Đến khi nào thành phố mới hết ngập lụt?
Du lịch - Ngày đăng : 05:39, 02/11/2012
Do chịu tác động của biến đổi khí hậu, bây giờ TP.HCM không còn hiện rõ hai mùa nắng và mưa như trước. Mưa có thể đến và mưa to trong bất cứ tháng nào, chẳng kể đó là tháng mùa nắng. Do tồn tại những bất cập trong hệ thống thoát nước, hễ mưa xuống là người dân thành phố lại lo ngập lụt.
E-Paper
Đã vậy, hiện tượng triều cường còn có vẻ phức tạp hơn. Những ngày này, con số báo động về triều cường thay nhau nhảy nhót như muốn lập kỷ lục mới.
Cho dù đã có một số dự án chống ngập đã được triển khai, đã và đang hoàn thành, song tình trạng ngập lụt tại TP.HCM vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu cần chọn điển hình của khu vực bị ngập do mưa lớn thì đó hẳn là những điểm trên các đường Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát, Trương Công Định…
Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) ngập sâu, nhiều xe chết máy phải dẫn bộ |
Cần thêm điển hình của khu vực ngập do triều cường sẽ có đường Lương Định Của, Kha Vạn Cân, rồi Huỳnh Tấn Phát, Bình Quới, Phú Định… Còn những điểm ngập do mưa kết hợp với triều cường là các con đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Phan Đình Phùng…
Đường phố như sông vẫn là “chuyện thường ngày”
Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước TP.HCM cho biết đến thời điểm hiện tại, các đơn vị chức năng đã xóa được tám điểm ngập lụt tại các đường Vũ Tùng, Ung Văn Khiêm, Lãnh Binh Thăng, Hậu Giang, Đỗ Xuân Hợp, Quang Trung, Phan Anh, An Dương Vương.
Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn thì mới hiện rõ “cái vòng luẩn quẩn”: chống ngập được nơi này thì nơi khác lại trở thành điểm ngập mới. Đợt triều cường hồi trung tuần tháng 10 vừa qua đã vượt mức đỉnh lũ năm 2011, cụ thể là từ 1,59m đã nhảy lên 1,62m, khiến cho nhiều khu dân cư, tuyến đường bị ngập khá sâu trong nước.
Triều cường lại thường xảy ra vào giờ cao điểm càng làm cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm nặng nề, việc lưu thông trên nhiều tuyến đường rất khó khăn, tình trạng hỗn loạn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, công việc của người dân.
Khu vực bán đảo Thanh Đa dù đã được chống ngập nhưng vẫn là một trong những nơi bị ảnh hưởng triều cường nặng nề nhất.
Một số nơi như khu Tân Cảng, đường Ung Văn Khiêm, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), Hoàng Diệu, Khánh Hội (quận 4), Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lương Định Của (quận 2), Phú Định, Bình Đông (quận 8), Trần Hưng Đạo (quận 5)… nếu bị ngập ít thì nước cao hơn mặt đường cỡ 20cm, còn khi bị ngập nặng thì lên tới 40cm. Ngập lụt kéo dài nhiều giờ là tình trạng thường xuyên xảy ra.
Nặng nhất là tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, đặc biệt là đoạn từ dưới cầu Phú Mỹ kéo dài đến gần cầu Phú Xuân, thường ngập tới khoảng 50cm, làm cho nhiều xe gắn động cơ khi “lội” qua bị chết máy.
Tuyến đường Nguyễn Thị Thập thường xuyên ngập trước đây do đã được thi công nâng cấp mặt đường nên tình trạng ngập chuyển từ đường lớn vào các con đường nhỏ, hẻm nhỏ xung quanh.
Nhiều diện tích hoa màu của người dân ở Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12), huyện Hóc Môn… thường bị nhấn chìm trong nước. Người dân sống ở những khu vực trên buộc phải thích nghi, tìm mọi cách đối phó trong mệt mỏi và bất lực.
“Đê bao đã làm rồi mà ngập vẫn cứ ngập, nhưng không ở nhà thì biết ở đâu bây giờ” là lời than thở chung của người dân ở những khu vực bị ngập triền miên này.
Bao giờ mới có hệ giải pháp toàn diện để chống ngập và chống tái ngập?
Làm thế nào để trị dứt điểm nạn ngập lụt vẫn là bài toán thách thức đối với các ban ngành có liên quan của TP.HCM.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) rộng rãi nhưng mênh mông nước |
Để hạn chế thiệt hại do triều cường kết hợp với xả lũ gây ra, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ban ngành cùng các quận, huyện tăng cường kiểm tra, theo dõi tại các điểm ngập nặng và tái ngập đến hết đợt triều cường, chủ động xử lý khi có nguy cơ xảy ra sự cố, không để xảy ra ngập úng kéo dài gây thiệt hại cho bà con và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trên địa bàn thành phố, tình trạng tái ngập do chịu ảnh hưởng của việc thi công các công trình thuộc một số dự án cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng vẫn còn phổ biến.
Cụ thể, bảy điểm ngập nặng thuộc dự án “Nâng cấp đô thị, lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm” đã được xóa trong năm 2011, nhưng nay đã xuất hiện trở lại. Ngoài ra, lại có thêm các điểm ngập nhẹ khác nằm trên các đường Nơ Trang Long, Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh…
Mặt khác, do vẫn chưa kiểm soát và khắc phục được tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, xả chất thải rắn ra kênh, rạch, theo cống thoát nước nên đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ ngập lụt.
Việc nạo vét kênh, khơi thông dòng chảy bị chậm trễ do chịu ảnh hưởng tiến độ “rùa bò” của chương trình giải tỏa tình trạng lấn chiếm kênh rạch khiến cho công tác chống ngập cũng bị chậm trễ theo.
Được biết, Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước TP.HCM đã lắp đặt 615 van ngăn triều và 30 trạm bơm tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường nên đã hạn chế và cải thiện được một phần tình trạng ngập úng so với trước.
Nếu như năm 2011, toàn thành phố có 16-25 điểm ngập thì nay giảm xuống còn 10-15 điểm. Các chuyên gia môi trường cho rằng cần phải xác định chính xác nguyên nhân, bắt đúng “bệnh” thì việc “kê toa” mới hiệu quả, tránh việc chạy chữa lòng vòng kiểu “tiền mất tật mang” như hiện nay.
Có ý kiến cho rằng tình trạng ngập là do nước biển dâng, đáy sông bị bồi, dẫn đến ngập cục bộ… là không chính xác. Nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu đã dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường.
Quá trình đô thị hóa nhanh như vết dầu loang đã kéo theo việc quy hoạch cả những vùng trũng và điều đó càng khiến TP.HCM khó thoát ra khỏi tình trạng ngập lụt. Nhiều chuyên gia cho rằng muốn khắc phục ngập thì phải hạn chế phát triển quy hoạch ở những khu vực trũng.
Đường Phú Định (quận 8), người dân phải đắp đê bao dã chiến ngăn nước vào nhà |
Tại những khu dân cư thường xuyên bị ngập, khi tiến hành làm đê bao phải xem xét cụ thể thổ nhưỡng từng nơi, nếu đất không có nền phải dùng đất sét nhiều hơn để tạo nền vững chắc. Nếu kinh phí cho phép, có thể dùng tấm nhựa polymer để làm đê chắn.
Chưa hết, tình trạng thẩm lậu nước vào đê cũng làm gia tăng đáng kể tình trạng ngập nhưng chưa được quan tâm xử lý. Đó là hiện tượng nước từ bên ngoài thấm vào tầng đất giàu hữu cơ bên trong đê, lâu dần tạo thành dòng chảy mạnh.
Việc làm đê cần phải kết hợp với cống ngăn triều (cống có cửa một chiều tự động tại các hệ thống đê bao để rút nước ra ngoài sông) mới phát huy được hiệu quả của giải pháp chống ngập.
Vừa qua, 12 cống ngăn triều của thành phố và phía Nam (Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Sông Kinh, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức) vừa thi công xong, chưa kịp đưa vào sử dụng hết đã lộ ra nhiều nhược điểm, không phát huy được tác dụng vì cống thoát nước chậm, đến khi nước triều lên thì không tự động đóng cửa ngăn được, hậu quả là làm ô nhiễm vùng dân cư phía trên.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhiều nhà cao tầng ở khu vực quận trung tâm thành phố làm tăng diện tích bê tông hóa, thu hẹp đất bề mặt để thoát nước, tạo ra dòng chảy ngầm và điều đó cũng sẽ gia tăng nguy cơ ngập lụt.
Vẫn biết phát triển kinh tế cần phải đi đôi với những giải pháp bền vững về môi trường, song làm như thế nào để không phải “lợi bất cập hại” là bài toán mà TP.HCM phải cấp thiết tìm ra và quyết tâm thực hiện.