. Sự kiện hạt nhân giống như vụ nổ bom Hiroshima và tai nạn Chernobyl dẫn đến gia tăng bệnh bạch cầu.
Một số tiến bộ y khoa trong những năm gần đây đã tạo sự khác biệt trong việc điều trị các bệnh ung thư máu, như cấy ghép tế bào gốc, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không có cơ hội này vì không có người hiến phù hợp. Cấy ghép tế bào gốc cũng khá rủi ro vì nó dẫn đến nhiều biến chứng và có nguy cơ tử vong.
Những năm gần đây, những tiến bộ trong việc cấy ghép tế bào gốc máu cuống rốn làm tăng cơ hội tìm kiếm người hiến. Những tiến bộ khác như kháng sinh và các yếu tố tăng trưởng tốt hơn cũng làm cấy ghép tế bào gốc an toàn hơn.
Những tiến bộ khác bao gồm điều trị trúng đích với các chất ức chế tyrosine kinase và liệu pháp miễn dịch bằng kháng thể đơn dòng có tác động rất lớn đến việc gia tăng tỉ lệ sống của bệnh nhân bị bệnh ung thư máu.