Thủy điện làm khó Bộ trưởng
Chính sách mới - Ngày đăng : 00:13, 13/11/2012
![]() |
Thủy điện là một trong nhiều vấn đề làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn hôm qua 12/11 và sáng nay, 13/11.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Kiểm soát chất lượng ở nhiều dự án chưa chặt chẽ” |
Vỡ đập, ai chịu trách nhiệm đầu tiên?
"Trong kỳ họp trước bộ trưởng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 là yên tâm, an toàn, nhưng tại sao Chính phủ không cho tiếp nước? Cách đây mấy hôm có người nói đập không vỡ nhưng nó sẽ bẻ ngang, gây cho lòng dân không yên tâm, nên đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này để kết thúc câu chuyện về Sông Tranh 2” - đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi.
Ông Minh tiếp tục: “Tôi đề nghị có ba phương án: Thứ nhất, bây giờ bộ trưởng nói rõ với quốc dân đồng bào trên căn cứ khoa học là đập an toàn, dân cứ ở đó không sao, thậm chí mời cán bộ lên đó ở mấy tháng luôn cho dân yên tâm. Bên cạnh đó phải phụ cấp cho dân như phụ cấp độc hại. Cộng với mua bảo hiểm tính mạng cho dân, bởi vì do tích nước hồ dẫn đến động đất kích thích.
Thứ hai là công bố với quốc dân đồng bào là chưa thể yên tâm, mời đồng bào đi tái định cư nơi ở khác tốt bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Cuối cùng, nếu đập vỡ thì xin Bộ trưởng cho biết ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc này”.
Với câu hỏi “rất khó” này, Bộ trưởng Dũng có nguyên một đêm để chuẩn bị và sẽ trả lời trong phiên họp sáng nay, 13/11.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đập thủy điện Sông Tranh 2 được tuân thủ các quy trình về kiểm tra chất lượng từ khâu thiết kế, có tư vấn độc lập của Nhật Bản khẳng định đập an toàn. Khi đập đưa vào sử dụng có thấm nước thì Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Bộ Xây dựng, chủ đầu tư, nhà tư vấn tập trung xử lý và đến nay đã hoàn thành dưới mức yêu cầu (3 lít/giây).
Tuy nhiên, để có kết quả chắc chắn, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư mời đơn vị tư vấn độc lập khác kiểm tra an toàn đập. Qua đó, nhà tư vấn thứ 3 của Thụy Sĩ kết luận đập an toàn cả về chất lượng thi công, nền móng và có khả năng chịu được động đất với gia tốc nền 150 cm/s2.
Dù vậy, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trận động đất ở khu vực Bắc Trà My, Quảng Nam, tuy nhỏ hơn mức động đất mà đập chịu được là 5,5 độ richer nhưng dân lo lắng. Trên quan điểm lấy an toàn là trên hết, an dân làm hàng đầu nên khi dân còn lo lắng thì Chính phủ không cho đập tích nước.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đề nghị mời những nhà tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới sang đánh giá về địa chất ở khu vực để có kết luận chính thức.
Hiện nay, các nhà địa chất của Nga đã đến Sông Tranh 2 từ mấy ngày trước. Tiếp đó là các nhà tư vấn của Ấn Độ và Nhật Bản. Các nhà tư vấn sẽ tiến hành nghiên cứu toàn diện và khẳng định động đất ở khu vực này có thể vượt quá 5,5 độ richer không. Nếu không thì sẽ tuyên truyền để bà con an tâm rồi mới cho tích nước.
Đại biểu tiếp tục chất vấn: Khi nào xảy ra sự cố thì các cơ quan có liên quan sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật?
Trả lời, Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng trình bày, hiện nay nếu mực nước tràn là 161m thì đập chịu gia tốc nền 350cm/s2.
“Dân không tâm đến các con số, họ chỉ quan tâm là ở hay là đi?", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời.
“Số liệu như vậy, nếu nước đến mực tràn thì hoàn toàn yên tâm. Bà con yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết”, Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời.
Tiếp tục giải trình, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng cho biết hiện căn cứ trên các thông số kỹ thuật thì hoàn toàn yên tâm.
“Thông số kỹ thuật thì yên tâm và chưa cho tích nước đồng thời tiếp tục nghiên cứu. Kế hoạch này không phải 1 tháng, 1 ngày mà xong được. Vậy thì hiện tại đập có an toàn không?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi tiếp.
“Nước đến mức cao trình thì gần như tuyệt đối an toàn - Bộ trưởng khẳng định lại - An toàn là chắc chắn và gần như tuyệt đối an toàn. Nhưng nếu có yếu tố đặc biệt, nếu động đất cao hơn 5,5 thì nghiên cứu tiếp" ?!
“Vậy là cũng chưa biết nên đi hay ở”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận.
Trước đó, cũng về thủy điện, và cũng là dự án đang rất “đình đám”, thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây: thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) truy:
“Chủ trương cho lập dự án Đồng Nai 6, 6A và hiện đang thẩm định trình phê duyệt dự án đầu tư có tuân thủ theo nghị quyết 49/2010 của Quốc hội hay không? Có tuân thủ nghị quyết của Đảng vừa ban hành, Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về sử dụng đất rừng không? Có vi phạm quyết định của Chính phủ về công nhận di tích quốc gia đặc biệt của vườn quốc gia Cát Tiên hay không? Quyết định này vừa ban hành tháng 9/2012.
Hiện nay, tất cả mọi dự án tôi đều hiểu là phải đánh giá tác động môi trường, tôi không hỏi nội dung này mà đề nghị bộ trưởng xem lại cơ sở pháp lý của dự án. Do đó, tôi đề nghị bộ trưởng quan tâm nội dung trọng tâm đặt vấn đề của tôi và cho biết rõ hơn dự án này cần phải được xem xét loại bỏ ra khỏi quy hoạch thủy điện hay không? Với tư cách là bộ ngành chức năng có chịu trách nhiệm pháp lý về thẩm định phê duyệt dự án này hay không?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định:
“Cho đến nay dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đang trong quá trình xây dựng dự án. Bước quan trọng là thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bước này chưa xong nên chưa trình Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa trình với Quốc hội để xem xét theo tinh thần nghị quyết 49...
Xin khẳng định dự án đang ở trong quá trình thực hiện tương đối đúng các quy định, không có gì làm sai cả. Còn nếu qua thẩm định, đánh giá tác động môi trường thấy rằng không có hiệu quả, nhất là ảnh hưởng đến rừng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, tác động xã hội lớn thì chắc chắn các cơ quan sẽ kiến nghị với Thủ tướng xem xét và dừng việc triển khai tiếp".
“Chất lượng xây dựng kém do... thể chế”
Chất vấn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, bà Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đi ngay vào vấn đề nóng:
![]() |
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): “Rung lắc tùm lum như thế ai chịu nổi?!” |
“Chất lượng công trình xây dựng, nhất là công trình nhà ở tái định cư, thủy điện, điện hạt nhân đang là vấn đề bức xúc và lo lắng của cử tri. Nhiều công trình chất lượng kém nhưng chỉ sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng mới phát hiện được. Sự cố rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2, vỡ đập thủy điện Đakrông 3, đổ tháp truyền hình Nam Định là những ví dụ...
Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc để xảy ra tình trạng trên. Bộ trưởng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng công trình xây dựng kém chất lượng, tham nhũng thất thoát trong đầu tư xây dựng công trình?”.
Bộ trưởng Dũng thừa nhận: “Vấn đề lãng phí, thất thoát không phải hôm nay mà có từ lâu rồi. Đây là bệnh nan giải và rất khó khắc phục triệt để”.
Theo ông Dũng, nguyên nhân thứ nhất là do thể chế. “Chúng ta đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa được hoàn thiện. Ví như chúng ta đang phải hoàn thiện Luật đất đai, hàng loạt luật khác như Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật đấu thầu... còn cần phải sửa đổi lại. Vấn đề kiểm soát chất lượng ở nhiều dự án chưa chặt chẽ, công tác tiền kiểm còn nhiều hạn chế” - ông Dũng nói.
Thứ hai, theo ông Dũng, là do chất lượng công tác quy hoạch, chất lượng dự án, chất lượng thiết kế, giám sát, thi công đều có nhân tố làm thất thoát. Thứ ba là thanh tra, kiểm tra chưa tốt. Thứ tư là chất lượng, phẩm chất cán bộ, công chức và những người đầu tư, xây dựng. Thứ năm là thiếu cơ chế để người dân giám sát, thiếu chế tài xử lý mạnh những sai phạm.
Về giải pháp, ông Dũng khẳng định trước hết là hoàn thiện thể chế pháp luật. Vấn đề nữa là phải kiểm tra được năng lực các nhà thầu, có thông tin để công bố danh sách nhà thầu, giúp chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp. Giải pháp nữa là nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực này. Mở rộng cơ chế để cộng đồng, xã hội, người dân giám sát.
Tham gia chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Bộ trưởng nói rõ là chất lượng xây dựng của VN tốt, xấu hay trung bình?”. Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho biết về chất lượng thì cơ bản đã kiểm soát được, công trình về sau càng có chất lượng tốt hơn.
“Công trình chất lượng kém chủ yếu là công trình cấp ba trở xuống, do dân đầu tư là chính. Còn công trình do Nhà nước đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia thì cơ bản là tốt. Ngoại lệ có những công trình như cầu Cần Thơ, tháp truyền hình Nam Định, đập thủy điện Sông Tranh 2...” - ông Dũng nói.
Tồn kho bất động sản hơn 40.000 tỉ đồng
Trả lời các chất vấn về bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với thị trường bất động sản, nhưng không thể khẳng định là sẽ tháo gỡ tuyệt đối được, phải chờ nền kinh tế hồi phục...
Ông Dũng cho hay tồn kho bất động sản rất lớn. “Tính đến ngày 30/8, không tính các dự án, sản phẩm dở dang nhưng đã có người góp vốn thì số lượng tồn căn hộ chung cư là hơn 16.000, nhà ở thấp tầng hơn 5.000 căn, đất nền hơn 1.624.000m2, văn phòng trung tâm thương mại hơn 24.000m2, tổng giá trị tồn kho hơn 40.000 tỉ đồng. Tồn kho chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM” - ông Dũng cung cấp thông tin.
Theo ông Dũng, hiện nay đang rà soát toàn bộ các dự án. Dự án nào chưa giải phóng mặt bằng thì dừng; dự án chưa đầu tư hạ tầng thì giãn tiến độ; dự án đã đầu tư hạ tầng thì thực hiện cơ cấu lại, tăng cường đầu tư nhà ở xã hội. Sản phẩm bất động sản cũng cơ cấu lại, tùy theo từng vị trí, dự án cụ thể mà cho phép cơ cấu lại phù hợp với khả năng chi trả của người dân.