Kinh doanh e-book: Muốn lời phải lỗ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:17, 19/11/2012
Âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dốc sức chiếm lĩnh thị trường sách điện tử (e-book) giàu tiềm năng.
Lạc Việt, First News, Vinabook hay Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam là những nhà cung cấp e-book tiên phong trong lĩnh vực này. Năm ngoái, First News đạt được thỏa thuận với Samsung để tích hợp bộ sách Hạt Giống Tâm Hồn vào dòng máy tính bảng Galaxy Tab tại Việt Nam.Sách điện tử đang là thị trường đầy tiềm năng
Mới đây, Phương Nam cũng vừa đưa vào hoạt động nhà sách Phương Nam e-book tại Trung tâm Thương mại Vincom, Q.1, TP. HCM. Nhà sách này cho phép khách tham quan tiếp cận sách qua nhiều hình thức khác nhau từ điện thoại, máy tính bảng tới các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dùng.
Lạc Việt cũng vừa đưa vào hoạt động website sachbaovn.vn với trên 5.000 ấn phẩm có bản quyền cung cấp bởi hơn 50 nhà cung cấp nội dung trong nước. Đặc biệt, sách báo điện tử do Lạc Việt cung cấp được mã hóa theo định dạng riêng và chỉ có thể đọc được bằng Lac Viet Reader (phần mềm miễn phí). Khách mua e-book tại website này có thể thanh toán trực tuyến một cách đa dạng bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM và cả thẻ cào điện thoại...
Bài bản là vậy, nhưng Lạc Việt vẫn chưa có lãi từ kinh doanh e-book. Khởi động từ năm 2008 đến nay với tổng vốn đầu tư 20 tỉ đồng, nhưng doanh thu từ e-book của Lạc Việt cũng chỉ hơn 1 tỉ đồng/năm.
Theo ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Lạc Việt, mấy năm nay Công ty vẫn đang phải dùng nguồn thu từ mảng kinh doanh phần mềm để nuôi dịch vụ e-book.
E-book là một mảng kinh doanh còn khá mới mẻ trên thế giới và các tập đoàn lớn vẫn đang trên đường tìm ra một mô hình kinh doanh hợp lý nhất cho loại hình sản phẩm này. Hãy nhìn vào những điều mà Amazon đã làm được trên thị trường e-book Mỹ để thấy được một chiến lược đầy tính toán của họ.
Khi Amazon giới thiệu dòng thiết bị e-reader Kindle ra thị trường vào năm 2007, tập đoàn này đã ngay lập tức chiếm đến 90% doanh số e-book trên toàn nước Mỹ.
Với ý định tiếp tục gia tăng thị phần, Amazon quyết định bán e-book với mức giá thấp hơn chi phí bản quyền trả cho nhà xuất bản (bán lỗ) nhằm triệt tiêu những đối thủ còn lại trên thị trường, trong đó có Apple.
Tổng Giám đốc của Apple khi đó là Steve Jobs trong nỗ lực phá vỡ thế độc quyền của Amazon đã đề xuất hình thức kinh doanh e-book chia hoa hồng với các nhà xuất bản. Theo đó, năm nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ đã đồng ý để Apple bán e-book với mức giá sàn do chính họ đưa ra và cho Apple hưởng 30% doanh thu. Mất đi lợi thế giá thấp, thị phần e-book của Amazon tại Mỹ giảm xuống còn 60% (2012). Apple giành được 10% thị trường và Barnes & Noble được 25%.
Tuy nhiên, phán quyết được Sở Tư pháp Mỹ đưa ra vào tháng 4 năm nay đã trao cho Amazon cơ hội khuynh đảo thị trường e-book một lần nữa.
Theo phán quyết trên, Apple và năm nhà xuất bản lớn bị quy tội làm giá và phải điều đình lại với Amazon về mức giá sàn cho các sản phẩm e-book tại thị trường Mỹ. Trước mắt, đây là tin vui cho người tiêu dùng Mỹ vì giá bán e-book sẽ giảm. Còn về lâu dài, Amazon sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì tập đoàn này sẽ có thể tiếp tục thực hiện chính sách bán lỗ để thâu tóm thị trường.
Trên thực tế, chiến lược giá thấp cho thị trường e-book đã được Amazon định hình từ khi tung ra Kindle. Trước khi thiết bị e-reader của Amazon này ra đời, hầu như chưa có sản phẩm nào chiếm được thị phần từ tay iPad của Apple. Với mức giá khởi điểm 199 USD của Kindle (thấp hơn iPad đến 300 USD), hãng tư vấn IHS iSuppli (Mỹ) tính toán rằng với mỗi chiếc máy Kindle bán ra, Amazon lỗ ít nhất 2-3 USD. Amazon chấp nhận điều này để quyết tâm giành thị trường e-book.
Được thị trường nhiệt tình đón nhận, Kindle nhanh chóng trở thành một trong những thiết bị phổ biến nhất nước Mỹ. Tất nhiên, toàn bộ e-book của Amazon đều được mã hóa dưới định dạng dành riêng cho Kindle và rất khó để đọc được trên các thiết bị khác. Amazon còn lấn sân sang iPad với phần mềm “Kindle for iOS” cho phép đọc e-book do họ cung cấp ngay trên thiết bị của Apple.
Với độ phủ rộng của thiết bị Kindle cùng mức giá e-book cực thấp, không thể phủ nhận khả năng tiếp tục thành công trong tương lai của Amazon ở thị trường nội dung số đầy tiềm năng.
Tuy áp đảo thị trường, nhưng chiến lược cạnh tranh e-book của Amazon đã làm dấy lên những lo ngại về vấn đề độc quyền. Theo hãng tư vấn Navint Partners (Mỹ), tỉ suất lợi nhuận của Amazon hiện nay đã thấp hơn các đối thủ khác đến 80%. Một khi Amazon đã nắm được thị trường e-book trong tay, sẽ có ít nhất hai khả năng xảy ra.
Ở trường hợp thứ nhất, họ sẽ tăng giá e-book và đặt gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng. Khi đó, khách hàng mua e-book của Amazon sẽ không còn sự lựa chọn nào khác là phải trả thêm tiền để tiếp tục đọc và lưu giữ bộ sưu tập e-book của họ.
Còn nếu Amazon không làm như vậy thì áp lực sẽ dồn về phía những nhà xuất bản và các tác giả sách. Họ sẽ phải chấp nhận bất cứ điều khoản hợp đồng nào được Amazon đưa ra nếu muốn xuất bản được e-book trên hệ thống này. Và đó là cái giá mà thị trường e-book Mỹ sẽ có thể phải nhận lấy nếu để tình trạng độc quyền diễn ra.